Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Hướng tới phát triển bền vững

04/03/2021 07:06

Nhiều doanh nghiệp đã chủ động thay đổi công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Công ty TNHH Phú Sơn đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý mùi, nước thải đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững


Những năm qua, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (NVV) trong tỉnh tích cực ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất giúp tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường hướng tới phát triển bền vững.

Ứng dụng công nghệ mới

Từ năm 2017, khi quyết định sửa chữa, nâng cấp dây chuyền sản xuất, ông Vũ Văn Hạt, Giám đốc Công ty TNHH Đồng Tâm (Tứ Kỳ) đắn đó, suy nghĩ có nên để dây chuyền cũ lại rồi sửa chữa, bổ sung một số bộ phận để tiếp tục sản xuất hay thay thế bằng dây chuyền mới hiện đại hơn. Nếu chỉ sửa chữa, nâng cấp dây chuyền cũ sẽ tiết kiệm chi phí hơn nhiều so với thay thế dây chuyền mới. Sau nhiều ngày suy nghĩ, ông quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất hoàn toàn mới vì dây chuyền cũ đã lạc hậu, thường xuyên gây ô nhiễm môi trường, tốn nguyên liệu đầu vào, sản phẩm không đẹp, khó đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Theo ông Hạt, công nghệ cũ dùng máy tạo hình, ép dẻo nên lượng nước trong viên gạch vẫn còn khoảng 17%. Vì vậy, gạch phải được phơi khô mới đưa vào nung vừa tốn nguyên liệu vừa tốn nhân công. Khi nung tạo nhiều khói, lượng khí cacbon thải ra nhiều gây ô nhiễm môi trường. Công nghệ mới dùng máy tạo hình, ép khô nên lượng nước trong viên gạch chỉ còn 0,3%, có thể đưa vào nung ngay. Trong quá trình nung, lượng nhiệt thừa, khói thải ra được thu hồi đưa vào hầm sấy gạch. Vì thế, lượng khói thải ra môi trường gần như bằng không. "Công nghệ mới giúp tiết kiệm được 20 - 30% lượng than so với công nghệ cũ. Sản phẩm đẹp hơn, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng", ông Hạt nói.

Giữa năm 2020, trong quá trình sản xuất, Công ty TNHH Thương mại sản xuất và In thêu Thành Công ở huyện Thanh Miện thường xuyên mất điện do quá tải. Mỗi khi mất điện, doanh nghiệp mất từ 15 - 20 phút để khắc phục, ảnh hưởng rất lớn tới độ bền của máy móc và tiến độ sản xuất. Ông Nguyễn Chí Thành, Tổng Giám đốc công ty rất trăn trở để tìm cách khắc phục. Được một người bạn giới thiệu, ông Thành quyết định đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái. Sau khi lắp đặt, mỗi ngày hệ thống có thể cung cấp khoảng 100 kWh điện, cơ bản bảo đảm nhu cầu. Hoạt động sản xuất ổn định hơn, không còn tình trạng mất điện do quá tải. "Với kinh phí lắp đặt khoảng 1 tỷ đồng, sau khoảng 4 năm chúng tôi sẽ thu hồi vốn. Điều quan trọng nhất là hệ thống này đã giúp hoạt động sản xuất của công ty luôn ổn định, máy móc được bảo vệ tốt hơn, tâm lý công nhân cũng ổn định hơn trước", ông Thành nói.

Công ty TNHH Phú Sơn ở phường Phú Thứ (Kinh Môn) chuyên sản xuất các sản phẩm đá nhân tạo gốc thạch anh xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu. Trong quá trình sản xuất, công đoạn trộn keo thường phát sinh mùi rất khó chịu, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân. "Nhận thấy nguy cơ này, chúng tôi đã lắp đặt hệ thống xử lý mùi bằng công nghệ châu Âu. Hệ thống có tác dụng thu mùi, xử lý triệt để nên mùi không phát sinh ra môi trường. Mặc dù phải bỏ ra gần 2,5 tỷ đồng nhưng tôi thấy phù hợp để công ty phát triển lâu dài, bền vững", ông Cao Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Phú Sơn chia sẻ.

Hệ thống điện mặt trời giúp hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Thương mại sản xuất và In thêu Thành Công ổn định hơn


Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo

Tăng trưởng xanh đã trở thành xu thế tất yếu. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 chỉ rõ: "Cơ cấu lại kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số với các trụ cột: công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ chất lượng cao; phát triển đô thị xanh, thông minh,  hiện đại".

Trong xu thế phát triển bền vững hướng tới tăng trưởng xanh, doanh nghiệp NVV luôn giữ vai trò quan trọng bởi có số lượng lớn, tham gia vào hầu hết các lĩnh vực kinh tế trên địa bàn. Nhiều doanh nghiệp đã thay đổi công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm nguyên liệu đầu vào, hạn chế đến mức thấp nhất các tác động xấu đến môi trường.

