Học sinh giỏi vượt trội ở bậc THPT có thể được học, công nhận tín chỉ một số môn cơ bản ở đại học, rút ngắn thời gian lấy bằng cử nhân.
Thông tin được PGS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, đưa ra tại hội nghị thường niên của đại học này, sáng 22/12.
Theo ông Quân, một trong những mục tiêu, điểm mới của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh trong năm 2024 là triển khai thí điểm một số môn học chung và công nhận tín chỉ cho học sinh THPT giỏi vượt trội theo phương thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp.
Ông cho biếtnhiều đại học lớn trên thế giới đã triển khai mô hình này. Chẳng hạn, tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, các tài năng đặc biệt có thể theo học từ 13, 14 tuổi, đến 16-18 tuổi tốt nghiệp đại học, 20 tuổi tốt nghiệp tiến sĩ.
"Nhiệm vụ của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh là đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Nếu chúng ta cứ đi theo mô hình tuyến tính thì không có đột phá", ông Quân nói.
Theo PGS Vũ Hải Quân, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đang xây dựng quy chuẩn, điều kiện cụ thể cho kế hoạch này. Chương trình hướng đến học sinh tài năng ở tất cả trường phổ thông, không chỉ trong trường chuyên. Dự kiến, học sinh học qua hệ thống bài giảng trực tuyến MOOC của các trường thành viên, sau đó dự thi trực tiếp để được công nhận tín chỉ.
"Nếu đề án được triển khai, những học sinh tài năng có thể rút ngắn quá trình học đại học, tối đa được một năm. Quan trọng, đây là cơ hội để học sinh được làm quen môi trường đại học, sớm có định hướng nghề nghiệp", ông Quân nhận định.
Đây không phải là lần đầu Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đưa ra đề xuất này. Cách đây hơn 10 năm, đại học này đã có đề án cho học sinh THPT học và thi tín chỉ một số môn học ở chương trình đại học. Đề án tham khảo từ chương trình AP (Advanced Placement - chương trình xếp lớp nâng cao, hay còn gọi là dự bị đại học của Mỹ), giúp học sinh chọn học trước một số môn đại cương ở đại học (38 môn học) ngay từ phổ thông.
Thời điểm đó, đề án dự kiến thí điểm với học sinh giỏi của trường Phổ thông năng khiếu thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, các trường thành viên chưa thống nhất vì liên quan đến học phí, cách cấp tín chỉ, hình thức học của học sinh.
Năm 2021, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép học sinh các trường chuyên được thi và công nhận hoàn thành một số tín chỉ ở các môn cơ bản đang được giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng.
Đến nay, các đề án, kiến nghị này vẫn chưa được triển khai.
Theo VnExpress