Đổi thay ở tỉnh nông thôn mới

25/01/2023 10:00

Với những nỗ lực không ngừng cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nông thôn Hải Dương có sự thay đổi toàn diện, cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Hải Dương là tỉnh thứ năm trong cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.


Hơn 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn Hải Dương thay đổi toàn diện. Trong ảnh: Làng quê Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) hôm nay

Diện mạo mới

Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM) từ năm 2011, khi ấy bình quân mỗi xã trong tỉnh mới đạt 6 -7 trong tổng số 19 tiêu chí, ở mức trung bình so với các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng. Đời sống người dân nông thôn ở một số vùng trong tỉnh còn nhiều khó khăn, nguồn lực đóng góp hạn chế. Dù vậy, mỗi địa phương đã tìm ra hướng đi phù hợp để hoàn thành các tiêu chí NTM. 

Sau hơn 10 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được ví như "làn gió" mới, làm thay đổi nhận thức, thôi thúc người dân nông thôn hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn. Vượt qua khó khăn cùng với cách làm sáng tạo, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xây dựng NTM ở tỉnh đã đạt được những thành tựu to lớn. Người dân vừa là lực lượng nòng cốt trong xây dựng, vừa là chủ thể thụ hưởng thành quả của phong trào. Bởi vậy, các địa phương đã có cách làm sáng tạo khơi gợi được sức mạnh toàn dân, phát huy nguồn lực vật chất và tinh thần. Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh đã huy động gần 58.400 tỷ đồng xây dựng NTM. Nhân dân ngoài ủng hộ hơn 5.500 tỷ đồng đã hăng hái đóng góp hàng triệu ngày công lao động, tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất để tạo nên diện mạo mới cho quê hương. Từ cấp xã, đến huyện và giờ đây là tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Từ khi bắt đầu xây dựng NTM đến nay, toàn tỉnh đã nâng cấp, cải tạo 5.500 km đường giao thông nông thôn, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, thúc đẩy giao thương. Tất cả các cấp trường của 178 xã trong tỉnh đều đạt chuẩn về cơ sở vật chất theo tiêu chí NTM, 100% số đơn vị cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, y tế dự phòng được chú trọng. Môi trường nông thôn được cải thiện dần. Nhiều tuyến đường hoa được hình thành góp phần thay đổi cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp. 

Kinh tế nông thôn cũng có nhiều đổi mới khi đồng ruộng được quy hoạch quy củ với hơn 54.000ha đã dồn điền, đổi thửa và hệ thống thủy lợi chỉnh trang bài bản. Toàn tỉnh hiện có trên 15.500 ha rau sản xuất theo quy trình GAP, trên 5.000 ha rau được sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu; có 1.500 ha rau, trái cây được cấp chứng nhận theo quy trình VietGAP. Nhiều sản phẩm như vải, cà rốt, cải bắp... có chất lượng cao, đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường lớn Nhật Bản, Mỹ, Úc, Hàn Quốc... Giá trị sản xuất tại những vùng sản xuất tập trung đạt khoảng 250 triệu đồng/ha, có những vùng đạt trên 500 triệu đồng/ha. Nhiều mô hình nhà màng, nhà lưới đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giá trị sản xuất đạt khoảng 1-3 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận trung bình 550 triệu đồng/ha/năm. Hải Dương cũng có hơn 800 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và 2.000 ha nuôi thủy sản phát triển theo hướng công nghệ cao. Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) được triển khai là cú hích lớn để nâng tầm sản phẩm nông thôn. Đến nay, cả tỉnh đã có trên 200 sản phẩm được gắn sao. Nhờ vậy thu nhập của người dân ngày một cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo tiêu chí đa chiều. Đời sống vật chất ngày càng được nâng cao đã tạo ra những chuyển biến rõ nét trong đời sống tinh thần của người dân. 

Giá trị sản xuất tại vùng sản xuất tập trung đạt khoảng 250 triệu đồng/ha, có những nơi đạt trên 500 triệu đồng/ha


Bước tiếp chặng đường mới

Chặng đường 10 năm xây dựng NTM của Hải Dương đã khép lại. Tuy nhiên, đây mới chỉ là cột mốc đầu tiên trong hành trình dài để hướng tới sự hài lòng của người dân. Thành quả lớn lao song khó khăn vẫn còn nhiều khi các địa phương hướng tới những mục tiêu cao hơn. Vì thế, để không bằng lòng với chính mình, 12 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đã có những tính toán dài hơi cho giai đoạn xây dựng NTM tiếp theo. Trong giai đoạn này, tỉnh chú trọng phát triển về chất nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.

Hải Dương đặt mục tiêu đến năm 2025, có ít nhất 60% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 20% số xã đạt NTM kiểu mẫu. Có ít nhất 3 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Thu nhập đầu người đạt thấp nhất từ 76-80 triệu đồng/người/năm. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, bảo đảm sau khi rà soát 100% số xã đạt các chỉ tiêu, tiêu chí xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 và hướng tới xây dựng NTM thông minh. Đối với những xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu có đủ điều kiện nâng cấp lên đô thị, đồng thời nằm trong chương trình phát triển đô thị, tiếp tục triển khai, thực hiện xây dựng xã gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa.

Để đạt mục tiêu này, UBND cấp huyện tiếp tục phát động, hướng dẫn, đổi mới nội dung, hình thức triển khai thực hiện phong trào thi đua trên địa bàn. Chú trọng xây dựng tiêu chí cụ thể, phù hợp từng địa phương làm mục tiêu để tổ chức thực hiện. Huy động các tổ chức, cá nhân tại địa phương và các nơi khác đóng góp trí tuệ, công sức, phát huy nội lực và đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng NTM. Phấn đấu hoàn thành sớm hoặc đúng theo kế hoạch trong xây dựng NTM. MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia hưởng ứng tích cực phong trào thi đua gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; tổ chức giám sát thực hiện xây dựng NTM góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả của phong trào.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi thay ở tỉnh nông thôn mới