Hải Dương từng là một trong những "điểm nóng" về tình trạng đốt rơm rạ dư thừa sau mỗi vụ thu hoạch lúa vừa lãng phí, vừa ảnh hưởng tới môi trường, sức khoẻ người dân. Hiện nay, phần nhiều rơm, rạ trong tỉnh được tái sử dụng để phục vụ sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, xanh, bền vững.
Sau vụ thu hoạch lúa mùa năm 2024, cánh đồng nằm ven đường tỉnh 390D thuộc phường An Thượng (TP Hải Dương) và các xã Hồng Phong, Minh Tân (Nam Sách) cơ bản không còn cảnh khói bụi bay mù mịt từ việc đốt rơm, rạ như trước. Thay vào đó là hình ảnh chiếc máy cuộn rơm chạy phăng phăng trên mặt ruộng, thỉnh thoảng dừng lại rồi nhả ra những cuộn rơm vàng óng.
Anh Nguyễn Ngọc Ngợi ở xã Minh Tân cùng mấy lao động chuyền tay nhau những bó rơm từ ruộng xếp lên chiếc ô tô tải đỗ ven đường. Rơm đã chất đầy, anh lái xe thẳng tiến về thị xã Kinh Môn bán cho người trồng hành, tỏi. Những người khác trở lại tiếp tục cuộn rơm, chờ chuyến xe kế tiếp.
Từ đầu vụ thu hoạch lúa mùa đến nay, gần như ngày nào đội thu gom rơm của anh Ngợi cũng làm việc từ sáng đến tối. Họ ăn trưa ngay tại ruộng. "Lượng rơm còn nhiều mà bà con thì cần rơm ngay để kịp thời vụ gieo trồng cây vụ đông nên chúng tôi phải tranh thủ thu gom nhanh nhất có thể", anh Ngợi chia sẻ.
Anh Ngợi bắt đầu làm nghề thu gom rơm từ năm 2021. Thời điểm đó, phần lớn rơm, rạ sau thu hoạch bị nông dân đốt tại ruộng. Thấy việc này vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa lãng phí nên anh hô hào người thân thành lập đội đi thu gom rơm về bán kiếm lời.
Anh Ngợi đi nhiều nơi tìm hiểu nhu cầu về tiêu thụ rơm. Về nhà, anh đầu tư mua một đầu máy cuộn rơm giá 80 triệu đồng rồi lắp vào máy làm đất. Anh nhờ người tuyên truyền nông dân dừng đốt rơm, trả họ 2.000 đồng/cuộn. Bà con đồng tình, nhiều người cho không.
Không chỉ làm tại Hải Dương, nhóm của anh Ngợi còn đi thu gom rơm ở các tỉnh Nam Định, Bắc Ninh... Mỗi năm, nhóm của anh thu được từ 14.000-17.000 bó, mỗi bó nặng khoảng 20kg, tương đương từ 280-340 tấn. "Số rơm này được chúng tôi vận chuyển đi khắp các tỉnh miền Bắc, vào tận Nghệ An để phục vụ người dân trồng rau màu, nuôi trâu, bò, trồng nấm. Nhu cầu về rơm trên thị trường hiện rất lớn. Ngoài nhóm chúng tôi, trong tỉnh hiện còn nhiều nhóm khác cũng đi thu mua rơm", anh Ngợi thông tin.
Tới nhiều cánh đồng khác ở các huyện Gia Lộc, Cẩm Giàng, Bình Giang, TP Chí Linh... ở đâu, chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh những chiếc máy cuộn rơm đang hoạt động hết công suất.
Tại cánh đồng xã Cẩm Văn, nhóm của anh Nguyễn Tuấn Phan (quê xã Đức Chính, cùng huyện Cẩm Giàng) gồm 6 người đang thu gom rơm để cung cấp cho Trang trại bò sữa Daily Farm Mộc Châu (Sơn La). Sau khi đi thu gom rơm ở Hưng Yên, Bắc Ninh, nhóm vừa trở về khu đồng này.
Từ năm 2019, anh Phan đã đầu tư 360 triệu đồng để mua máy cuộn rơm tự hành, 1 xe ô tô để đi gom rơm. Anh ký hợp đồng với những nông dân ở trong và ngoài tỉnh cấy lúa trên những cánh đồng mẫu lớn để thu mua rơm với giá từ 10.000-20.000 đồng/sào.
