Giáo dục và đào tạo

Đường trở thành thủ khoa của nam sinh Trường Quốc tế

HQ (theo VnExpress) 23/08/2024 07:03

Hoàng Thắng, 22 tuổi, từng chỉ nghe hiểu khoảng một nửa bài giảng trên lớp, "vật lộn" viết từng dòng code trước khi tốt nghiệp xuất sắc với điểm trung bình 3,91/4.

Trần Lê Hoàng Thắng, sinh viên ngành phân tích dữ liệu kinh doanh, là thủ khoa toàn khóa 2020-2024 của Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-IS). Trong lễ tốt nghiệp, diễn ra ở Trung tâm Hội nghị quốc gia ngày 11/8, Thắng đại diện gần 400 cử nhân phát biểu bằng tiếng Anh.

"Mình biết nhiều bạn rất giỏi và nỗ lực nên chưa bao giờ nghĩ danh hiệu thủ khoa thuộc về mình. Thật sự là thành công hơn mong đợi", Thắng bày tỏ.

Hoàng Thắng phát biểu trong lễ tốt nghiệp của trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hoàng Thắng phát biểu trong lễ tốt nghiệp của Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội

Thắng cho biết mình có kỹ năng tiếng Anh tốt vì được bố mẹ đầu tư cho học từ nhỏ. Năm 2017, nam sinh thi đỗ lớp 10 chuyên Anh, Trường THPT chuyên Ngoại ngữ. Những năm học ở đây, Thắng tham gia nhiều cuộc thi hùng biện tiếng Anh, bàn luận các vấn đề môi trường và giáo dục... Nam sinh ban đầu dự kiến theo đuổi ngành quan hệ quốc tế ở đại học.

Tuy nhiên, Thắng được bố khuyên học ngành nào vừa tận dụng được tiếng Anh, vừa đón đầu xu thế phát triển của thế giới.

Thắng nhớ đã đọc nhiều bài báo nhắc đến dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, tin đây sẽ là lĩnh vực "hot" trong nhiều năm tới, có tính ứng dụng cao. Vì vậy, dù học không nổi trội các môn tự nhiên, Thắng mạnh dạn chọn theo ngành phân tích dữ liệu kinh doanh - ngành học kết hợp toán ứng dụng, khoa học máy tính và nghiệp vụ kinh doanh.

"Mình cũng lo lắng, nhưng muốn vượt qua giới hạn của bản thân", Thắng chia sẻ.

Đạt 8.0 IELTS và là học sinh trường chuyên, Thắng được tuyển thẳng vào trường, cũng không phải học dự bị tiếng Anh như phần lớn bạn bè. Nam sinh sau đó còn vượt qua vòng học bổng, được trường miễn toàn bộ học phí.

Thắng nói thời gian đầu phải loay hoay với kiểu học "ít dìu dắt" ở đại học. Ở cấp 3, nam sinh thường chỉ nhớ kiến thức trên lớp và làm đúng dạng bài đã được dạy, ít tự tìm hiểu thêm. Trong khi đó, ở đại học, việc tự học rất quan trọng.

"Mình thấy khó, chỉ hiểu 50% những gì thầy cô giảng, nên phải rèn cách tự học để bắt kịp kiến thức, thậm chí vượt qua giáo trình", Thắng kể.

Phương pháp học của Thắng gồm bốn bước: xác định mục tiêu kiến thức; vạch ra từng đầu việc cụ thể; đọc các bài báo khoa học liên quan; tự phản biện để lường trước và chuẩn bị trả lời câu hỏi của giảng viên.

Từng dạy lớp của Thắng hai môn, TS Bùi Mỹ Trinh nhận xét học trò nổi bật với giọng nói hay, kỹ năng thuyết trình tốt, tìm ra điểm nhấn để từ đó phân tích sâu và logic. Thắng cũng cho thấy điều đó ở phần hỏi-đáp.

"Nghe là biết bạn nắm vững kiến thức và xử lý vấn đề thông minh thế nào. Nhiều diễn giả đến chia sẻ với lớp cũng nhận xét như vậy về Thắng", cô Trinh nói.

Hoàng Thắng tham gia chương trình Mùa Đông Ấm 2023 tại tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hoàng Thắng tham gia chương trình Mùa đông ấm 2023 tại tỉnh Cao Bằng

Với Thắng, khó nhất là các bài tập thực tế, như ở môn dự án. CiaoLINK, công ty chuyên về giải pháp công nghệ tài chính, đặt hàng một công cụ đo lường mức độ nổi tiếng của các KOL, influencer (người có ảnh hưởng) trong thời gian thực để dùng trong chiến lược marketing sản phẩm.

"Nghe xong mình bị choáng, cảm thấy vượt quá trình độ của sinh viên năm thứ ba. Thời gian làm bài tập môn đó bằng bốn môn khác cộng lại", Thắng nhớ lại.

Đảm nhận phần lập trình, nam sinh thường ngồi ở Thư viện Quốc gia từ 8 giờ sáng đến 6 giờ tối, nhiều lúc vò đầu bứt tai sửa lỗi trong câu lệnh. Mỗi lần như vậy, Thắng xuống sân đi bộ vài vòng cho thư giãn, rồi quay lại làm tiếp. Thắng nhìn nhận việc nghỉ quan trọng ngang việc học, giúp tái tạo năng lượng để giải quyết vấn đề sáng tạo, năng suất hơn.

Cuối cùng, Thắng làm ra một bảng xếp hạng có thể thay đổi các trọng số như lượt theo dõi, lượt xem, lượt đăng ký kênh... theo nhu cầu để tìm ra nhân vật phù hợp nhất cho chiến dịch quảng bá sản phẩm. Bài của nhóm đạt A+, được khen về quy trình làm việc, kỹ năng quản lý thời gian và thu thập, xử lý dữ liệu.

Với thành tích học tập tốt, Thắng nhiều lần nhận học bổng, đại diện trường tham gia các hoạt động giao lưu, trao đổi. Cuối năm ngoái, nam sinh là đại biểu ở chương trình Gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị và thế hệ trẻ Việt Nam - Trung Quốc.

Thắng cũng năng nổ hoạt động ngoại khóa, đặc biệt ở các cuộc thi tranh biện, khởi nghiệp. Trong bốn năm, nam sinh đạt giải ở bảy cuộc thi, trong đó có giải ba ở SV-Startup, ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, tháng 3/2023.

Thủ khoa Trường Quốc tế nói bí quyết để học nhiều, hoạt động nhiều là tập trung vào thứ mình ưu tiên, tùy thời điểm. Thắng ví dụ, hai tuần trước khi thi cuối kỳ sẽ dồn lực ôn bài và giảm thời gian hoạt động ngoại khóa.

"Mình phải biết cách phân bổ thời gian và tập trung cao độ cho mục tiêu gần nhất, như vậy mới không việc nào bị dở dang", Thắng giải thích. Đây là điều Thắng học được từ cậu bạn thân người Thụy Sĩ, một sinh viên quốc tế ở trường.

"Nhưng mình vẫn chưa sắp xếp thời gian chuẩn từng ly như bạn", nam sinh nhìn nhận.

Nhìn lại bốn năm đại học, Hoàng Thắng nghĩ mình thành công hơn mong đợi. Sau khi tốt nghiệp, Thắng đang tìm hiểu và chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển vào các cơ quan nhà nước.

HQ (theo VnExpress)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đường trở thành thủ khoa của nam sinh Trường Quốc tế