Doanh nghiệp xăng dầu nói gì về điều hành thị trường?

01/03/2023 06:15

Thời gian qua, nguồn cung xăng dầu gặp nhiều khó khăn, giá cả biến động lớn và những hạn chế trong công tác điều hành đã tác động không nhỏ đến toàn bộ hệ thống kinh doanh xăng dầu ở Hải Dương.


Toàn tỉnh hiện có 266 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc quản lý của 189 thương nhân

Thời gian qua, tình hình kinh doanh xăng dầu vẫn tiếp tục là vấn đề "nóng". Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu kiến nghị cần có phương án điều hành thị trường ổn định để bảo đảm hoạt động.

Nhiều bất cập

Trong năm 2022 và tháng 1.2023, tình hình nguồn cung và giá xăng dầu trên thế giới, trong nước vẫn diễn biến phức tạp. Nguồn cung xăng dầu trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, giá cả biến động lớn đã tác động không nhỏ đến các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và toàn bộ hệ thống kinh doanh xăng dầu. Ngoài những nguyên nhân khách quan (giá dầu thế giới thay đổi, chiến tranh ở một số nước), còn có nguyên nhân chủ quan gây nên sự bất thường đó chính là do cơ chế tính giá được quy định tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 1.11.2021 không còn phù hợp với thực tế thị trường. Các khoản chi phí thực tế cao hơn nhiều so với quy định được áp dụng dẫn đến doanh nghiệp lỗ lớn, chính vì vậy một số doanh nghiệp đầu mối không tiếp tục nhập khẩu xăng dầu theo kế hoạch.

Công ty CP Vật tư xăng dầu Hải Dương là doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Theo anh Lê Đức Ngọc, Trưởng Phòng Xuất nhập khẩu của công ty, hiện nay doanh nghiệp chủ yếu nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc, Singapore. Doanh nghiệp hiện cung cấp xăng dầu cho 60 khách bán buôn và 80 khách bán lẻ ở nhiều tỉnh, thành phố, mỗi tháng cung cấp ra thị trường từ 30.000-35.000 m3 xăng dầu. Tuy nhiên theo anh Ngọc, từ lâu các chi phí premium (chi phí cơ bản tính trên mỗi thùng dầu nhập về cảng) không được tính đúng, tính đủ cho doanh nghiệp.
Còn theo ông Lê Huy Hoàng, Giám đốc Công ty CP Xăng dầu Kenda ở phường Tân Bình (TP Hải Dương) thì hiện nay các đại lý bán lẻ xăng dầu, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu chỉ được quyền ký hợp đồng với 1 nhà cung cấp xăng dầu (thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối, thương nhân nhượng quyền hoặc tổng đại lý). Quy định này không phù hợp với cơ chế thị trường và trở thành rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp, không phát huy được tính cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh. Thời gian qua, thị trường xăng dầu rất bất ổn, khan hiếm về nguồn cung là một minh chứng rất rõ, quy định nêu trên đã làm hạn chế việc các doanh nghiệp bán lẻ chủ động tìm kiếm nguồn cung ứng xăng dầu để duy trì hoạt động kinh doanh và phục vụ người tiêu dùng. Mặt khác, trong trường hợp nếu nhà cung cấp bị thu hồi giấy phép thì toàn bộ hệ thống phân phối sẽ gián đoạn hoạt động, làm ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến người tiêu dùng. "Công ty CP Xăng dầu Kenda hiện có 3 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Do thị trường xăng dầu có nhiều bất ổn nên hiện nay, doanh nghiệp đang tạm dừng 5 dự án liên quan đến việc xây dựng cửa hàng xăng dầu", ông Hoàng nói.