Ở xã Đức Chính vẫn còn có 2 nhóm thợ khác cũng đi thu gom rơm. Riêng nhóm của anh Phan mỗi năm gom được khoảng 20.000 cuộn (tương đương 400 tấn). Ban đầu, anh chủ yếu mua rơm về phục vụ nông dân địa phương trồng màu, dần dà mở rộng phục vụ thị trường chăn nuôi gia súc, trồng nấm ăn. "Làm hết công suất nhưng chưa đáp ứng hết nhu cầu thị trường nên vụ này tôi đã bắt tay thêm với 3 nhóm khác ở tỉnh Nam Định để phục vụ khách hàng tốt hơn", anh Phan cho hay.
Tình trạng đốt rơm rạ dư thừa sau thu hoạch lúa tại Hải Dương đã giảm đi trông thấy khi các nhóm thợ thu gom rơm hình thành tại nhiều địa phương. Ngoài rơm được thu gom để phục vụ vào nhiều mục đích, phần lớn gốc rạ (đối với ruộng gặt ngang cây lúa) còn lại được cày lật theo đất, trở thành nguồn dinh dưỡng cho cây trồng.
Khói bụi từ đốt rơm, rạ giờ đây không còn bủa vây làng quê ở Hải Dương như trước. Người và phương tiện qua lại trên các tuyến đường cũng bớt lo khói rơm rạ làm che khuất tầm nhìn, từ đó giảm nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Bà Nguyễn Thị Thảo ở xã An Thượng (ngoại thành TP Hải Dương) nhận xét: "Trước đây, bà con đốt rơm rạ khắp cánh đồng, không khí ngột ngạt lắm. Nhiều người già, trẻ nhỏ bị bệnh hô hấp. Giờ khác rồi, môi trường trong lành hẳn".
Anh Phan cho biết từ ngày làm nghề thu gom rơm, anh và các cộng sự có thêm nguồn thu nhập đáng kể. 2 lái xe cuộn rơm được anh trả tiền công 1 triệu đồng/người/ngày, thợ bốc vác, vận chuyển thu nhập 500.000 đồng/người/ngày.
Chúng tôi tới thăm vùng chuyên canh rau màu ở bãi ngoài đê sông Thái Bình thuộc địa phận các xã Đức Chính, Cẩm Văn (Cẩm Giàng), Thái Tân (Nam Sách). Những ngày này, bà con nông dân đang hối hả gieo trồng cây cà rốt vụ đông. Hạt giống vừa gieo xong, nông dân liền phủ một lớp rơm lên mặt luống để bảo vệ. Màu vàng của rơm pha quyện với ánh nắng trời chiều làm cho những vùng chuyên canh này hiện lên như một bức tranh vẽ.
Tại một số ruộng trồng cà rốt sớm thuộc xã Đức Chính, những mầm xanh đã bắt đầu lách qua khe rơm, vươn lên đón ánh sáng. Rơm trên mặt luống cũng đang từ từ hoai mục, hoá vào đất tạo dinh dưỡng cho cây phát triển.
Ông Đặng Văn Chức ở thôn Địch Tràng, xã Đức Chính (Cẩm Giàng) chia sẻ: "Mỗi năm, bà con vùng này tận dụng hàng nghìn tấn rơm dư thừa để phục vụ sản xuất. Rơm có rất nhiều tác dụng từ giữ ẩm, bảo vệ hạt giống đến việc giúp đầu củ cà rốt giữ được màu đỏ, không bị xanh, mẫu mã củ đẹp, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu. Rơm hoai mục làm cho đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng. Nhờ có rơm, bà con chúng tôi luôn duy trì sản xuất ổn định, vụ nào cũng thu lãi từ 5-6 triệu đồng/sào".
Tại nhiều cánh đồng thuộc các huyện Nam Sách, thị xã Kinh Môn... rơm là nguyên liệu không thể thiếu để phục vụ gieo trồng hành, tỏi. Theo tìm hiểu, mỗi sào trồng 2 loại cây này cần từ 10-12 cuộn rơm. Toàn tỉnh có khoảng 1.600 ha trồng cà rốt, 6.500 ha trồng hành, tỏi. Hằng năm, hàng nghìn ha canh tác những loại cây trồng này tiêu thụ một lượng rơm rất lớn.
Rơm ở Hải Dương cơ bản được thu gom, sử dụng đúng mục đích đã góp phần quan trọng giúp hình thành, duy trì hiệu quả sản xuất của các vùng chuyên canh rau màu an toàn, giá trị kinh tế cao theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Diện tích trồng cà rốt toàn tỉnh hiện có khoảng 1.600ha với sản lượng trên 80.000 tấn/năm. Trong đó 80% sản lượng được sơ chế, xuất khẩu sang nhiều nước.
