Từ các tỉnh miền núi Sơn La, Hà Giang… những học sinh là con công nhân dân tộc thiểu số về Hải Dương ngày khai giảng mang theo niềm vui được đoàn tụ với bố mẹ.
Tan ca làm đêm tại khu công nghiệp VSIP (ở xã Lương Điền, Cẩm Giàng), chị Mùa Thị Dềnh tranh thủ trở về nhà để chuẩn bị đưa con gái đi khai giảng năm học mới.
Cô bé Lầu Thuỳ Linh hôm nay dậy từ sớm. Đôi mắt long lanh không giấu được sự hào hứng, nhanh tay đặt từng cuốn sách còn thơm mùi giấy mới vào cặp, cô bé dặn mẹ: “Mẹ dắt con đi hôm nay thôi, ngày mai Linh tự đi học để mẹ còn đi làm”.
Sinh ra ở tỉnh miền núi Sơn La, khi cô bé 1 tuổi, bố mẹ xuống Hải Dương làm việc. Từ đó, cô bé sống cùng ông bà nội. Kinh tế gia đình còn khó khăn, bố mẹ không ở cạnh nên cô bé nhanh nhẹn và hiểu chuyện từ sớm.
Đôi bàn tay nhỏ bé nắn nót lại từng chiếc cúc áo trước khi theo mẹ đến trường, cô bé lại hỏi: “Có phải Linh không ở nhà, không có ai chăn nên ông bà bán bớt trâu với dê của Linh không mẹ?”. Chị Dềnh mỉm cười trả lời: "Ông bà sẽ không bán trâu đâu con. Yên tâm đến trường nhé".
Chị Dềnh chia sẻ: “Mấy năm trước, con còn nhỏ quá, vợ chồng tôi mới chuyển xuống đây làm, công việc chưa ổn định nên nhờ ông bà chăm sóc. Nay con vào lớp 1, tôi cũng cố gắng đón xuống đây để con có điều kiện học hành tốt hơn. Nếu con ở trên ấy tôi lo con sẽ bỏ học”.
”Quê tôi là huyện miền núi. Dù được Nhà nước hỗ trợ nhiều nhưng bọn nhỏ đi học xa lắm. Cuốc bộ mấy cây số đường đèo, đường núi mới đến được trường”, chị Dềnh kể.
Vừa kể, đôi mắt của người mẹ chẳng giấu được niềm vui dù vừa trải qua một đêm thức trắng làm việc. Vui vì từ nay con mình có một môi trường tốt để học tập, vui hơn khi gia đình không còn cảnh bố mẹ một nơi con một nẻo.
Trường Tiểu học Lương Điền có 7 học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số như Dao, Mông, Nùng, Tày... quê ở các tỉnh Sơn La, Hà Giang, là con những công nhân đang làm việc ở các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Cẩm Giàng.
Cô giáo Lê Thị Hồng Thắng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đối với các em dân tộc thiểu số cũng như người ngoại tỉnh chuyển đến mà chưa đủ hồ sơ, nhà trường sẵn sàng nhận các em vào học, chỉ cần có xác nhận tạm trú của địa phương và thông tin về nơi làm việc của phụ huynh. Quê các em đều ở xa, việc đi lại để hoàn thiện hồ sơ rất khó khăn. Nhà trường sẽ tạo điều kiện tối đa để việc học của các em không bị gián đoạn.
Theo các giáo viên đã và đang chủ nhiệm các lớp có học sinh dân tộc thiểu số, dù từ vùng cao xuống học song các em hoà nhập rất nhanh. Trong quá trình học có em nói tiếng phổ thông còn ngọng, các cô đã kèm cặp riêng ngoài giờ.
Bằng sự bảo ban tận tình của thầy cô, sự quan tâm của gia đình, từ nay con đường đến trường của những đứa trẻ vùng cao ở Hải Dương đã gần hơn bao giờ hết. Ước mơ được trở thành giáo viên đứng trên bục giảng của cô bé Lầu Thuỳ Linh từ nay cũng không còn xa vời như trước.
VĂN TUẤN