Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra các vụ tự tử, trẻ em bỏ nhà đi... Nhiều người đang khoẻ mạnh rơi vào tình trạng sống u uất, không muốn giao tiếp.
Cha mẹ thường xuyên gần gũi, trò chuyện cùng con cái sẽ giúp đứa trẻ lớn lên có một trạng thái sức khoẻ và tâm lý ổn định. Trong ảnh: Nhiều trẻ em được cha mẹ đưa đến Nhà Thiếu nhi tỉnh vui chơi dịp Tết Trung thu năm 2022
Sáng 19.10, Bệnh viện Tâm thần Hải Dương tiếp nhận bệnh nhân C.V.N. (16 tuổi, quê Ninh Giang) với biểu hiện bị sang chấn tâm lý. Kiên trì các liệu pháp điều trị tâm lý, các bác sĩ ở đây đã khai thác được nguyên nhân khiến em N. rơi vào tình trạng này. N. là con út trong gia đình có hai anh em. Do bố và anh trai đều ở nước ngoài nên ở nhà chỉ có mẹ và N. sống với nhau. Mẹ bận việc công ty nên thường xuyên để N. tự chăm sóc bản thân và lo chuyện học hành. Cuộc sống buồn tẻ kéo dài khiến N. rơi vào trạng thái trầm cảm nội sinh từ bao giờ không hay. Nguy hiểm là khi tâm sự với bác sĩ, N. còn nói đang có ý định muốn tự tử.
“Trước thì cháu vẫn bình thường nhưng gần đây thì sống trầm tính, ít nói, ngại giao tiếp, mất ngủ. May có người tư vấn nên gia đình đã kịp thời ngăn được chuyện xấu có thể xảy ra”, người nhà N. cho biết.
Chị N.T.Th. ở TP Hải Dương cũng vừa trải qua liệu trình điều trị tâm lý kéo dài hậu ly hôn. Chị Th. cho biết hai vợ chồng chị từng sống hạnh phúc, nhà không giàu nhưng cũng có bát ăn bát để, con cái học hành giỏi giang, ngoan ngoãn. Nhưng rồi một ngày chồng chị dính vào lô đề, không chịu làm ăn. Kinh tế gia đình dần kiệt quệ. Nhà hết tiền, anh chồng đi vay cả tiền bên ngoài với lãi ngày “cắt cổ” để chơi. Nợ nần chồng chất, ngày nào cũng có người đến nhà đòi tiền, cộng với áp lực công việc, con cái khiến chị Th. rơi vào trầm cảm.
“Chồng tôi đi suốt, hễ cứ về nhà là gây gổ. Tôi mất ngủ triền miên và không thể hoàn thành công việc ở công ty. Những lúc ngồi một mình buồn chán, tôi tự tay nhổ tóc mà ý thức không hề kiểm soát được việc này”, chị Th. chia sẻ.
Người dân trong tỉnh hẳn chưa quên các vụ nhảy cầu tự tử đau lòng của hai thanh niên ở TP Hải Dương và huyện Ninh Giang; vụ một bà mẹ ở Cẩm Giàng ôm hai con nhảy sông Thái Bình. Một số trẻ em ở các huyện Tứ Kỳ, Nam Sách bỏ nhà đi. Nhiều người đang khoẻ mạnh, giao tiếp bình thường trở nên u uất, không muốn giao tiếp… Bác sĩ Nguyễn Việt Hoà, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hải Dương cho rằng những người này đều có biểu hiện bị “tâm căn suy nhược” hay sang chấn tâm lý, sang chấn tâm thần (tiếng Anh gọi là stress). Những sự việc xảy ra là sự cộng hưởng của buồn chán, lo lắng, sợ hãi… trong một thời gian dài nhưng không tìm được lối thoát.
Bác sĩ Hoà cho rằng xã hội đang chìm ngập trong “đại dương sang chấn”, bất kỳ ai cũng có thể bị “tâm căn suy nhược”. Hầu hết mọi người có khả năng thích nghi khi biết vượt qua nghịch cảnh. Nhưng cũng có một bộ phận bệnh nhân không biết cách thoát ra khỏi thực trạng của mình. Nguyên nhân khiến sức khoẻ tinh thần của nhiều người rơi vào trạng thái này là do cuộc sống bế tắc, cùng lúc chịu nhiều áp lực, mâu thuẫn không thể giải quyết.
“Có những bệnh nhân khi bác sĩ hỏi mới phát hiện đang bị ảnh hưởng bởi hàng chục sang chấn tâm lý khác nhau”, bác sĩ Hoà nói.
Kết hợp hai liệu pháp
Khi sức khoẻ tinh thần không ổn định, người bệnh sẽ gặp những biểu hiện thường thấy như đau đầu, mất ngủ, mệt mỏi, suy nhược, u uất, nặng hơn nữa là tìm đến cái chết. Theo các bác sĩ, những bệnh nhân này phải điều trị kết hợp hai liệu pháp là thuốc và tâm lý, trong đó liệu pháp tâm lý đóng vai trò quan trọng nhất. Mỗi bệnh nhân lại có một liệu pháp điều trị riêng. Để tránh xảy ra những sự việc đau lòng thì những thành viên trong gia đình phải giám sát lẫn nhau, khi phát hiện thành viên đang khỏe mạnh mà có các biểu hiện bất thường thì cần cho ngay đến cơ sở y tế để khám, sàng lọc và điều trị.
Còn theo các chuyên gia về tâm lý, cuộc sống luôn tạo ra rất nhiều mâu thuẫn, áp lực từ các mối quan hệ như giữa bố mẹ với con cái, vợ với chồng, giữa nhân viên và lãnh đạo… Để duy trì trạng thái tinh thần ổn định thì mỗi người nên xây dựng một lối ứng xử hoà nhã với tất cả những người xung quanh. Biết lắng nghe, thấu hiểu, cảm thông và đặc biệt là mạnh dạn nói ra những tâm tư trong lòng với người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Xây dựng lối sống lành mạnh, một chế độ ăn uống, luyện tập thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày sẽ tạo ra sự sảng khoái cho cuộc sống, giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi. Mỗi người trong gia đình cũng cần có trách nhiệm cải thiện các mối quan hệ với người thân bằng việc thường xuyên quan tâm, hỏi han chuyện công việc, học hành, nhu cầu. Cố gắng dành nhiều thời gian hơn bên nhau, đặc biệt là cần thường xuyên dùng bữa cùng gia đình để tạo không khí ấm cúng… Nếu cuộc sống không may gặp phải nghịch cảnh thì mỗi người cần biết kiên cường đứng dậy, tìm cho mình hướng giải quyết phù hợp nhất.
Giữ tinh thần lạc quan, tự tin, yêu đời, lối sống lành mạnh, biết lắng nghe, thấu hiểu sẽ giúp mỗi người có một thể trạng và tâm lý tốt nhất để sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội.
BÌNH MINH