Ga Hải Dương trong ký ức tôi

12/02/2022 07:02

Những chuyến tàu Tết và ga Hải Dương với chúng tôi, thế hệ từng tham gia chống Mỹ, cứu nước, nay đã ở vào tuổi U60, U70, mãi mãi vẫn còn là những ký ức rất đẹp trong sâu thẳm trái tim mình.


Ga Hải Dương là hình ảnh đẹp trong ký ức của nhiều người

Trong tôi, ga Hải Dương là những kỷ niệm xa mờ, những nhà lá đơn sơ, rồi những nhà ngói cấp 4, mái đỏ in lên trời của một thời bao cấp nghèo nàn và đơn giản, một thời tất cả cho tiền tuyến. Hải Dương, tỉnh nhỏ, con tàu đi qua loáng cái đã hết. Qua ga Lạc Đạo (Hưng Yên) là ga Cẩm Giàng mà cái tên nhà văn Thạch Lam như không bao giờ mất trong con tim chúng tôi, một thời mê văn Thạch Lam. Nhà ga xưa nghe thân thương: Cẩm Giàng, Cao Xá, Hải Dương, Tiền Trung, Lai Khê, Phạm Xá... đếm trên đầu ngón tay mà bom rơi không trừ ga nào. 

Ký ức về ga Hải Dương những năm tuổi thơ tôi... Trong tập trường ca: Người đi đã trở về (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2015), có đoạn: Tiếng còi tàu khản đặc sớm chia tay/ Xình xịch gõ/ Đường ray rên chói óc/ Đoàn tàu chợ rời ga khó nhọc/ Vòng tua như ốm, thở phì phò... Cẩm Giàng ga, ta vườn xưa Thạch Lam/ Bánh chưng đất?/ Nỗi buồn se sắt/ Đêm đợi tàu, buồn tênh tất bật/ Bánh gai Ninh Giang nhớ ngọt tận giờ/Bánh đậu xanh là thơ...

Đêm đợi tàu sốt ruột. Những người lính trẻ qua ga Hải Dương vào Trường Sơn... Tàu đi không dừng lại nhà ga. Vẫy tay của người lính trận gửi lời chào hậu phương. Những năm chiến tranh, ga Hải Dương như là huyền thoại. Ga Hải Dương khi tôi đi qua những năm chiến tranh là những toa tàu có vết đạn, nằm ngả nghiêng do bom Mỹ, những đường ray cong vênh in lên trời như vạch tội... Thế rồi xa, thế rồi những hình ảnh chiến tranh biến mất tự bao giờ. 

Nhà ga và con tàu! Nó như là ký ức. Trước thế kỷ 19, người Việt Nam không có khái niệm ấy. Mãi đến cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, khi người Pháp đô hộ nước Nam, do yêu cầu cấp bách về giao thông mới mở ra đường sắt và nhà ga. Tôi chỉ muốn nhớ lại những ký ức tôi về nhà ga và con tàu. Một niềm vui, một nỗi buồn khi đưa tiễn người thân, khi đón người xa trở về từ xa thẳm... bắt đầu từ nhà ga và con tàu. 

Những người yêu thơ, không ai là không nhớ Nguyễn Bính và bài thơ Những nỗi buồn trên sân ga: Một lần tôi thấy một bà già/ Đưa tiễn con đi trấn ải xa/ Tàu chạy lâu rồi bà vẫn đứng/ Lưng còng đổ bóng xuống sân ga. Ngày xưa làm gì có khái niệm tàu chạy lâu rồi... lưng còng đổ bóng xuống sân ga. Tôi chảy nước mắt ra, khi nhớ lại hình ảnh mà Nguyễn Bính chép ra, buồn tênh, thương cảm: Có lần tôi thấy vợ chồng ai/ Thèn thẹn đưa nhau, bóng chạy dài/ Chị mở khăn giầu, anh thắt lại:“- Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi!”.

Nhà ga và con tàu! Vật vô tri vô giác nhưng một khi gắn bó với con người, nó là kỷ niệm, là ký ức và là tình cảm gắn bó với họ có thể một đời người, khoảnh khắc chia tay, một đi không trở lại... Ôi đâu phải con tàu, trái tim ta đó/ Tiếng đập thình thình muốn vỡ làm đôi/ Ta biết em rất khỏe tim ơi/ Không khóc đấy nhưng sao mà nóng bỏng (Tố Hữu - Bài ca Xuân 1961). Tố Hữu muốn thể hiện lòng mình, trái tim của mình khi nghe tiếng còi tàu, khi nhìn thấy trong tim con tàu đang rời khỏi Hà Nội trên đường Nam Bộ xưa (bây giờ là đường Lê Duẩn). 