Lần theo "đường đi" của rơm, chúng tôi đến thăm nhiều trang trại nuôi trâu, bò lấy thịt, cơ sở trồng nấm ở Hải Dương. Đến đâu, cũng thấy giá trị kinh tế mà rơm đem lại. Tại nhà kho của Công ty TNHH Sản xuất nấm Hải Dương ở xã Quang Phục (Tứ Kỳ), hàng trăm tấn rơm xếp thành cuộn cao tới tận nóc. Mỗi tháng, công ty này thu được hàng tấn nấm từ việc sử dụng 20 tấn rơm.
"Nấm mỡ trồng bằng rơm rất thơm ngon, được thị trường ưa chuộng, được giá. Chúng tôi từng phải nhập rơm từ trong Quảng Ngãi ra để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, từ ngày có các đội thu gom rơm trong tỉnh hoạt động thì nguồn nguyên liệu tại chỗ đã phong phú", chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, quản lý Công ty TNHH Sản xuất nấm Hải Dương nói.
Tại nhà trồng nấm của công ty, bà Nguyễn Thị Thoan hồ hởi chia sẻ: "Rơm sinh ra nấm. Nấm lại cho chúng tôi công việc và tiền lương từ 7,5-9 triệu đồng/người/tháng từ nhiều năm nay".
Một lượng không nhỏ rơm, rạ dư thừa còn được nông dân nhiều nơi ở Hải Dương xử lý thành phân hữu cơ để bón các loại cây như vải, ổi, quất, na, thanh long hay ươm cây giống... ở các vùng chuyên canh.
Diện tích cấy lúa ở Hải Dương hiện còn khoảng 10.070 ha, sản lượng rơm, rạ khoảng 650.000 tấn. Đây là nguồn tài nguyên dồi dào, phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp, góp phần đem lại giá trị cao, bền vững.
Từ 14 năm trước, Hải Dương đã ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch khung tổ chức xử lý rơm rạ dư thừa sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ bằng chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011 - 2015.
Toàn tỉnh đã tổ chức trên 300 lớp tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ hàng nghìn tấn chế phẩm sinh học và phân hóa học cho nông dân để xử lý rơm, rạ dư thừa thành 379.000 tấn phân bón hữu cơ.
Sau giai đoạn này, mục đích sử dụng rơm, rạ vào sản xuất nông nghiệp đã thay đổi. Nông dân ở Hải Dương ít ủ rơm, rạ thành phân bón hữu cơ, cũng không làm chất độn chuồng, đun nấu như trước. Tỉnh chuyển hướng vận động bà con thu gom rơm, rạ phục vụ các vùng sản xuất rau màu, cây ăn quả, trồng nấm, chăn nuôi trâu, bò... Các tổ, đội thu gom rơm, rạ hình thành, tình trạng đốt rơm, rạ vì thế đã giảm đi rất nhiều.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan bày tỏ sự ấn tượng với cách làm mà tỉnh Hải Dương đã và đang thực hiện trong xử lý rơm, rạ dư thừa. Hải Dương đang là một trong những điển hình của miền Bắc về sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững, đa tầng, đa giá trị.
Diện tích, sản lượng và giá trị cây vụ đông của tỉnh cũng đang dẫn đầu khu vực. Năm 2023, giá trị sản xuất vụ đông của Hải Dương đạt trung bình 230 triệu đồng/ha, cao gấp 2,3 lần so với bình quân chung toàn miền Bắc. Rơm, rạ dư thừa được thu gom, tận dụng hiệu quả là một trong những nguyên nhân tạo ra những giá trị to lớn này.
Bộ trưởng nhận định không chỉ ở Hải Dương, rơm, rạ dư thừa sau mỗi vụ sản xuất ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước rất lớn. Tận dụng tốt nguồn tài nguyên sẵn có này vào tuần hoàn sản xuất nông nghiệp cũng là phục vụ đích đến của nền nông nghiệp xanh.
"Để việc này được duy trì bền vững, tỉnh Hải Dương cũng như các địa phương trong cả nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho hoạt động thu gom, xử lý rơm, rạ. Phấn đấu làm sao những chiếc máy thu gom rơm, rạ trên đồng ruộng cũng nhiều như máy gặt, máy làm đất", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương Lương Thị Kiểm cho biết UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo các ngành chuyên môn tham mưu chính sách hỗ trợ để ứng dụng cơ giới hoá trong mọi lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trong đó hoạt động thu gom rơm, rạ sẽ sớm được triển khai hỗ trợ.
Nội dung: TIẾN MẠNH
Trình bày: TUẤN ANH