Zalo AI Avatar là một tính năng mới của Zalo giúp người dùng tạo ra những bức chân dung đẹp và độc đáo. Tính năng này đã tạo nên một "cơn sốt" trên mạng xã hội ở Hải Dương.
Trước đây từng xuất hiện nhiều chương trình AI của nước ngoài có chức năng tạo ảnh như Loopsie, Midjourney, Dall-E... Tuy nhiên, để sử dụng những ứng dụng này khá phức tạp, đòi hỏi phải có kỹ năng máy tính nhất định nên không phù hợp với đám đông. Zalo AI Avatar dễ sử dụng, thuận tiện cho người dùng. Tôi chỉ cần tải lên một bức ảnh rõ khuôn mặt, lựa chọn giới tính và độ tuổi, sau đó chọn một trong những phong cách được đề xuất, với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo đã tạo ra hàng loạt bức ảnh chân dung mới một cách tự động. Những bức ảnh này khá tự nhiên, giữ được những nét giống khuôn mặt của người thật và thường đẹp hơn thực tế rất nhiều.
Zalo rất nhanh chân khi giới thiệu tính năng mới này vào đúng ngày 20/10, ngay lập tức đã tạo ra trào lưu thay ảnh đại diện Zalo và khoe ảnh chân dung trên Facebook. Với tâm lý của nhiều người, nhất là thế hệ Gen Z, khi một trào lưu mới xuất hiện thì việc "bắt trend" phải thực hiện ngay. Chưa cần biết nó có thực sự tốt hay không mà chỉ sợ bản thân sẽ chậm hơn bạn bè trong các trào lưu. Nhưng cũng có người sau khi cân nhắc, tìm hiểu về tác dụng 2 mặt của trào lưu này cũng "đu" theo xem mình "biến hình" thế nào và không ngần ngại khoe ảnh của mình lên mạng xã hội để bạn bè bình luận, trầm trồ.
Mặc dù không tạo ra cơn sốt nóng rực ở Việt Nam như ChatGPT hồi đầu năm nay, nhưng Zalo AI Avatar cũng làm thỏa mãn sự tò mò của người dùng và gián tiếp làm mới giao diện các trang mạng xã hội Zalo, Facebook.
Tuy nhiên, việc tạo ảnh chân dung bằng các ứng dụng AI có nguy cơ bị lộ lọt thông tin cá nhân của người dùng, có thể bị kẻ xấu lợi dụng vào mục đích lừa đảo.
Hồi đầu năm nay, không ít người đã thử cài ứng dụng tạo ảnh Loopsie AI trên điện thoại thông minh, nhưng sau đó thấy nhiều chuyên gia công nghệ cảnh báo về nguy cơ ảnh cá nhân bị sử dụng để huấn luyện AI nên đã gỡ bỏ ứng dụng.
Dù thao tác của người dùng đơn giản là nạp ảnh gốc và nhận về ảnh mới, hành động này vẫn tiềm ẩn các rủi ro do bản chất là ảnh đã được tải lên và sau đó vẫn lưu trữ tại hệ thống máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ. Hơn nữa, ảnh chụp bằng điện thoại thường đi kèm với thông tin về thời gian, loại điện thoại và vị trí chụp. Nhiều ứng dụng yêu cầu quyền truy cập đến kho ảnh, camera điện thoại cũng gây lo ngại về việc thu thập dữ liệu cá nhân mà người dùng cung cấp. Dữ liệu ảnh chân dung rơi vào tay kẻ xấu có thể được sử dụng để tạo ra các hình ảnh hoặc video giả mạo, thậm chí để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo.
Những năm gần đây, mạng xã hội thúc đẩy tính tương tác với người dùng, cộng hưởng với sự nhanh nhạy của thế hệ Gen Z khiến các trào lưu được đẩy lên cao. Ngoài những trào lưu vô thưởng vô phạt mau chóng bị "nguội", cũng có nhiều trend tích cực, hữu ích, vui vẻ mang tính giải trí cao đã kích thích sự tò mò, khám phá của nhiều người dùng.
Do đó, việc cân nhắc kỹ trước khi "đu" trend, cài đặt các ứng dụng AI là rất cần thiết. Người dùng nên lựa chọn các ứng dụng uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, do các công ty trong nước phát triển, tuân thủ các quy định tại Việt Nam. Đặc biệt, không tùy tiện cung cấp những hình ảnh nhạy cảm, riêng tư lên các ứng dụng AI.
Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng ở Việt Nam tiếp tục rà soát, ban hành các quy định chặt chẽ về việc thu thập thông tin, hành vi và sở thích của người dùng của các nhà phát triển ứng dụng AI, mạng xã hội. Các nhà phát triển cần cam kết bảo đảm an toàn thông tin, tuyệt đối không chia sẻ thông tin người dùng cho bên thứ ba.
NHẤT NGUYÊN