Vào dịp cuối năm từ những cửa hàng nhỏ lẻ cho tới các chuỗi cửa hàng lớn cũng đua nhau khuyến mại bằng nhiều hình thức.
Theo thông lệ chung trên thế giới, cuối năm là dịp các hãng sản xuất, nhà phân phối bán lẻ tung ra nhiều chương trình khuyến mại kích cầu người tiêu dùng vì đây là dịp có nhiều ngày lễ lớn cần chi tiêu. Hòa chung xu hướng đó, ở nước ta những năm gần đây, vào dịp cuối năm từ những cửa hàng nhỏ lẻ cho tới các chuỗi cửa hàng lớn cũng đua nhau khuyến mại bằng nhiều hình thức. Sau 2 năm khá trầm lắng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngày 15.11 vừa qua, Bộ Công thương tổ chức lễ phát động Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2022 - Vietnam Grand Sale 2022 (diễn ra từ ngày 15.11 – 22.12) trên phạm vi toàn quốc. Chương trình này được kỳ vọng sẽ đạt tổng mức bán lẻ gấp đôi năm 2021, góp phần duy trì sự tăng trưởng ở mức cao của nền kinh tế.
Tuy nhiên, sau nhiều dịp khuyến mại “có cũng như không”, thậm chí mua hàng khuyến mại còn bị "hớ" so với mua hàng nguyên giá thông thường, tâm lý của nhiều người tiêu dùng không còn hào hứng với các chương trình này. Những chiêu trò thường được người bán sử dụng là nâng giá sản phẩm trước khi khuyến mại rồi hạ xuống, thực chất giá khuyến mại chính là giá bình thường của sản phẩm. Có những cửa hàng hạ giá một số ít sản phẩm chất lượng kém, còn ít cỡ để lôi kéo khách vào cửa hàng, khi khách hỏi đồ khuyến mại thì được thông báo là đã hết. Nhiều nơi bán không cho đổi trả, không bảo hành hàng khuyến mại. Gần đây còn xuất hiện nhiều chiêu trò lừa đảo núp bóng bán hàng khuyến mại như “mua hàng hoàn tiền”, giả thông báo khách hàng trúng thưởng và phải nộp tiền để được nhận giải thưởng…
Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2022 có điểm đặc biệt là tất cả các thương nhân thuộc mọi lĩnh vực, ngành nghề kinh tế của Việt Nam đều được tham gia, không cần thông qua bất kỳ khâu lựa chọn, xét chọn nào của các cơ quan nhà nước. Hoạt động khuyến mại được thực hiện với mức tối đa, không còn bị giới hạn 50% mà có thể lên đến 100%. Những điểm đặc biệt này khiến Tháng khuyến mại trở nên hấp dẫn hơn nhưng đồng thời cũng có thể thành cơ hội cho những thủ đoạn kể trên dễ bề hoạt động hơn.
Để Tháng khuyến mại thực sự có ý nghĩa ưu đãi cho người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp, cửa hàng tổ chức các chương trình khuyến mại. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc các doanh nghiệp, cửa hàng đã đăng ký chương trình khuyến mại hay chưa, có thực hiện đúng nội dung đã đăng ký hay không; hàng hóa tham gia chương trình khuyến mại có nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng như thế nào; có hay không việc giảm giá ảo bằng cách nâng giá lên rồi hạ giá xuống… Đồng thời, cần có các kênh tiếp nhận phản ánh của người dân về các chương trình khuyến mại vi phạm quy định một cách dễ dàng như thông qua điện thoại, email, mạng xã hội… Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về khuyến mại, lợi dụng chương trình khuyến mại để lừa đảo người tiêu dùng.
Bản thân người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức để tự bảo vệ mình khi tham gia các chương trình khuyến mại như tìm hiểu thông tin, so sánh về giá cả, chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm mình muốn mua. Cập nhật thông tin về các thủ đoạn lừa đảo núp bóng chiêu trò khuyến mại để không bị mắc bẫy kẻ xấu. Thông báo cho cơ quan chức năng khi thấy có dấu hiệu vi phạm, lừa đảo trong hoạt động khuyến mại.
Chúng ta không nên “hoa mắt” trước những tấm biển giảm giá mà mua hàng không suy nghĩ, nhưng cũng không nên quá cảnh giác mà bỏ qua dịp khuyến mại hấp dẫn này.
THÁI HÒA