Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần thực chất, tránh việc "hình thức, làm cho có".
Chiều 13.12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến, quyết định việc lấy ý kiến của nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Nêu ý kiến góp ý, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng việc xây dựng quyết sách về pháp luật phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng đối tượng lấy ý kiến là người dân và doanh nghiệp cần được cụ thể hóa. Chủ tịch Quốc hội nói dù hiện chưa tổ chức lấy ý kiến nhân dân nhưng vẫn nhận được văn bản góp ý hoặc nhiều ý kiến hay gửi trực tiếp Chủ tịch Quốc hội.
"Người ta đề xuất từng vấn đề một như thế mới đáng quý. Còn nhiều hội thảo, tọa đàm hoành tráng nhưng chủ yếu bình luận và đánh giá, chưa đưa ra giải pháp. Nên cần trao đổi thêm về việc này, từ đó xác định đối tượng cụ thể", Chủ tịch Quốc hội nói.
Cạnh đó, theo Chủ tịch Quốc hội, cần xem xét thêm cách thức lấy ý kiến thế nào bởi trong tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra cũng nêu cần thực chất, hiệu quả.
"Việc đăng tải trên cổng thông tin điện tử thì đôi khi đọc qua thấy êm, không vấn đề gì, nhưng khi ban hành và tổ chức thực hiện mới hóa ra thế này, thế kia.
Báo cáo thẩm tra nêu rất đúng, đưa ra mấy nội dung như vậy mà mình toàn chuyên gia còn chả hiểu thì làm sao dân hiểu được mà góp ý", Chủ tịch Quốc hội nêu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng nên chăng 63 tỉnh, thành có hình thức như "báo cáo viên" nêu vấn đề hiện đang có vướng mắc thế này, đã bàn sửa thế nào, sửa như thế tác động ra sao.
Cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ băn khoăn về chủ thể lấy ý kiến và việc sử dụng kết quả.
"Trong này chủ thể lấy ý kiến là Chính phủ nhưng Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội thì thế nào?
Trong kế hoạch Thường vụ Quốc hội lấy kết quả sử dụng, rất thụ động có được không? Mình chỉ ban hành nghị quyết rồi ngồi chờ Chính phủ gửi về? Mà Chính phủ ở đây cũng chỉ ngồi chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tôi thấy các bước này trình tự, thủ tục có vẻ rất chặt chẽ nhưng khó hiệu quả", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu thêm và nhấn mạnh việc lấy ý kiến cần thực chất, "tránh hình thức, làm cho có".
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ Lê Quang Huy cho rằng sau khi xin ý kiến, việc tổng hợp, sử dụng thế nào cần phải rất chú ý.
Theo ông Huy, phải có rất nhiều kênh để bảo đảm việc lấy ý kiến trung thực, khách quan. Tránh việc chỉ tổng hợp những gì thuận lợi, dẫn đến lệch lạc.
Cạnh đó, theo ông Huy, cần có cơ chế phản hồi. Bởi trong quá trình xin ý kiến các chuyên gia rất không bằng lòng vì không có cơ chế phản hồi, không minh bạch.
"Tôi góp ý cho anh bao nhiêu nhưng sau đó anh không có phản hồi gì, cái này tiếp thu hay không tiếp thu, không tiếp thu thì lý do vì sao. Tất nhiên mình không thể trả lời cả, nhưng phải có cơ chế nào đó để yêu cầu phản hồi.
Đây là việc mình tôn trọng, khuyến khích và không phải riêng luật này, mà các luật khác về sau. Luật sau lấy ý kiến, cử tri, nhân dân bảo lần trước góp ý chả có phản hồi gì nên lần này không góp ý nữa", ông Huy góp ý.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị việc tổng hợp ý kiến phải cùng lúc qua 3 kênh. Ngoài Chính phủ và chính quyền địa phương, theo ông Vinh có 2 kênh khác là đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và MTTQ các cấp.
Về thời gian tổ chức lấy ý kiến, Chính phủ dự kiến lấy ý kiến từ 3.1 đến 28.2.2023. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế khi thẩm tra tờ trình đề nghị kéo dài thời gian lấy ý kiến đến hết 15.3.2023 vì thời gian này trùng với dịp Tết Nguyên đán, việc lấy ý kiến sẽ gặp khó khăn.
Nhiều ý kiến Thường vụ Quốc hội đồng tình với việc kéo dài thời gian lấy ý kiến.
Trong phần kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho hay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất kéo dài thời gian lấy ý kiến đến ngày 15.3.2023.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo nghị quyết.
Trong đó, lưu ý bổ sung yêu cầu đổi mới, tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, trung thực, đầy đủ, khách quan, công khai, minh bạch, tránh triển khai một cách hình thức; phát huy vai trò các cơ quan của Quốc hội trong tham gia tổng hợp ý kiến xây dựng luật…
Theo Tuổi trẻ