Doanh nhân phụng sự xã hội

13/10/2022 08:09

Mặc dù ra đời muộn, phải làm ăn kinh doanh dưới chế độ thực dân - phong kiến nhưng các doanh nhân Việt Nam luôn mang trong mình tư tưởng tiến bộ đó là phụng sự xã hội.


Đội ngũ doanh nhân ngày càng năng động, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh minh họa

So với nhiều nước trên thế giới, đội ngũ doanh nhân ở Việt Nam được xây dựng và trưởng thành muộn hơn. Các tài liệu cho thấy, phải đến đầu thế kỷ XX, nước ta mới có những doanh nhân đầu tiên làm ăn với người Pháp như Bạch Thái Bưởi, Bùi Huy Tín, Trần Ngọc Thiện… Mặc dù ra đời muộn, phải làm ăn kinh doanh dưới chế độ thực dân - phong kiến nhưng các doanh nhân Việt Nam luôn mang trong mình tư tưởng tiến bộ đó là phụng sự xã hội. Bên cạnh việc đầu tư sản xuất, kinh doanh để làm ra nhiều của cải, cung cấp các dịch vụ tốt hơn cho xã hội, bằng cách này hay cách khác, các doanh nhân đã hỗ trợ cho các hoạt động nhằm thúc đẩy việc khai mở dân trí, hay thúc đẩy lòng yêu nước đã được Đảng và Nhà nước ta ghi nhận.

Bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập, đội ngũ doanh nhân nước ta ngày càng phát triển lớn mạnh hơn. Với sự năng động, sáng tạo, dám đương đầu với những khó khăn, thử thách, không ít doanh nhân Việt Nam đã trở thành những tỷ phú đô la, xây dựng được thương hiệu mang tầm cỡ toàn cầu. Hàng trăm nghìn doanh nhân trên khắp cả nước đang ngày đêm xung kích trên mặt trận kinh tế để ngày càng làm ra nhiều của cải, cung cấp nhiều loại hình dịch vụ tốt đẹp hơn cho người dân. Họ đã, đang kiếm tiền và làm giàu chính đáng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hướng tới xây dựng đất nước ngày càng hùng cường. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn ghi nhận, trân trọng, tôn vinh doanh nhân bởi hơn ai hết họ chính là những người đã làm tốt trách nhiệm phụng sự xã hội.

Thế nhưng bên cạnh những doanh nhân luôn sẵn sàng phụng sự xã hội thì cũng có không ít doanh nhân đi ngược lại truyền thống này. Từ đầu năm đến nay, hàng loạt doanh nhân là chủ tịch các tập đoàn lớn trong nước bị khởi tố, bắt tạm giam như Trịnh Văn Quyết, Đỗ Anh Dũng, Trương Mỹ Lan đã gây rúng động thị trường và dư luận xã hội. Việc một số chủ tập đoàn lớn bị bắt với các tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản cho thấy vì lợi nhuận, vì tiền họ sẵn sàng vi phạm pháp luật, lợi dụng lòng tin của nhân dân để kinh doanh không chính đáng. Những hành vi sai trái sẽ phải chịu sự trừng trị thích đáng của pháp luật và để góp phần cảnh tỉnh những doanh nhân khác. Từ lâu, không ít người luôn có suy nghĩ đã là doanh nhân, doanh nghiệp thì lợi nhuận phải đặt lên hàng đầu. Điều đó là không sai, nhưng để kiếm được nhiều tiền, thì doanh nghiệp, doanh nhân phải tìm ra các giải pháp, có cách nghĩ, cách làm hiệu quả, hợp pháp, cũng như mạnh dạn đầu tư để cung cấp cho xã hội các sản phẩm và dịch vụ ngày càng tốt hơn. Từ chỗ có sản phẩm, dịch vụ tốt thì doanh nghiệp sẽ bán được nhiều hàng, thu nhiều lợi nhuận, các doanh nhân sẽ trở nên giàu có và được xã hội ghi nhận. Còn nếu chỉ chăm chăm vào lợi nhuận, bất chấp luật pháp thì trước sau gì họ cũng sẽ bị xã hội tẩy chay, doanh nghiệp bị đào thải.

Tỉnh Hải Dương hiện có hơn 17.000 doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những năm qua, đội ngũ doanh nhân của tỉnh đã tích cực nghiên cứu tìm kiếm mở rộng thị trường trong và ngoài nước phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu tầm cỡ quốc gia. Các doanh nghiệp đã góp phần quan trọng trong việc tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đóng góp vô cùng quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Tin tưởng và mong rằng, các doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh sẽ tiếp tục phát huy truyền thống phụng sự xã hội, xứng đáng là những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế và có đóng góp hơn nữa để cùng toàn tỉnh sớm đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

VŨ ÚY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nhân phụng sự xã hội