Nhà tôi chuyển lên phố đã lâu nên ít có dịp được về thăm ông bà nội. Nếu không có công to việc lớn, cỗ bàn hay giỗ các cụ thì chỉ có bố mẹ tôi tranh thủ rẽ về chốc lát.
Nhà tôi chuyển lên phố đã lâu nên ít có dịp được về thăm ông bà nội. Nếu không có công to việc lớn, cỗ bàn hay giỗ các cụ thì chỉ có bố mẹ tôi tranh thủ rẽ về chốc lát. Chị em tôi học hành liên miên, có muốn về quê cũng khó vì xa xôi, cách đò. Dịp Tết là quãng thời gian ông bà ao ước nhất vì con cháu sẽ về đông đủ, sum vầy. Nhưng vèo một cái, Tết đã hết, chị em tôi phải tạm biệt ông bà để còn chuẩn bị bài vở. Nhìn bà tíu tít chuẩn bị quà quê và chia lộc cho con cháu, giấu nỗi buồn vào trong mà lòng tôi trào lên tình thương bà thật khó diễn tả. Tiễn tôi ra ngõ, bà vẫn còn lưu luyến nắm tay, dặn dò:
- Nhanh về với bà nhé! Từ giờ đến Thanh minh lâu quá nhỉ?
Tôi hứa chắc chắn như đinh đóng cột:
- Nhất định năm nay con sẽ đi tảo mộ với bà. Con lớn rồi. Bà nhớ chờ con nhé!
- Ừ! Bà biết rồi! Bà chờ.
Chỉ tại mọi năm bà bảo tôi còn bé nên bà không cho đi cùng. Bà bảo: “Bố mẹ con đi tảo mộ với bà là được rồi. Trẻ con ở nhà thôi”.
Nhưng năm nay tôi đã cao vổng lên, cao hơn cả bà thì ai bảo tôi là “trẻ con cơ chứ”.
Mùa mưa phùn rồi cũng qua đi, nắng hừng lên ấm áp. Bầu trời trong trẻo, đúng là tiết Thanh minh. Bà cầm nắm nhang và cái bật lửa còn tôi ôm một bó hoa cúc đi bên cạnh. Hai bà cháu đi bộ qua một cánh đồng. Bà đi quen nên cứ bước thoăn thoắt, chốc chốc lại dừng để chờ tôi theo kịp. Vừa đi bà vừa giới thiệu:
- Mộ tổ nhà mình ở Đống Mắm, phải lội ruộng mới sang đó được. Sau đó bà cháu ta về Mả Cả, ở đó có các cụ hai bên nội ngoại, có cô Nhị của con nằm đó nữa.
Tôi thắc mắc:
- Sao không tập trung mộ về một chỗ bà nhỉ?
Bà gật gù:
- Ừ, ngày xưa có ai để ý đâu nên bây giờ cũng khó quy hoạch.
Nhìn những ngôi mộ cao thấp, to nhỏ đủ các kiểu đang nhấp nhô ở phía trước, tôi lại hỏi bà:
- Bà ơi! Sao các ngôi mộ không giống nhau? Mộ to, mộ bé không đều bà nhỉ?
Bà khẽ thở dài:
- Thì trần sao âm vậy con ạ! Quê mình có người giàu, người nghèo nên ai có điều kiện thì xây to, ai không có điều kiện thì xây bé.
Hai bà cháu mải nói chuyện nên quãng đường ra nghĩa trang của xã như ngắn lại. Bà xắn quần đến đầu gối để chuẩn bị lội qua bờ ruộng sang bên mộ tổ của họ. Tôi cũng làm theo bà vì đây là lần đầu tiên tôi được đi tảo mộ. Bà hướng dẫn tôi nhổ cỏ xung quanh mộ rồi bà đốt nhang, đưa cho tôi ba nén, dặn đặt một cành hoa cúc vàng lên mộ rồi chắp tay vái lạy. Nghi lễ ấy thật là thiêng liêng. Bà khấn xong, quay sang tôi:
- Đi! Bà cháu mình về Mả Cả. Hóa ra mình đi sớm nhất con ạ!
Bà thắp hương ở ngôi mộ nào thì tôi đặt một cành hoa lên ngôi mộ đó. Bà lại tiếp tục giới thiệu cho tôi biết về từng người nằm dưới mộ. Đến mộ cô Nhị, bà bảo:
- Con đặt cành cúc trắng...
Nói xong, nước mắt bà cứ ầng ậc chảy, không phải vì khói hương làm cay xè mắt mà vì bà nhớ lại chuyện đau buồn năm xưa.
Cô Nhị là em kế tiếp sau bố tôi. Cô mất lúc 10 tuổi vì trốn ngủ trưa đi ra ao mò ốc, vầy nước cùng mấy người bạn cùng xóm. Cô bị đuối nước, còn bạn cô thì sợ quá chạy về chui vào gầm giường. Khi người lớn biết sự việc thì đã muộn.
Bà ngồi lặng bên mộ cô Nhị rất lâu sau khi đã nhắc tôi đi thắp cho mỗi ngôi mộ xung quanh một nén nhang.
Mặt trời dần lên cao, người đi tảo mộ mỗi lúc một đông, bà như bừng tỉnh trở về thực tại:
- Mình về thôi! - bà vịn người tôi đứng dậy.
Suốt quãng đường đi bộ về nhà, bà giảng giải cho tôi hiểu tục lệ đi tảo mộ vào tiết Thanh minh hằng năm. Đó là một cách để tưởng nhớ những người đã khuất, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, cần được phát huy. Bà bảo: “Cứ làm xong việc này, lòng bà nhẹ nhõm, thanh thản lắm”. Tôi khoác tay bà, thầm hứa: “Nhất định con sẽ nhớ lời bà dạy”.
VŨ THỊ THANH ANH(Lớp 8A, Trường THCS Nam Hồng, Nam Sách)