[Audio] Đổi thay chợ nông thôn mới ở Hải Dương

18/04/2023 06:05

Những năm gần đây, cơ sở hạ tầng của nhiều chợ được đầu tư xây dựng, cải tạo khang trang, sạch đẹp đã phát huy hiệu quả, góp phần đẩy mạnh giao thương, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao đời sống và thu nhập của người dân.

00:00


Hạ tầng chợ nông thôn theo tiêu chí mới khang trang, sạch đẹp, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển. Trong ảnh: Chợ Đọ ở xã Ứng Hòe, Ninh Giang (ảnh cơ sở cung cấp)

Những chợ nông thôn cũ nhếch nhác, lụp xụp trước kia nay được thay thế bằng những khu khang trang, sạch đẹp theo tiêu chí mới.

Khang trang, sạch đẹp

Chợ Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) nằm ở khu vực trung tâm của xã này. Chợ rộng 2.500 m2, được chia thành từng khu riêng biệt, các gian hàng bố trí gọn gàng với đầy đủ các công trình phụ trợ. Đây là nơi buôn bán, kinh doanh sầm uất không chỉ của người dân xã Cẩm Hoàng mà còn cả ở các địa phương lân cận.

Chị Đinh Thị Lợi, tiểu thương kinh doanh quần áo ở chợ xã Cẩm Hoàng chia sẻ: “Trước đây, khi chợ chưa được xây dựng, tôi kinh doanh tại nhà nhưng do nhà tôi không ở trung tâm nên lượng người mua sắm ít. Từ khi chợ mới được xây dựng tôi đã chuyển cửa hàng vào chợ để kinh doanh. Chợ phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân nhiều xã nên lượng tiêu thụ rất ổn định. Chợ có đầy đủ từ ti vi đến camera an ninh nên các tiểu thương đều rất yên tâm kinh doanh, buôn bán tại chợ”.

Theo ông Hồng Quang Thuần, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Trưởng Ban Quản lý chợ xã Cẩm Hoàng, đây là một trong những chợ lâu đời của địa phương, được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp. Chợ chỉ có 3 dãy ki-ốt nhỏ hẹp nên không đủ phục vụ nhu cầu của tiểu thương và người dân. Hầu hết các tiểu thương đều kinh doanh ở rìa đường, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Năm 2018, sau khi hoàn thiện việc đầu tư nâng cấp và mở rộng chợ, xã đã thành lập Ban Quản lý và giao cho Hội Cựu chiến binh phụ trách. Từ đó đến nay, chợ Cẩm Hoàng hoạt động ổn định phục vụ nhu cầu của người dân trong khu vực.


Chợ Cẩm Hoàng được nâng cấp mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong vùng buôn bán, nâng cao thu nhập

Trước đây xã An Bình (Nam Sách) không có chợ nên việc mua bán của người dân hết sức khó khăn. Để phục vụ nhu cầu của người dân địa phương, khi xây dựng nông thôn mới xã đã đề xuất xây dựng chợ ở thôn An Đông và được huyện phê duyệt. Năm 2016 chợ được xây dựng, năm 2019 cải tạo, mở rộng với diện tích hơn 3.100 m2 với hơn 80 ki-ốt cùng với hệ thống điện, nước, nhà vệ sinh, thiết bị phòng cháy chữa cháy… 

Ông Trương Phúc Thực, Phó Chủ tịch UBND xã An Bình, Trưởng Ban Quản lý chợ cho biết: “Trước kia bà con lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi buôn bán họp chợ, vừa mất mỹ quan, vừa gây mất an toàn giao thông. Từ khi có chợ mới bà con có chỗ buôn bán ổn định, chỗ ngồi rộng rãi. Việc kinh doanh, buôn bán phát triển nên đời sống của nhiều hộ dân trong xã cũng được nâng cao”.

Trước khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trên địa bàn tỉnh chưa phát triển mạnh, việc trao đổi mua bán hàng hóa của nhân dân chủ yếu được thực hiện thông qua chợ truyền thống. Cơ sở hạ tầng nhiều chợ đã xuống cấp, thường xuyên ngập úng vào mùa mưa, không bảo đảm công tác phòng cháy chữa cháy. Với sự quyết tâm vào cuộc của các cấp, ngành, những năm gần đây cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trên địa bàn có bước phát triển mạnh mẽ. Một số chợ sau khi được đầu tư xây dựng, cải tạo đã phát huy hiệu quả, góp phần giúp nhân dân trên địa bàn mở rộng giao thương, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, phục vụ tốt hơn đời sống của nhân dân địa phương. 

Quản lý đồng bộ, hiệu quả

Theo Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương), trong giai đoạn 2014-2020, Sở Công thương đã phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định hồ sơ, trình UBND tỉnh quyết định hỗ trợ đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho 39 chợ thuộc 11/12 đơn vị cấp huyện trong tỉnh với tổng số tiền hỗ trợ hơn 19,4 tỷ đồng. Hiện nhiều địa phương có chính sách thu hút các đơn vị, cá nhân để đầu tư xây dựng chợ. Cũng nhờ vậy, mạng lưới chợ nông thôn đã có sự đổi thay hoàn toàn so với giai đoạn trước. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Hải Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh có 172 chợ ở 265 xã, phường, thị trấn (3 chợ hạng 1, 20 chợ hạng 2, 149 chợ hạng 3). Trong đó có 128 chợ nông thôn ở 226 xã. Sau khi sáp nhập địa giới hành chính, toàn tỉnh còn 121 chợ nông thôn ở 178 xã. 

Hiện hầu hết các chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh đều bảo đảm kiên cố và bán kiên cố, nền chợ được cứng hóa, hệ thống tiêu thoát nước bảo đảm theo tiêu chuẩn. Các lán chợ cũng được sửa chữa, thay thế bằng mái tôn. Công tác phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng được quan tâm, chú trọng. Qua đó đã thu hút đông đảo tiểu thương và nhân dân tham gia kinh doanh mua bán tại chợ, góp phần giúp người dân trên địa bàn mở rộng giao thương hàng hóa, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, phục vụ tốt hơn đời sống của nhân dân địa phương. 

Có thể khẳng định, mạng lưới chợ nông thôn đã có góp phần tích cực tiêu thụ sản phẩm, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân nông thôn. Dù vậy, việc phát triển, hoàn thiện hạ tầng thương mại nông thôn tại nhiều địa phương còn gặp khó khăn. Nguyên nhân do nguồn kinh phí để thực hiện tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn hạn hẹp. Một số nơi tư nhân tự đầu tư nên không ít hạng mục chưa bảo đảm tiêu chuẩn, thiếu hệ thống phòng cháy chữa cháy… 

Để phát triển và khai thác có hiệu quả hệ thống chợ nông thôn, chính quyền các địa phương cần có giải pháp quản lý hoạt động chợ trên địa bàn hiệu quả, tránh lãng phí; giải tỏa hết chợ tạm, chợ "cóc" gây mất trật tự, an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, cần đào tạo nhân lực quản lý, chuyển đổi mô hình quản lý chợ để kinh doanh hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương... 

TRANG HIỀN

(0) Bình luận
[Audio] Đổi thay chợ nông thôn mới ở Hải Dương