Đối mặt với sự thật

26/01/2019 12:28

Dũng cảm đối mặt với sự thật mới là cách làm cho tổ chức, rộng ra là cho địa phương, đất nước vững mạnh.

Quy định "Người dân khi đến làm việc tại cơ quan tiếp công dân không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa được cán bộ tiếp dân cho phép" trong nội quy tiếp công dân của UBND TP Hà Nội mới được ban hành đầu năm 2019 đã thu hút sự quan tâm của dư luận với 2 luồng ý kiến trái chiều.

Người cho rằng quy định này là phù hợp nêu lý do việc ghi âm, ghi hình có thể ảnh hưởng tới tự do cá nhân, gây áp lực cho cán bộ tiếp công dân, chưa kể có thể bị lợi dụng cắt xén hình ảnh sử dụng với mục đích xấu. Người phản đối nói quy định này không cần thiết, không phù hợp vì pháp luật không cấm công dân quay phim, chụp ảnh tại nơi tiếp dân. Hơn nữa, theo Hiến pháp, công dân có quyền giám sát hoạt động của cán bộ nhà nước thì việc ghi âm, ghi hình chẳng qua cũng là một cách giám sát. Cán bộ làm việc đàng hoàng, đúng luật thì có gì phải sợ? Còn chuyện sử dụng hình ảnh như thế nào cũng đã có quy định của pháp luật về vấn đề này.

Đáng nói là phía nghiêng về ý kiến ủng hộ quy định cấm quay phim, chụp ảnh, ghi âm phần đông là cán bộ nhà nước, những người trực tiếp làm công tác tiếp công dân. Người trong cuộc có thể có lý lẽ riêng, song khách quan mà nói mọi quy định dưới luật đều nên tuân thủ quy định của luật. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và mạng xã hội, rất khó để bưng bít, che giấu thông tin. Vì vậy, công khai, minh bạch nội dung tiếp dân theo quy định của pháp luật cũng là việc nên làm. Thông tin chính thống được công khai chẳng những giúp người dân giám sát việc thực hiện lời hứa, phương án giải quyết của cơ quan chức năng trong các cuộc tiếp dân mà còn góp phần định hướng dư luận xã hội trước thông tin xấu độc do các thế lực thù địch cố tình bóp méo, xuyên tạc sự thật. Điều đó cũng buộc cán bộ tiếp dân phải giữ thái độ đúng mực, cách ứng xử linh hoạt, khôn khéo khi làm nhiệm vụ tiếp dân.

Từ chuyện công dân có được hay không được ghi âm, ghi hình trong khi đến cơ quan tiếp dân, chợt nghĩ đến việc ứng xử với thông tin trên mạng xã hội hiện nay. Trong đó, vấn đề được quan tâm là nhận diện thông tin xấu độc. Đối với các thông tin thể hiện rõ ý đồ chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ của các thế lực thù địch thì việc quyết liệt ngăn chặn, phản bác, đấu tranh bằng nhiều biện pháp là đương nhiên. Vấn đề là, bên cạnh đó còn có nhiều thông tin dư luận phản ánh qua mạng xã hội, cụ thể là phản ánh việc làm có dấu hiệu vi phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp... Người đưa tin chỉ đưa ra vấn đề rồi đặt câu hỏi không biết thực hư thế nào. Dù chưa rõ đúng sai, song những thông tin như vậy vẫn có thể gây bất lợi cho một số cơ quan, đơn vị và cá nhân. Nên làm gì trước những thông tin này là vấn đề rất đáng suy nghĩ.

Dùng biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn, tránh việc lan tỏa rộng rãi các thông tin dư luận phản ánh nhưng chưa kiểm chứng hay vội quy kết người đưa thông tin vi phạm pháp luật, coi đây là thông tin xấu độc, gây ảnh hưởng, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương... không giải quyết được triệt để vấn đề, bởi nếu không cẩn thận dễ tiếp tay cho tham nhũng, sai phạm. Việc cần thiết hơn trong những trường hợp như vậy là cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ sự thật để định hướng dư luận, xử lý nghiêm người vi phạm.

Dũng cảm đối mặt với sự thật mới là cách làm cho tổ chức, rộng ra là cho địa phương, đất nước vững mạnh.

HOÀI ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đối mặt với sự thật