Cần khẳng định mạnh mẽ rằng vaccine là phát minh vĩ đại của y học, đã cứu sống hàng triệu sinh mạng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa công bố thông tin rằng cuộc chiến ngăn chặn sự lây lan của bệnh sởi đang bị thụt lùi trong bối cảnh số ca mắc phải căn bệnh này đang tăng vọt trong những năm gần đây trên phạm vi toàn cầu.
Tại Việt Nam, cứ tới mùa đông xuân, nhất là 2-3 năm gần đây, dịch sởi lại bùng phát với hàng nghìn ca mắc và không hiếm trường hợp tử vong. Hải Dương cũng không nằm ngoài diện phủ sóng của bệnh dịch này. Mùa xuân này, đặc biệt từ Tết Kỷ Hợi đến nay cơ quan y tế đã ghi nhận hơn 10 ca mắc và nghi mắc, thậm chí có gia đình 3 người cùng mắc sởi. Thống kê của cơ quan y tế xác định hầu hết các ca bệnh đều không được tiêm vaccine phòng bệnh sởi.
Bà Katherine O'Brien, Giám đốc phụ trách về miễn dịch, tiêm chủng và sinh học của WHO, cảnh báo: "Chúng ta đang thụt lùi trên sự tiến bộ mà con người tạo ra. Chúng ta thụt lùi không phải vì không có công cụ phòng tránh mà là do thất bại trong chiến dịch vận động tiêm chủng".
Tiến bộ mà bà Katherine O'Brien đề cập ở đây chính là việc tiêm hai liều vaccine phòng bệnh sởi vốn đã được sử dụng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Cũng theo WHO, từ năm 2017 đến nay, số ca mắc bệnh sởi có xu hướng tăng vọt. Điều đáng buồn là xu hướng có nhiều người mắc sởi chủ yếu do quan điểm sai lệch về tiêm vaccine và thái độ chủ quan về hệ miễn dịch của mình. Phong trào "nói không với vaccine" từng lan tràn trên mạng xã hội đã trở thành rào cản khiến nhiều người không cho con em mình tiêm vaccine.
Tại Việt Nam nói chung, Hải Dương nói riêng, số ít những ca tử vong sau tiêm vaccine 5 trong 1 Quinvaxem trước đây đã khiến nhiều người đánh đồng, đề phòng với nhiều loại vaccine để rồi con em của họ bị bỏ lỡ nhiều mũi tiêm quan trọng, trong đó có bệnh sởi.
Cùng đạt được những thành công trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, Hải Dương có tỷ lệ tiêm chủng đạt cao, thanh toán, loại trừ được nhiều bệnh dịch nguy hiểm. Để có được thành công ấy đòi hỏi cả một quá trình bền bỉ, tốn nhiều thời gian, công sức. Đó là thành công đến từ chiến dịch vận động tiêm chủng, từ nhận thức của mỗi người dân về những tiến bộ trong phòng chống dịch bệnh được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, những thành tựu này đang có nguy cơ bị phá vỡ bởi nhận thức của nhiều người bị lung lay, bởi sự hoài nghi về những tiến bộ của vaccine.
Để lấy lại lòng tin của người dân đối với từng mũi vaccine, cần tái khởi động chiến dịch vận động tiêm chủng. Cần khẳng định mạnh mẽ rằng vaccine là phát minh vĩ đại của y học, đã cứu sống hàng triệu sinh mạng. Trong suốt hai thế kỷ qua, vaccine đã đẩy lùi dịch thủy đậu, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em và ngăn chặn một số lượng không thể đo đếm những khuyết tật ở trẻ sơ sinh có thể xảy ra như bại liệt do sốt. Thực tế đã cho thấy nếu như có đủ số người được tiêm phòng trước một loại bệnh tật nhất định (khoảng 83-85% cộng đồng), bệnh đó sẽ rất khó để lây truyền và sẽ từ từ bị xóa sạch. Không có cách nào đạt hiệu quả phòng bệnh cao như vaccine.
Bên cạnh đó, những tư vấn đến từ các y, bác sĩ trực tiếp tiêm cho trẻ là liều thuốc tốt nhất giúp các bậc cha mẹ an tâm hơn khi cho trẻ đi tiêm chủng. Cha mẹ luôn có nhu cầu được giải thích tường tận hơn. Ví dụ như vaccine phòng bệnh sởi có khả năng bảo vệ bao nhiêu phần trăm? Vì sao có trẻ tiêm rồi vẫn mắc bệnh? Khi gặp tác dụng phụ cần báo cho ai và đơn vị nào chịu trách nhiệm thu thập, phân tích và báo cáo các dữ liệu đó? Nhiều thông tin ồ ạt về một số trẻ tử vong sau khi tiêm nhưng rồi nguyên nhân, quan hệ nhân quả với vaccine thế nào lại không được giải thích rõ...
Chỉ khi những hoài nghi về vaccine bị gạt bỏ thì người dân mới yên tâm cho trẻ đi tiêm và hiệu quả phòng bệnh trong cộng đồng từ đó mới được nâng lên.
NGÂN HẠNH (TP Hải Dương)