Để sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, cần đẩy mạnh quảng bá và xây dựng không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP chuyên nghiệp.
Các buổi trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP thường chỉ được tổ chức trong khuôn khổ các sự kiện nên chưa thu hút nhiều người dân (ảnh minh họa)
Trong dịp về thăm cơ sở, một chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) từng chia sẻ với tôi: “Sản phẩm OCOP chỉ có chủ thể và người làm quản lý nhà nước quan tâm, còn người tiêu dùng đã mấy ai biết đến”. Câu chuyện này làm tôi suy nghĩ nhiều tới các sản phẩm OCOP của tỉnh.
Sau hơn 3 năm thực hiện, OCOP đã thu hút nhiều chủ thể là doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và cá nhân tham gia. Qua đó, giúp các địa phương phát triển được nhiều sản phẩm hàng hóa đặc trưng, có thế mạnh và nâng cao giá trị kinh tế. Toàn tỉnh hiện có 150 sản phẩm OCOP được đánh giá và phân hạng. Trong đó 79 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 71 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, góp phần khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp đa giá trị, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch.
Tuy nhiên, việc đưa rộng rãi các sản phẩm OCOP ra thị trường, nhất là vào hệ thống kênh bán lẻ, tiêu thụ còn hạn chế. Không ít người tiêu dùng vẫn chưa biết đến sản phẩm OCOP. Sản phẩm được gắn sao cũng như hàng trăm các chứng nhận khác được in trên bao bì sản phẩm mà người tiêu dùng không mấy quan tâm. OCOP là một trong những chương trình mục tiêu quốc gia, chủ thể tham gia được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhưng tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng không có vị trí nào dành riêng cho sản phẩm này. Đây là những lý do vì sao nhiều chủ thể không mấy mặn mà với OCOP.
OCOP và phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 được xác định là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới. Có sản phẩm OCOP được xếp hạng là một trong các chỉ tiêu để các xã hoàn thành nông thôn mới nâng cao. Vì thế OCOP đã trở thành “cuộc chạy đua” của các địa phương. Tuy nhiên, chỉ có chủ thể, chính quyền xã quan tâm thôi thì chưa đủ. Mục tiêu của OCOP là phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị sản phẩm, hướng tới sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng chưa biết, chưa quan tâm nhiều đến sản phẩm OCOP thì đây là “điểm trừ” khi thực hiện chương trình.
Thời gian qua, các địa phương trong cả nước và trong tỉnh đã có nhiều buổi trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, các buổi trưng bày chỉ diễn ra trong khuôn khổ các sự kiện văn hóa, chính trị, xã hội. Một số cửa hàng được hỗ trợ để bày bán sản phẩm OCOP nhưng quy mô nhỏ chưa có sức hút với người dân. Để sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh quảng bá và xây dựng không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP chuyên nghiệp. Tập trung xây dựng các điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn, hình thành các tour, tuyến du lịch nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lồng ghép giới thiệu sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các sự kiện quảng bá du lịch Việt Nam, các chương trình kết nối nông sản và OCOP. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn.
NGUYÊN KHANG