vung-dat-cia-dan-ngu-cu.jpg

Từ vùng đất khô cằn, hoang hóa, với sự cần cù, chịu khó của những người dân ngụ cư, khu Trại Trống (phường Hoàng Tiến, Chí Linh, Hải Dương) đã trở thành vùng đất màu mỡ. Qua hàng chục năm xây dựng, phát triển, diện mạo vùng đất này đã đổi thay từng ngày, đời sống người dân được nâng cao cả về vật chất, tinh thần.

tit1.png
trai-trong-hoang-tien.jpg
Vùng đất hoang hóa ngày ấy đã được phủ xanh bởi những vườn cây ăn quả

“Trại Trống là vùng đất ngụ cư hiếm có ở Hải Dương”. Câu chuyện tưởng chừng đơn giản trong một buổi gặp gỡ tình cờ nhưng đã gợi lên sự tò mò trong tôi. Bởi từ nhỏ, tôi được nghe bà kể về những cuộc di dân, rời quê hương đi lập nghiệp tại các vùng “kinh tế mới”, nhưng không phải ở Hải Dương.

Trong cái lạnh se sắt của những ngày đông, men theo quốc lộ 18, chúng tôi tìm đến khu dân cư Trại Trống. Khác xa với khung cảnh phố xá tấp nập của TP Chí Linh, Trại Trống nằm cách biệt, dựa lưng vào dãy núi Mấu yên bình, xa xa là những núi đồi trùng điệp. Trại Trống giáp với Đông Triều của tỉnh Quảng Ninh, trên địa bàn còn có Trại giam Hoàng Tiến và Bệnh viện Phong Chí Linh. Điều này khiến nhiều người lầm tưởng Trại Trống là vùng đất xa xôi, cách biệt với nhiều khó khăn.

trai-trong-chi-linh.jpg
Phát huy tinh thần đoàn kết, con em quê hương đã đóng góp để chỉnh trang khu vực sân vận động của khu dân cư Trại Trống, giúp nâng cao đời sống tinh thần của người dân

Theo lời giới thiệu của lãnh đạo phường, chúng tôi tìm gặp anh Đặng Ngọc Quỳnh, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu dân cư Trại Trống. Tiếp chúng tôi là người đàn ông có dáng người nhỏ bé, nước da nâu cùng nụ cười duyên dáng. Anh là Bí thư Chi bộ, Trưởng khu trẻ nhất phường Hoàng Tiến. Khi hỏi về dân ngụ cư, anh Quỳnh cười và nói bản thân cũng là dân ngụ cư từ Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang) chuyển đến và là thế hệ thứ 3 sinh sống ở Trại Trống. “Chính sức trẻ cùng với sự cố gắng lao động ngày đêm của cha ông đã biến một vùng đất hoang hóa trở thành vùng đất màu mỡ như ngày hôm nay”, anh Quỳnh khẳng định.

TD Quynh

Theo lời ông bà kể lại, trước Cách mạng Tháng Tám, nơi đây chỉ là một trại nhỏ của làng Hoàng Gián và là vùng đất hoang hóa. Chỉ có 4 gia đình người dân tộc lập trại sinh sống. Đến năm 1955, có thêm 5 hộ từ xã Hoàng Hoa Thám đến khai hoang, lập nghiệp. Những năm tiếp theo, có một số hộ dân ở Ninh Giang, Gia Lộc, Hà Bắc (nay là Bắc Giang)… đến đây, nhưng nhiều nhất là ở huyện Ninh Giang. Khi ấy, những người đi khai hoang phục hóa ở Trại Trống đều còn trẻ, độ tuổi ngoài 30. Họ cùng gia đình rời bỏ quê hương để “gieo” hy vọng ở vùng đất mới.

