Sáp nhập là việc cần cân nhắc kỹ lưỡng, lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, đặc biệt ý kiến của người dân để có quyết định phù hợp, không nên sáp nhập một cách cơ học, máy móc.
Trước thông tin tới đây tỉnh ta sẽ sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo tinh thần Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết 32 của Chính phủ, nhiều người đặt câu hỏi: Đang yên lành lại sắp xếp, sáp nhập làm gì? Sắp xếp rồi bố trí cán bộ ra sao? Làm sao tránh được tình trạng cục bộ địa phương khi Đại hội Đảng các cấp đang tới gần?... Ở một số nơi, cán bộ bắt đầu có biểu hiện không yên tâm với công việc vì nỗi lo sáp nhập xã.
Bất cứ sự xáo trộn nào liên quan đến con người đều vấp phải những khó khăn ban đầu như vậy. Nhưng sắp xếp, sáp nhập để tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả là xu thế tất yếu hiện nay.
Tôi còn nhớ có lần làm việc tại xã chỉ hơn 3.000 dân ở huyện Thanh Hà, đồng chí Chủ tịch UBND xã nói xã nhỏ nên nhiều việc khó làm, nhất là những việc liên quan đến huy động sức dân. Quả thực dân số của xã đó chưa bằng 1 thôn của nhiều xã khác. Xã bé vậy nhưng vẫn phải có đầy đủ hệ thống chính trị như các xã bình thường khác. Cũng có bộ máy tổ chức của cấp ủy, chính quyền; đầy đủ 3 trường học từ mầm non đến THCS, mỗi trường một ban giám hiệu với đội ngũ giáo viên bảo đảm hoạt động bình thường trong khi tuyển sinh đầu cấp có khi chỉ 1 - 2 lớp mỗi năm. Trong khi đó với 1 thôn có từ 6.000 - 8.000 dân, chỉ cần 4 - 5 người hoạt động không chuyên trách cho 7 chức danh vẫn hoạt động trơn tru như thường.
Theo tài liệu của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, tại thời điểm giữa tháng 4.2019, toàn tỉnh có 26 xã, thị trấn chưa đạt 50% cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Trong đó nhiều xã dân số chưa đến 3.000 người như: Cẩm Sơn, thị trấn Cẩm Giàng (Cẩm Giàng), Hưng Thịnh (Bình Giang), Ninh Hòa (Ninh Giang)... Nói vậy để thấy chỉ riêng về bộ máy thôi, nếu sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, sẽ bớt cồng kềnh rất nhiều. Đó là chưa kể sẽ khắc phục được hạn chế, khó khăn trong huy động sức dân, nguồn lực từ dân để làm việc lớn. Lấy một ví dụ rất đơn giản, nếu muốn huy động 1 tỷ đồng từ nhân dân để xây trường thì mức đóng góp của mỗi người dân ở một xã trên dưới 3.000 người và xã hơn 10.000 người hoàn toàn khác nhau.
Tất nhiên, những người muốn giữ nguyên quy mô xã nhỏ cũng sẽ đưa ra lý lẽ để bảo vệ quan điểm của mình. Vấn đề là cần nhìn nhận giữa giữ nguyên và sáp nhập cái nào lợi hơn, đặc biệt là các lợi ích lâu dài. Trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đều đưa ra yêu cầu cụ thể, lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập, những yếu tố đặc thù cần quan tâm... Cần vận dụng thật linh hoạt với thực tế của từng địa phương khi xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Vừa qua, dù phương án sắp xếp, sáp nhập mới được dự thảo, vẫn chưa được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua, song tại một số địa phương đã có dư luận bức xúc vì phương án đề xuất chưa hợp lý. Sáp nhập 2 hay 3 xã làm 1, nhập xã nào với xã nào là việc cần cân nhắc kỹ lưỡng, lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, đặc biệt ý kiến của người dân để có quyết định phù hợp, không nên sáp nhập một cách cơ học, máy móc. Cùng với đó, cần lường trước các vấn đề phát sinh sau sắp xếp, sáp nhập để xây dựng phương án giải quyết từng vấn đề cụ thể. Sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã cần quyết tâm lớn, song cũng cần thận trọng.
HOÀI ANH