Góc nhìn

Đồng hành với con vượt qua áp lực kỳ thi

DƯƠNG LAN 27/06/2024 04:30

Sự đồng hành, thấu hiểu của cha mẹ là sự động viên kịp thời và hiệu quả để các con bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Mọi sự chuẩn bị thì cũng đã chuẩn bị rồi.

z5575662485103_1a335b9c0a39200db15067218ab313fd.jpg
Phụ huynh động viên con sau khi hoàn thành một môn thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 diễn ra từ ngày 26-28/6. Hôm nay, cùng với cả nước, học sinh Hải Dương sẽ thi hai môn đầu tiên là toán và ngữ văn.

Là một trong số hơn 23.500 thí sinh của Hải Dương bước vào kỳ thi này, cháu tôi cũng rất lo lắng. Cháu bảo đi đâu cũng thấy bàn chuyện thi cử. Mới hôm trước cả nhà nháo nhác vì điểm thi vào lớp 10 của em gái thì mấy ngày nay bố mẹ thường xuyên bàn chuyện thi tốt nghiệp THPT, rồi phương án con được điểm cao hoặc điểm thấp thì sẽ vào trường đại học nào.

Những câu chuyện và cả sự kỳ vọng của bố mẹ vô tình đã khiến cháu bị áp lực.

Áp lực từ việc học hành căng thẳng, điểm số, thi cử hay việc lựa chọn ngành nghề và sự so sánh của các bậc cha mẹ với “con nhà người ta” là vấn đề khiến các cô cậu học trò cuối cấp cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng.

Mấy năm trước, một nhóm học sinh lớp 12 của Trường THPT Bình Giang (Hải Dương) đã thực hiện một bộ ảnh giãi bày áp lực thi cử cuối cấp của học trò. Ngay khi được đăng lên mạng xã hội, bộ ảnh đã nhận được sự quan tâm của nhiều người. Bộ ảnh đã nói hộ những tâm tư, nguyện vọng của không ít học sinh lớp 12 trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong bộ ảnh các em bày tỏ thông điệp không muốn áp lực thi cử trở thành "khối u" tâm lý và mong được người lớn động viên, nhìn vào sự cố gắng của bản thân thay vì so sánh và tạo áp lực.

Hậu quả của áp lực học hành, thi cử đã thấy rõ. Tháng 1/2024, một nam sinh lớp 10 Trường THPT Lý Thường Kiệt, huyện Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh) nhảy từ tầng 3 của trường rồi sau đó tử vong vì áp lực học hành. Năm 2023, Khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương) nghiên cứu về các chứng rối loạn tâm lý ở học sinh tại một số trường THPT ở Hà Nội trước các kỳ thi tốt nghiệp THPT cho thấy 38% số em có các biểu hiện lo âu, trầm cảm.

Việc quan tâm thái quá của cha mẹ là một trong những nguyên nhân trở thành áp lực cho con trẻ. Cha mẹ hãy lắng nghe con, gần gũi các con nhiều hơn. Khi cha mẹ hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, sở trường, sở đoản của con sẽ định hướng phù hợp, tạo động lực cho các con phấn đấu, đừng để các em sống cuộc đời của cha mẹ.

Các em đang bước vào một kỳ thi quan trọng, cha mẹ, người thân, thầy cô nên tạo động lực chứ đừng gây áp lực. Nếu kết quả thi không được như kỳ vọng, không đủ điểm để vào trường đại học như mơ ước, các em cũng không nên buồn bã và chán nản bởi phía trước còn nhiều lựa chọn. Đại học cũng chỉ là một cánh cửa trên chặng đường dài các em bước vào tương lai.

Hơn bất kỳ điều gì, tình cảm gia đình, nhất là sự thấu hiểu, đồng hành của cha mẹ sẽ là món quà vô giá cung cấp thêm sức mạnh cho con, giúp các con tự tin và bình tĩnh hơn trước kỳ thi quan trọng này. Phụ huynh không nên đặt nặng vấn đề đỗ-trượt, điểm cao hay thấp với các em.

Cha mẹ chỉ cần ở bên, chăm sóc con thật tốt cả về sức khỏe thể chất cũng như tinh thần, hãy tạo niềm tin cho con. Không liều thuốc nào tốt bằng sự động viên của cha mẹ lúc này. Điều này sẽ giúp các em giảm căng thẳng và lo lắng, tự tin bước vào kỳ thi bởi mọi sự chuẩn bị thì cũng đã chuẩn bị rồi.

DƯƠNG LAN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng hành với con vượt qua áp lực kỳ thi
    ss