Đại diện Công ty TNHH một thành viên Hoàng Xuân ở xã An Lâm (Nam Sách) cũng cho rằng một số quy định trong kinh doanh xăng dầu hiện hành chưa phù hợp, đặc biệt là ở khâu bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thua lỗ nặng trong thời gian dài, kéo theo sự đứt gãy nguồn cung ứng. Công ty TNHH một thành viên Hoàng Xuân từng chịu thua lỗ từ 70-100 triệu đồng/tháng trong một thời gian dài. “Nếu nguồn cung xăng dầu vẫn có thể khan hiếm và mức chiết khấu không được điều chỉnh phù hợp thì doanh nghiệp sẽ không đủ nguồn hàng và không đủ năng lực tài chính để duy trì hoạt động kinh doanh. Chúng tôi lo ngại nhất là tình trạng càng bán càng lỗ tái diễn. Trong khi đó, cửa hàng bán lẻ xăng dầu không có quyền dừng bán hàng và cũng không chủ động được nguồn hàng khi chỉ được nhập hàng từ một thương nhân phân phối hoặc đầu mối duy nhất”, đại diện doanh nghiệp này cho biết.

Cần điều chỉnh, sửa đổi


Việc điều hành thị trường hiện nay bộc lộ nhiều bất cập cần điều chỉnh, sửa đổi

Hiện nay, giá xăng dầu trong nước được quản lý điều hành theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, thông qua hai giải pháp chủ yếu là nguồn cung và điều chỉnh các yếu tố cấu thành giá bán (thuế, phí...). 

Theo ông Nguyễn Đình Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Tuấn Dũng ở xã Thanh Giang (Thanh Miện), việc lùi thời gian điều chỉnh giá xăng dầu do trùng vào dịp nghỉ lễ, Tết tiếp tục bộc lộ những bất cập. Đơn cử như kỳ điều hành cuối tháng 1 vừa qua. Do trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán nên kỳ điều hành lùi về ngày 1.2 như dự kiến. Tuy nhiên, sau đó kỳ điều hành giá đã được đẩy sớm lên 2 ngày so với kế hoạch (vào ngày 30.1). Việc lùi kỳ điều hành trong khi giá xăng dầu thế giới liên tục biến động theo ngày đã khiến cho không ít thời điểm giá nhập hàng của các doanh nghiệp khi về đến kho đã cao hơn giá bán lẻ hiện hành.

Trước những bất cập nêu trên, Sở Công thương Hải Dương tiếp tục đề nghị Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hệ thống kinh doanh xăng dầu. Cụ thể, Sở Công thương đề nghị sửa đổi, bổ sung nghị định theo hướng, quy định giao cho thương nhân đầu mối chịu trách nhiệm tính toán, cân đối đề xuất mức giá bán buôn, giá bán lẻ, định mức chiết khấu cho toàn hệ thống phân phối - đăng ký mức giá bán và thời điểm áp dụng với liên Bộ Công thương - Tài chính theo quy định tại Luật Giá. Khi đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ quyết định đưa ra mức giá trần bán lẻ phù hợp, sau khi áp dụng các biện pháp trích, chi Quỹ bình ổn giá để đạt mục tiêu kiểm soát biến động trên thị trường. Đề nghị giao Bộ Công thương chịu trách nhiệm chính trong quản lý nhà nước mặt hàng xăng dầu thay vì liên Bộ Công thương-Tài chính như hiện nay. Cần linh hoạt về thời gian điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong những thời điểm có biến động giá với biên độ cao nhằm tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung xăng dầu và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp xăng dầu. Điều chỉnh ngay các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu đã lỗi thời theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ bao gồm premium của nguồn nhập khẩu… 

Trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện có 266 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, thuộc quản lý của 189 thương nhân. Trong đó có 1 thương nhân đầu mối, 2 đơn vị là chi nhánh trực thuộc thương nhân đầu mối, 1 đơn vị quản lý kho trung chuyển; 9 thương nhân phân phối và 176 thương nhân khác là chủ sở hữu cửa hàng xăng dầu.

HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp xăng dầu nói gì về điều hành thị trường?