Để biết thêm về những ngày đầu gian khó, chúng tôi tìm gặp cụ Phạm Thị Kim Quý (87 tuổi), một trong những hộ đầu tiên đến khai hoang và cũng là đảng viên cao tuổi nhất ở đây với 65 năm tuổi Đảng. Cụ kể, năm 1957, nghe theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, gia đình cụ chuyển từ xã Hoàng Hoa Thám qua Trại Trống sinh sống. Tại đây, cụ vừa nhận nhiệm vụ khai hoang “vỡ đất”, vừa làm công tác của Hội Phụ nữ. Dù đã cao tuổi nhưng những ký ức từ gần 70 năm trước cùng gia đình đi lập nghiệp vẫn còn in đậm trong trí nhớ cụ.

trai-trong(1).jpg
Ngày tháng gian khó khi đi khai hoang, phục hóa là ký ức không thể quên với những người cao tuổi nơi đây

Cụ Quý kể, thời ấy, gia đình cụ cùng 6 gia đình khác từ xã Hoàng Hoa Thám đến khai hoang và dựa vào nhau mà sống. “Lúc ấy, quê hương mới của chúng tôi tuy rộng lớn nhưng gian khó trăm bề. Xung quanh chỉ là vùng đất hoang sơ, trống trải, chỉ có cây sim, cỏ gi anh mọc um tùm. “Vỡ đất” ban ngày chưa đủ, chúng tôi còn tranh thủ cả buổi tối. Có 7 gia đình nhưng chúng tôi vỡ được cả 10 ha đất. Khai hoang đến đâu, chúng tôi gieo cấy đến đấy. Lúa cứ gieo vậy, chả cần phân bón, đất mới nên lúa tốt mà năng suất cũng khá. Chúng tôi rủ nhau gánh lúa xuống tận Quảng Ninh để bán. Dù vẫn còn thiếu thốn nhưng không còn hộ nào bị “đứt bữa””, cụ Quý bồi hồi nhớ lại.

TD Quy

Cũng như cụ Quý, năm 1979, vợ chồng cụ Nguyễn Thị Vì (88 tuổi) cùng mẹ chồng và 6 người con chuyển từ xã Hồng Phúc (Ninh Giang) lên Trại Trống lập nghiệp. Cụ kể, quê cụ là vùng chiêm trũng, cứ đến mùa là ruộng đồng ngập sâu trong nước. Nhà nhiều miệng ăn, đất đai chật hẹp nên cuộc sống khốn khó. Khi ấy, một người họ hàng về thăm đã rủ gia đình cụ chuyển lên Trại Trống lập nghiệp.

“Đúng như cái tên Trại Trống, mọi thứ đều trống không. Khi ấy, xung quanh chỉ có lau sậy mọc um tùm, người dân sinh sống thưa thớt, đất đai hoang hóa. Những ngày đầu ở quê hương mới, gia đình chúng tôi bữa no, bữa đói. Khai hoang phục hóa, tăng gia sản xuất, trồng các loại cây lương thực ngắn ngày để giải quyết những khó khăn trước mắt. Dần dần cuộc sống ngày càng ổn định và phát triển”, cụ Vì kể.

Nhờ bàn tay yêu lao động của những người dân ngụ cư như cụ Quý, cụ Vì và những hộ khác, bức tranh Trại Trống đã có thêm những gam màu mới.

tit2.png
trai trong-dan-ngu-cu
Năm 2024, thu nhập bình quân của người dân trong khu đạt trên 100 triệu đồng/năm

“Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Với niềm tin đó, sau hơn nửa thế kỷ, những người dân ngụ cư Trại Trống đã biến vùng đất hoang hóa ngày nào thành vùng quê trù phú. Những bãi lau sậy đã nhường chỗ cho cánh đồng màu mỡ trồng đào, trồng hoa hay những vườn na xanh mướt. Những ngôi nhà mái Thái khang trang, hiện đại được xây nối tiếp nhau, đường bê tông to đẹp, thẳng tắp… Diện mạo mới là minh chứng rõ ràng cho sự chuyển mình của vùng đất khó.

Gần 30 năm an cư, lập nghiệp ở Trại Trống, từ hộ kinh tế khó khăn, gia đình anh Vũ Đức Hồi đã vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá. Với khoảng 1 ha đất đồi, anh lựa chọn giống na của Đông Triều để trồng. Do hợp khí hậu, hợp địa hình nên na của gia đình anh phát triển nhanh chóng. Chỉ sau khoảng 3 năm, na bắt đầu cho thu hoạch. Với 1 ha, anh Hồi thu khoảng 5 tấn na chính vụ và 3 tấn na đông, mỗi năm thu lãi hơn 100 triệu đồng.

