Để thực sự “khai” rồi mới “giảng”

04/09/2019 18:08

Trước ngày khai giảng năm học 2019-2020, Bộ trưởng GDĐT đã hứa sẽ tính toán để hợp nhất ngày tựu trường với ngày khai giảng, tránh tình trạng học trước rồi mới khai giảng như hiện nay.

Chính Bộ trưởng cũng thừa nhận việc học sinh đi học rồi mới tổ chức ngày khai giảng là một bất cập cần khắc phục. Nó làm giảm ý nghĩa ngày khai giảng, tước mất cảm xúc hồi hộp chờ đợi, niềm vui háo hức trong ngày đầu tiên tới trường của học sinh.

Hiện nay, Bộ GDĐT mới chỉ thống nhất ngày khai giảng chung cho các trường là 5.9 mà chưa thống nhất thời gian bắt đầu năm học trong cả nước. Các tỉnh, thành phố tự ban hành kế hoạch thời gian năm học nên mới xảy ra tình trạng có nơi ngày 1.8 đã tựu trường như Hà Nội, nhiều nơi thì vào trung tuần tháng 8 hoặc 1 tuần trước ngày khai giảng. Bộ GDĐT nên xây dựng kế hoạch thời gian năm học chung cho ngành giáo dục, tránh sự lộn xộn, không thống nhất giữa các địa phương. Nhưng để trả lại ý nghĩa thực sự cho ngày khai giảng, có nhiều việc phải làm hơn là chỉ điều chỉnh mốc thời gian cho phù hợp.

Tình trạng “giảng” rồi mới “khai” như hiện nay là do chương trình học quá nặng nên nhiều trường lo lắng sẽ không thể “tải” nổi trong 9 tháng của năm học mà cần “ăn gian” thêm mấy tuần của kỳ nghỉ hè. Một số nơi thì cho rằng cần thời gian để cho học sinh làm quen với lớp học, ổn định sau dịp hè. Thậm chí một số trường còn lợi dụng khoảng thời gian này để tổ chức dạy thêm. Một nguyên nhân nữa là do sự phân bổ chương trình học chưa hợp lý, học sinh phải đi học sớm từ tháng 8 trong khi những ngày cuối năm học lại chỉ đến lớp ngồi chơi.

Bởi vậy, để có thể điều chỉnh ngày khai giảng là ngày đầu tiên của năm học mới thì cần giảm tải chương trình học, chỉ gói gọn trong 9 tháng cũng đủ để các trường yên tâm truyền thụ được đầy đủ kiến thức tới học sinh. Các trường học cũng cần tăng cường rèn luyện nền nếp cho học sinh để các em sớm làm quen với năm học mới, không bị bỡ ngỡ, chệch choạc từ những ngày đầu. Việc rèn luyện này sẽ hiệu quả hơn khi năm học thực sự bắt đầu, đi kèm với hoạt động dạy học bài mới trong chương trình chứ không cần thiết phải có một vài tuần “khởi động” bằng cách học thêm, ôn bài cũ. Chương trình học cần được bố trí hợp lý hơn để bù trừ giữa thời gian học sinh đi học sớm với thời gian trống cuối năm học.

Bộ GDĐT chỉ đạo các nghi thức của lễ khai giảng rất cụ thể bao gồm đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước; có thể tổ chức một số hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phù hợp với điều kiện nhà trường và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh. Năm nay, bộ còn lưu ý các trường không đọc báo cáo về tình hình hoạt động của nhà trường. Như vậy, các trường đã có một cái khuôn chung để thực hiện lễ khai giảng. Song buổi lễ ấy có hồn cốt hay không, có tạo được ấn tượng sâu sắc với mỗi học sinh hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự linh hoạt, sáng tạo của mỗi trường và tình cảm, tâm huyết của đội ngũ giáo viên đón học sinh tới lớp.

LAM ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để thực sự “khai” rồi mới “giảng”