Ông Tuấn cho rằng doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển bền vững không thể đứng ngoài cuộc, đi ngược xu thế của thời đại. "Khách hàng hiện nay thường ưu tiên chọn những sản phẩm thân thiện với môi trường, có tác dụng tốt với sức khỏe nên doanh nghiệp phải thay đổi để thích ứng. Nếu không thay đổi, doanh nghiệp sẽ bị đào thải", ông Tuấn nói. Vì vậy, ngoài hệ thống xử lý mùi, Công ty TNHH Phú Sơn còn đầu tư hơn 10 tỷ đồng lắp đặt hệ thống xử lý nước thải để đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của cơ quan chuyên môn cũng như đòi hỏi của các khách hàng khó tính.

Một trong những điểm yếu của các doanh nghiệp NVV trên địa bàn tỉnh là tiềm lực tài chính yếu, kỹ năng quản trị chưa tốt trong khi để thay đổi công nghệ đòi hỏi nguồn đầu tư lớn mà không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu, người tiêu dùng có yêu cầu ngày càng cao thì các sản phẩm chất lượng từ những chương trình phát triển bền vững luôn được đón nhận giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực phục vụ đổi mới, sáng tạo. Để khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, phát triển bền vững cũng cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực từ các cơ quan quản lý nhà nước.

VỊ THỦY

Quan tâm bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên

Tôi thấy phần lớn các lĩnh vực phát triển kinh tế đều phát thải khí nhà kính. Việc giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính được coi là vấn đề mấu chốt, nằm trong số những chỉ tiêu quan trọng của tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững. Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên là một trong những vấn đề cơ bản để bảo đảm phát triển bền vững. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nông nghiệp, du lịch, đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới... đều tác động đến môi trường. Vì vậy, trong quá trình khai thác cũng như sản xuất, kinh doanh cần giữ gìn bảo vệ, sử dụng tài nguyên một cách hợp lý.

Tôi cũng cho rằng để hướng tới tăng trưởng xanh, thời gian tới, ngoài tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ môi trường cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch. Tạo điều kiện thuận lợi cho đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm là cơ cấu lại ngành nghề, ưu tiên phát triển các ngành có công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, không gây ô nhiễm môi trường...

VŨ MẠNH TƯỞNG

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường


Cần có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ

Phát triển bền vững là lựa chọn tất yếu của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Tuy nhiên, một trong những điểm yếu của DNNVV là nguồn lực hạn chế cộng với kỹ năng quản trị kém trong khi ứng dụng khoa học, công nghệ đòi hỏi nguồn kinh phí lớn cùng khả năng điều hành tốt. 

Vì vậy, sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước là rất cần thiết để DNNVV có đủ nguồn lực chuyển đổi công nghệ, loại bỏ dây chuyền sản xuất cũ, lạc hậu chuyển sang dây chuyền mới, hiện đại hơn. Cần có những cơ chế cụ thể giúp DNNVV tiếp cận nguồn vốn tín dụng giá rẻ với điều kiện vay thuận tiện, ít ràng buộc để doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất...

Bên cạnh đó, tỉnh cần có những cơ chế khuyến khích, ưu đãi về đất đai, thuế đối với những doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, công nghiệp xanh. Giúp doanh nghiệp tuyên truyền quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại nhằm kết nối các đơn vị cung cấp đầu vào, tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp. Chỉ có sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước, DNNVV mới mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ vào sản xuất, đưa ra thị trường những sản phẩm phù hợp với xu thế, được khách hàng đón nhận. 

TRẦN VĂN ĐOÀN

Giám đốc Công ty TNHH TDMART (TP Hải Dương)


Thay đổi công nghệ là yếu tố sống còn

Để phát triển bền vững hướng tới tăng trưởng xanh, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất là yếu tố sống còn đối với mỗi doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Đổi mới, sáng tạo dựa trên khoa học và công nghệ được xem là chìa khóa giúp DNNVV phát triển bền vững. Ứng dụng công nghệ trong sản xuất giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, giảm nguyên liệu đầu vào, ít tác động vào môi trường sinh thái, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. 

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay và việc tham gia ngày càng sâu rộng vào các hiệp định thương mại, yếu tố cạnh tranh càng trở nên khốc liệt. Do vậy, DNNVV vừa phải tiết giảm chi phí, vừa nâng cao hiệu quả hoạt động. Để làm được điều này doanh nghiệp buộc phải nỗ lực bảo đảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng yêu cầu khách hàng, đồng thời tăng năng suất, hiệu quả hoạt động. 

Tuy nhiên, nhiều DNNVV vẫn chưa đủ kỹ năng để có thể tận dụng cơ hội chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Do đó, cần thêm nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ đến từ các bộ, ngành, các tổ chức, hiệp hội… giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.

NGUYỄN VĂN THẮNG

Tổng Giám đốc Công ty CP Hera Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Hướng tới phát triển bền vững