Trở lại ga Hải Dương, trong tôi là những màu tường ga cũ ố vàng. Người tình xưa đợi tôi về Tết từ ga Lạc Đạo mà tàu thì nhỡ rồi. Thâu đêm, tôi còn ở Hải Dương, khoảng cách có bao cây số mà chờ, mà đợi. Thời sinh viên láo nháo, yêu thầm nhớ vụng đến vu vơ. Mối tình xưa trong tôi, Hải Dương, có con tàu và nhà ga làm chứng. Nhớ vải Thanh Hà, tôi giơ tay vẫy vẫy: "Thôi nhé, tỉnh Đông, tạm biệt tuổi thơ/ Cầu phao Phú Lương không còn nữa/Đoàn tàu bồng bềnh chiều bom đỏ lửa/Người đi, trăng dọi sáng bên trời". 

Ga Hải Dương là hình ảnh cha tôi mỏi mòn chờ tôi để cùng về Tứ Kỳ trong chiều hè nóng như đổ lửa mà tôi thì còn lang thang mãi tận Thanh Hà để chờ người bạn gái về cùng. Mà vải Thanh Hà thì chín rộ, còn tàu chợ chậm giờ không chịu về cho. Ga Hải Dương như niềm hy vọng tuổi thơ tôi, một hy vọng mong manh, một mối tình mây gió không bao giờ có nổi một nụ hôn. 

Ga Hải Dương là bài thơ tình xưa ngô ngố, tôi chờ em mãi để về Hà Nội. Chờ mãi... không thấy em tới, tàu đến tôi phải đi. Bài thơ tình tôi dán trên cột điện nhà ga để trách em không đến. Chuyện thật hy hữu nhưng rồi thật kỳ lạ, em đọc được thơ dán trên cột điện, xin lỗi tôi, mẹ ốm không đi được. Nhưng ngày ấy làm gì có điện thoại, điện hỏa tốc mà 2 ngày mới tới. Nhưng em cũng phê bình tôi, thơ tình sao lại dán cột điện, để bao người đọc được. Thế đấy, ga Hải Dương, thời sinh viên ngô nghê và trong trẻo, để bây giờ muốn ngô nghê cũng chẳng có đâu. Với tôi, ga Hải Dương xa mờ mà nhớ lại, nó sờ sờ trước mặt. Tôi đi với em bước lên tàu về Hà Nội, này bánh gai Ninh Giang, này kẹo dồi, này bánh đậu xanh... chất đầy trong ba lô. 

Đợi tàu Tết ở ga Hải Dương, một niềm vui rạo rực và một nỗi buồn đợi tàu khi chậm giờ ngày Tết. Những ấn tượng tàu Tết với thế hệ chúng tôi đầy ám ảnh. Chen vé, trốn vé với sinh viên xưa là chuyện thường. Sinh viên nghèo về Tết có thói xấu hay trốn vé. Mà ngày xưa, nhà ga làm gì kín được như bây giờ. Nhưng không may bị soát vé bắt được thì cúi đầu xin, nói dối cháu bị mất tiền. Mấy chú soát vé biết tỏng tòng tong cái nghèo của sinh viên thôi thì cho đi.

Ga Hải Dương, thị xã Hải Dương, bây giờ là TP Hải Dương vẫn mãi mãi là niềm hy vọng của tôi, niềm vui của tôi mỗi khi tôi trở lại, dù vườn hoa đu đủ xa mờ không còn nữa, người tình thì đã thành bà già. Nhưng tôi không buồn vì mỗi độ xuân về đường 5 mới xe nhiều hơn, tốc độ cao hơn, tai nạn ít hơn; những khu công nghiệp rộn ràng... 

Những chuyến tàu Tết và ga Hải Dương, với chúng tôi, thế hệ từng tham gia chống Mỹ, cứu nước, nay đã ở vào tuổi U60, U70, mãi mãi vẫn còn là những ký ức rất đẹp trong sâu thẳm trái tim mình.

LÊ TUẤN LỘC 

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ga Hải Dương trong ký ức tôi