Đời sống

Công nghiệp về làng, đời sống nông thôn Hải Dương đổi thay

MINH NGUYÊN 06/10/2024 11:00

Nhiều cánh đồng lúa chiêm trũng cho thu nhập bấp bênh ở Hải Dương nay đã thành những khu công nghiệp phát triển, hiện đại. Từ đó, đời sống của người dân đổi thay, nông thôn cũng đổi mới và phát triển hơn trước kia.

00:00

img_3380.jpg
Nhiều người dân ở thôn Lê Xá, xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng) giàu lên vì kinh doanh dịch vụ phục vụ công nhân, lao động

Đời sống người dân khấm khá

Có dịp về thăm thôn Lê Xá, xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng), chúng tôi mới thấy hết được sự nhộn nhịp của vùng quê này. Hai bên đường vào thôn là hàng quán san sát nhau, đầy đủ các mặt hàng, từ quần áo đến đồ ăn, thức uống, đồ gia dụng… Ở đây giống như “phố trong làng”, thậm chí còn nhộn nhịp hơn chợ Thanh Bình (thường gọi là chợ sinh viên được nhiều người biết đến ở TP Hải Dương). Cứ vào mỗi sáng sớm và chiều muộn, những giờ công nhân đi làm và tan ca, “con phố” sống động hơn hẳn.

Chị Vũ Thị Điệp ở thôn Lê Xá cho biết khi chưa có khu công nghiệp, chị làm công nhân đi theo công trình giao thông. Biết công việc không ổn định và vất vả nhưng vì mưu sinh nên chị chấp nhận cuộc sống nay đây mai đó. “Hơn 20 năm về trước, đời sống khó khăn, lạc hậu, giờ nhìn lại đúng là một sự thay đổi lớn”, chị Điệp nói.

Sau khi hình thành khu công nghiệp Phúc Điền được khoảng chục năm, nhiều doanh nghiệp về đầu tư, thu hút công nhân, lao động ở xa về làm việc, chị Điệp về quê lấy chồng, mở quán tạp hóa. Cuộc sống từ đó thay đổi hẳn, giờ đây vợ chồng chị Điệp đã xây được ngôi nhà 3 tầng khang trang, tầng dưới bán tạp hóa lúc nào cũng đông khách. Chị Điệp chia sẻ đời sống và thu nhập giờ đây đã ổn định hơn hẳn, làm cả ngày không hết việc mà chẳng phải đi đâu.

Ở đâu có khu công nghiệp ở đó có “phố”. Ngoài các quán tạp hóa thì kinh doanh nhà trọ cũng phát triển chưa từng thấy. So với 20 năm trước, những cánh đồng chiêm trũng cho thu nhập bấp bênh, hay ao chuông vườn ruộng cho thu nhập không đáng kể thì nay đã được lấp đầy bằng những dãy nhà trọ cao thấp. Kinh doanh nhà trọ gần 20 năm nay, ông Nguyễn Văn Tuấn ở khu Tứ Thông, phường Tứ Minh (TP Hải Dương) cho biết từ khi hình thành khu công nghiệp Đại An, cuộc sống của người dân ở đây "thay da đổi thịt". Trước đây, gia đình ông Tuấn chỉ trông chờ nguồn thu từ mấy sào ruộng, mấy luống rau, đôi khi phải đi phụ xây khắp nơi khi chưa đến mùa vụ. Từ khi có khu công nghiệp, gia đình ông Tuấn đã xây hơn 20 phòng trọ cho thuê, bình quân 600.000 đồng/phòng/tháng. Gia đình ông Tuấn còn bán tạp hóa để phục vụ khách trọ. Nguồn thu ấy đủ cho vợ chồng ông trang trải cuộc sống, nuôi con cái ăn học và lo dưỡng già.

Các dịch vụ trước đây chưa từng có ở thôn, làng, khu dân cư thì nay đã đến gần hơn với công nhân, người lao động. Cơ cấu kinh tế ở các khu vực này chuyển dịch từ nông nghiệp sang dịch vụ thương mại. Bà Bùi Thị Gấm, một người dân ở thôn Quyết Tâm, xã Lai Vu (Kim Thành) cho biết cuộc sống của người dân đã nhàn nhã hơn từ khi có khu công nghiệp Lai Vu. Khu công nghiệp đã tạo việc làm cho khoảng 20.000 công nhân, lao động. “Ngoài tạo việc làm cho người lao động, khu công nghiệp cũng mang đến cơ hội làm ăn, phát triển kinh tế cho nhiều người dân trong xã, đời sống nhân dân dần khấm khá hơn”, bà Gấm nói.

Ổn định và phát triển

img_3385.jpg
Nhờ có khu công nghiệp thu hút đông công nhân nên nhiều hộ kinh doanh nhà trọ ở Hải Dương thu từ 30-40 triệu đồng/tháng

Hải Dương hiện đã thành lập 17 khu công nghiệp, trong đó có 12 khu đã đầu tư xây dựng hạ tầng, khai thác kinh doanh. Các khu công nghiệp đã thu hút hơn 100.000 lao động trong và ngoài tỉnh. Với hệ thống giao thông thuận tiện, đất rộng, nguồn lao động dồi dào nên các xã, phường nằm cạnh khu công nghiệp có điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ.

Theo ông Tăng Tiến Trình, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Phúc, xã có 6 thôn thì 2 thôn Lê Xá và Tân Cờ đa số người dân kinh doanh dịch vụ. Đối với những hộ mới đăng ký kinh doanh, UBND xã yêu cầu cán bộ chuyên môn hướng dẫnngười dân hoàn thiện thủ tục, đồng thời giám sát quá trình xây dựng, kinh doanh của các hộ. Hiện toàn xã còn 1,2% số hộ nghèo; tỷ lệ làm nông nghiệp thuần túy chỉ chiếm khoảng 1,3%. Đa số người dân từ độ tuổi 18-45 làm việc ở các khu công nghiệp Phúc Điền, Tân Trường với nguồn thu nhập ổn định từ 8-10 triệu đồng/người/tháng.

Đời sống người dân ngày càng cải thiện nên việc huy động sức người, sức dân trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và thực hiện các công trình công cộng tại các xã, phường thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, đằng sau sự phát triển ấy còn nhiều hệ lụy. Tình trạng tệ nạn bủa vây công nhân ở các khu nhà trọ, mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường… vẫn còn diễn ra ở một số nơi.

Khắc phục những hạn chế này, tại các phường, xã có đông công nhân ở trọ, nơi diễn ra hoạt động kinh doanh dịch vụ tấp nập đã xây dựng mô hình tổ tự quản về an ninh trật tự, tổ dịch vụ dọn vệ sinh môi trường tại các “chợ công nhân” để không gian thôn, khu dân cư luôn sạch sẽ. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu dân cư Tứ Thông cho biết lãnh đạo khu dân cư đã phối hợp lực lượng công an rà soát, kiểm tra, hướng dẫn các chủ nhà trọ, cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ trang bị đầy đủ hệ thống bình chữa cháy và kinh doanh đúng pháp luật, bảo đảm vệ sinh môi trường.

MINH NGUYÊN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công nghiệp về làng, đời sống nông thôn Hải Dương đổi thay