“Khi mới đến, cuộc sống có nhiều khó khăn nhưng với tinh thần vượt khó, chúng tôi đã biến những đồi núi hoang hóa thành đồi trồng na rộng lớn. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi. Nhờ vườn na này, chúng tôi có điều kiện nuôi các con ăn học. Không chỉ riêng nhà tôi, hàng trăm hộ dân ở đây cũng đã nỗ lực xây dựng kinh tế, góp phần vào sự phát triển chung của khu dân cư. Sự đói nghèo, khó khăn năm nào đã nhường chỗ cho no ấm và phát triển”, anh Hồi nói.

TD Hoi

Ngoài 5 ha trồng na, Trại Trống còn là vùng trồng đào có tiếng của TP Chí Linh. Khu dân cư hiện có khoảng 20 hộ trồng 5 ha đào tập trung. Với bàn tay khéo léo và sự cần cù, sáng tạo của người dân nơi đây, những cây đào có dáng đẹp, nụ hoa to, màu sắc tươi sáng và được người tiêu dùng ưa chuộng. Ngoài tiêu thụ trong tỉnh, những cây đào, cành đào của Trại Trống còn được bày bán tại nhiều hội chợ hoa xuân của tỉnh Quảng Ninh.

trai trong-dan-ngu-cu-hoang-tien
Ngoài trồng na, các diện tích trồng đào của Trại Trống phát triển mạnh mẽ, được thị trường ưa chuộng bởi màu sắc và kiểu dáng đẹp

Cùng với phát triển kinh tế nông nghiệp, Trại Trống còn có 35 gia đình có thành viên đi xuất khẩu lao động tại các nước. Hằng năm, lượng kiều hối gửi về cho người thân vừa để phát triển kinh tế gia đình vừa đóng góp cho các chương trình phúc lợi của địa phương. Con em quê hương dù làm việc, sinh sống ở xa nhưng nếu có việc cần sự chung tay giúp đỡ, họ đều sẵn lòng.

Mới đây, để chỉnh trang khu vực sân vận động, khu đã kêu gọi sự ủng hộ của người dân. Chỉ sau khoảng 1 tuần phát động, đã quyên góp được 265 triệu đồng, trong đó Công ty CP Gốm Mỹ ủng hộ 100 triệu đồng, còn lại do con em quê hương đóng góp.

Ông Nguyễn Tiến Lăng, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Tiến cho biết: “Điều quý nhất của người dân Trại Trống chính là tinh thần đoàn kết. Dù không chung quê hương, nhưng cùng lên đây lập nghiệp từ những ngày còn khó khăn nên người dân càng đoàn kết, gắn bó, giúp nhau phát triển kinh tế”.

TD Lang

Từ chục hộ dân ban đầu, đến nay khu dân cư đã có 178 hộ với 540 nhân khẩu sinh sống trên diện tích hơn 50 ha. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người ở đây đạt hơn 100 triệu đồng/người, tương đương với thu nhập của người dân các khu dân cư khác trên địa bàn. Hiện tỷ lệ hộ khá, giàu của khu dân cư chiếm hơn 78,6%, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo hơn 2%. Sang năm 2025, Trại Trống phấn đấu không còn hộ nghèo, chỉ còn 2 hộ cận nghèo.

nguoi-dan-hoang-tien-chi-linh-02de654c47555acb7f9b817f97b40a3d.jpg
Trên quê hương Trại Trống mới, đời sống người dân được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần

Những người dân từng đi xây dựng vùng “kinh tế mới” năm ấy giờ đã trở thành những bậc cao niên, người còn, người mất. Tinh thần nỗ lực của họ đã được trao truyền cho thế hệ sau. Con cháu của họ đã tiếp tục cùng nhau cố gắng để xây dựng Trại Trống ngày càng phát triển hơn.

Nội dung: TRẦN HIỀN

Trình bày, ảnh: TUẤN ANH

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vùng đất của dân ngụ cư