Đồng chí Nguyễn Lương Bằng: Tấm gương người cộng sản mẫu mực

02/04/2019 09:07

Kỷ niệm 115 năm ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng là dịp để chúng ta noi gương một người con quê hương Hải Dương mẫu mực về đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.


Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng thăm quê hương Thanh Miện năm 1976

Dù giữ nhiều cương vị khác nhau, song suốt đời đồng chí Nguyễn Lương Bằng luôn có cái tâm trong sáng, không màng tới danh lợi cho bản thân. Những tên gọi thân thương “Sao Đỏ”, “Anh Cả”, chính là biểu hiện sự tôn vinh, lòng kính trọng những phẩm chất mẫu mực, trong sáng của đồng chí.

Người chiến sĩ mang bí danh “Sao Đỏ”

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng sinh ngày 2.4.1904, trong một gia đình nhà nho nghèo ở thôn Đông, xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.

17 tuổi chàng trai trẻ rời quê hương đi Hải Phòng kiếm sống. Tại đây, anh được nghe kể về những cuộc đấu tranh sôi nổi ở Thượng Hải, Quảng Châu, Hồng Kông… được nghe kể về đồng chí Nguyễn Ái Quốc, về nhà yêu nước Phan Bội Châu và tấm gương hy sinh của Phạm Hồng Thái. Tất cả đã thôi thúc người thanh niên yêu nước Nguyễn Lương Bằng nuôi dưỡng quyết tâm phải ra nước ngoài để học hỏi, tham gia cách mạng để giải phóng dân tộc, đem lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Năm 1925, đồng chí được giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng. Đồng chí đã được sang Quảng Châu (Trung Quốc), tham dự lớp huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức, giảng dạy. Sau khi hoàn thành khóa học, đồng chí trở về nước hoạt động. Chỉ trong một thời gian ngắn, đồng chí đã thiết lập được đường dây liên lạc bằng đường thủy Hải Phòng - Hồng Công - Quảng Châu. Tuyến đường này đã đưa nhiều thanh niên yêu nước sang Quảng Châu dự các khóa huấn luyện do Việt Nam Cách mạng Thanh niên tổ chức và chuyển tài liệu, sách báo về trong nước.

Tháng 5.1931, đồng chí bị địch bắt, thực dân Pháp dùng mọi nhục hình để tra tấn, song chúng không khai thác được gì. Ở trong tù, đồng chí đã vận động anh em đấu tranh đòi cải thiện chế độ hà khắc của nhà tù, tham gia thành lập chi bộ Đảng trong tù. Cái tên Sao Đỏ được xuất hiện từ đây.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian khổ, hy sinh, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã ba lần bị địch bắt và hai lần vượt ngục thành công. Nhiều lần giáp mặt với cái chết, mặc cho quân thù tra tấn dã man, đồng chí vẫn nêu cao khí tiết của người cộng sản, tuyệt đối trung thành với Ðảng, với sự nghiệp cách mạng, với giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Bí danh Sao Ðỏ, tên gọi trìu mến yêu thương mà bao thế hệ các chiến sĩ cộng sản đã tặng cho đồng chí, chính là sự khẳng định về phẩm giá, về tinh thần bất khuất và tư chất anh dũng cao đẹp của người cộng sản kiên cường.

Người cán bộ mẫu mực của Đảng và nhân dân

Với tài năng và đức độ của mình, ngay từ những ngày đầu thành lập nước, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã được Đảng và Nhà nước giao phó cho nhiều sứ mệnh quan trọng, và ở cương vị nào đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, như góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền tài chính ngân hàng nước ta khi ở cương vị Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam; góp phần to lớn vào việc mở rộng mối quan hệ Việt-Xô và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế khi được bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Liên Xô. Hay khi ở cương vị Tổng Thanh tra Chính phủ, rồi Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương, đồng chí luôn thể hiện được sự trung thành với lợi ích của Đảng và nhân dân, tính gương mẫu và cái tâm trong sáng của người cộng sản.

Trên cương vị là Phó Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Lương Bằng là người cộng sự tin cậy của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, kế tục sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh – chiến đấu không mệt mỏi vì sự nghiệp thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Trong nhiều năm là Ủy viên Trung ương Đảng, đồng chí đã góp phần tích cực xây dựng Đảng vững mạnh về tư tưởng, chính trị và tổ chức. Những cống hiến của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta là hết sức to lớn. Cuộc đời hoạt động của đồng chí là một tấm gương sáng của người cộng sản Việt Nam.

Một cuộc đời sáng như gương

Không hám hư danh, không màng tư lợi, suốt đời hy sinh phấn đấu vì lợi ích của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân, chiến đấu không mệt mỏi vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đó là động cơ, là mục tiêu phấn đấu của đồng chí Nguyễn Lương Bằng.

Đó cũng chính là lý do đồng chí Nguyễn Lương Bằng tự nguyện xin rút lui, nhường chỗ trong Chính phủ lâm thời cho các nhân sĩ yêu nước trong những năm tháng sau Cách mạng tháng Tám. Ðánh giá về hành động này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích dân tộc, đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân. Đó là một cử chỉ đáng khen, đáng kính mà chúng ta phải học”.

Khi nhận chức Phó Chủ tịch nước, đồng chí đã từ chối việc đổi xe ô tô, đổi nhà và thay thế đồng chí cận vệ với những lý do rất bình dị, như “xe ô tô còn chạy tốt, thì sao phải đổi”, hay “từ khi làm việc với tôi, đồng chí bảo vệ vẫn cấp bậc cũ, nay nâng cấp là xứng đáng, vừa hợp lý, lại vừa hợp tình”.

Những câu chuyện về cuộc đời của đồng chí Nguyễn Lương Bằng vẫn mang ý nghĩa bài học cho chúng ta ngày hôm nay.

Trong hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng, Anh Cả, đồng chí Sao Ðỏ - Nguyễn Lương Bằng luôn xứng đáng là tấm gương sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bất khuất, kiên trung, tận tụy, hết lòng phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, xứng đáng là người cán bộ, đảng viên mẫu mực, xứng đáng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

GIA KHÁNH (TTXVN)

(0) Bình luận
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng: Tấm gương người cộng sản mẫu mực