Những ngày cận Tết Giáp Thìn, người dân khắp nơi ở Hải Dương đi tảo mộ thể hiện lòng thành kính, tri ân nguồn cội.
Sáng 8/2 (29 tháng chạp), giao thông phía trước cổng vào nghĩa trang Cầu Cương - nghĩa trang nhân dân lớn nhất TP Hải Dương khá ùn tắc vì dòng người, xe cộ dừng đỗ mua hương, hoa, vật phẩm đi tảo mộ.
Bên trong nghĩa trang, hàng trăm người đang dọn dẹp, sửa sang, thắp hương tại phần mộ của tổ tiên, người thân. Nhiều phần mộ được các gia đình chăm chút tỉ mỉ, bày trí cả những chậu quất, cây đào mi ni...
Sau khi hoàn thành dọn vệ sinh, trang trí cho 15 phần mộ của gia đình, ông Đinh Văn Cường ở phố Hàn Giang (TP Hải Dương) cùng các con, cháu thành kính dâng hương, khấn bái tổ tiên, ông bà, bố mẹ. "Đây là hoạt động truyền thống của gia đình chúng tôi. Trước là để dâng lễ thần linh xin cho gia đình được mời các cụ, ông bà, bố mẹ, người thân đã khuất về nhà ăn Tết. Sau là để giáo dục các con, các cháu phải luôn biết trân trọng, biết ơn đấng sinh thành, dưỡng dục", ông Cường chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Thuỳ Linh ở phố Tuệ Tĩnh (TP Hải Dương) còn chọn mua được cành đào đang bung sắc thắm để trang trí phần mộ ông nội của mình. Chị cho biết khi còn sống ông nội rất yêu quý con cháu. Giống nhiều người, ông nội chị Linh thích chơi đào ngày Tết. Vì vậy mà từ ngày ông mất, năm nào khi đi tảo mộ dịp này chị cũng mang theo cành đào để dâng lên phần mộ.
Sáng 29 tháng chạp, bà Dương Thị Toàn ở thôn Phương Quất, xã Lạc Long (Kinh Môn) cùng các con cháu cũng đi tảo mộ. Bà cẩn thận lau chùi, trang trí cho từng phần mộ của gia đình bằng hoa cúc, vật phẩm.
"Tết đến bận bịu đủ thứ việc nhưng bận gì thì bận nhất thiết tôi phải ra bằng được nghĩa trang thắp hương cho tổ tiên, người thân đã khuất. Có năm 29 tháng chạp, tôi bị ốm, chưa đi tảo mộ được mà lòng buồn rười rượi. Sáng 30 Tết dậy sớm đi ra thắp hương cho tổ tiên, ông bà, bố mẹ xong về thấy người khoẻ khoắn, vui tươi hẳn", bà Toàn chia sẻ.
Sáng 7/2 (28 tháng chạp), mặc dù trời mưa phùn nhưng vẫn không ngăn được từng dòng người đi tảo mộ tại nghĩa trang thôn Đồng Lại, xã Ứng Hoè (Ninh Giang). Nghĩa trang ngày thường lạnh lẽo nhưng hôm nay trở lên nhộn nhịp, ấm cúng bởi khói hương nghi ngút và những hoạt động thấm đẫm tình cảm, sự biết ơn của các thế hệ con cháu dành cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã khuất nhân dịp Tết đến, xuân về.
Cùng gia đình đi tảo mộ, anh Nguyễn Tiến Phong ở thôn Đồng Lại tỉ mỉ nhổ cỏ, dọn dẹp các phần mộ cho ông bà cho hay: "Mỗi lần đi tảo mộ dịp Tết, những hình ảnh, ký ức về ông bà khi xưa lại ùa về trong tâm trí tôi. Tảo mộ ngày Tết mang lại cảm giác thật đặc biệt nên năm nào cũng gọi điện dặn bố mẹ phải đợi tôi về rồi cùng đi".
Tảo mộ dịp tết là một tục lệ truyền thống tốt đẹp, được các thế hệ người dân Việt Nam nói chung, Hải Dương nói riêng duy trì từ bao đời nay. Tục lệ này thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", lòng biết ơn, sự tri ân nguồn cội của con cháu với tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Tảo mộ dịp Tết còn là dịp để các gia đình giáo dục con cháu về truyền thống dân tộc, luôn biết hướng về nguồn cội, không được quên gốc rễ, sống trọn đạo hiếu với ông bà, cha mẹ của mình. Từ đó, góp phần hoàn thiện nhân cách, đạo đức tốt đẹp, sống tốt đẹp trước mọi đổi thay của nhịp sống mới.
TIẾN MẠNH