Những ngày đầu tháng 10, khi TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều người dân đã ùn ùn đổ về quê.
Sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp tăng cường, có nơi áp dụng biện pháp mạnh “ai ở đâu ở yên đó” để kiểm soát dịch, từ 1/10, nhiều địa phương ở khu vực phía Nam đã quyết định nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Nhiều người dân sau bao ngày “mắc kẹt” tại thành phố đã ngay lập tức trở về quê.
Ghi nhận tại các địa phương, từ ngày 1.10 đến nay, rất đông người đi xe máy chở theo người nhà, trẻ nhỏ, đồ đạc lỉnh kỉnh đi cả ngày lẫn đêm từ TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An để về quê tại Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau... miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía Bắc. Có địa phương đón hàng nghìn người, thậm chí hàng chục nghìn người trở về. Trước đó, khi nhiều chốt kiểm soát dịch tại TP Hồ Chí Minh được dỡ bỏ, nhiều người dân đang sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh đã đi xe máy về quê ngay trong đêm khiến cửa ngõ phía Tây bị ùn ứ nghiêm trọng.
Đây không phải đợt đầu tiên người dân về quê trong mùa dịch. Thời điểm khoảng cuối tháng 7 cũng đã có hàng nghìn lao động từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... đi xe máy để về quê ở các tỉnh miền Trung và một số tỉnh phía Bắc. Nhưng lần này, số lượng người dân đổ về quê tăng lên nhiều, nhất là về các tỉnh miền Tây và dự kiến sẽ còn tiếp tục trong những ngày tới.
Không khó để lý giải việc người dân ồ ạt về quê ngay khi các tỉnh, thành phố nới lỏng giãn cách xã hội. Kể từ khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát (từ 27/4) đã gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân, sản xuất đình trệ, không ít doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động. Nhiều lao động thất nghiệp, không có thu nhập, nhất là những lao động tự do, mặc dù đã cố gắng bám trụ lại thành phố, được hỗ trợ bởi các gói an sinh, các chính sách về dân sinh và những tấm lòng nhân ái, nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn. Về quê, để giảm gánh nặng mưu sinh, cũng là để phòng tránh dịch bệnh là tâm lý thông thường của bao người. Về quê, đợi khi dịch bệnh lắng xuống sẽ tiếp tục quay trở lại làm việc là cách nhiều người lựa chọn trong thời điểm khó khăn này.
Trong đợt người dân về quê trước đó cũng như lần này, các lực lượng chức năng đã kết hợp với chính quyền địa phương thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ. Trên đường đi, người dân được cảnh sát giao thông dẫn đường, đảm bảo an toàn khi di chuyển. Khi đi qua các tỉnh thành, có các lực lượng trợ giúp “trung chuyển”, “bàn giao” cho các địa bàn tiếp theo. Địa phương nơi đến bố trí lực lượng chức năng đón và đưa người dân đi cách ly theo quy định. Có những địa phương chủ động phối hợp với chính quyền sở tại nắm bắt nhu cầu của người lao động để huy động xe khách, xe buýt đưa đón thành nhiều đợt; phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ được hỗ trợ đưa đón bằng máy bay.
Những hình ảnh xúc động cũng đã được ghi nhận, khi chính quyền các địa phương đã kịp thời chuẩn bị thực phẩm, đồ ăn uống cho người dân, nhất là phụ nữ và em nhỏ, không để ai bị đói trên đường. Có những người dân tình nguyện bỏ tiền túi mua xăng đổ sẵn vào chai để trao cho những người cần khi ghé ngang...
Tuy nhiên, việc người dân ồ ạt tự phát về quê tiềm ẩn rất lớn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Thực tế, khi xét nghiệm sàng lọc, có địa phương đã phát hiện hàng chục ca, thậm chí lên tới gần hai trăm trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong số những người trở về. Nguy cơ mất an toàn giao thông cũng thường trực khi nhiều người di chuyển trong đêm. Lực lượng chức năng ở các chốt kiểm soát phòng chống dịch tại khu vực giáp ranh các tỉnh đã phải căng mình kiểm soát và hỗ trợ người dân di chuyển.
Bên cạnh đó, việc ồ ạt về quê tự phát của người dân và sự thiếu chủ động của khá nhiều địa phương đã khiến công tác đưa đón, phân loại, xét nghiệm, bố trí điểm cách ly có phần lúng túng. Có nơi đã kích hoạt tối đa các khu cách ly tập trung và đứng trước nguy cơ quá tải, nguy cơ lây nhiễm chéo SARS-CoV-2 trong khu cách ly khi lượng người trở về tiếp tục tăng lên.
Trở về quê là nguyện vọng chính đáng của người dân, nhưng để đảm bảo an toàn và thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, rất cần ý thức tuân thủ tuyệt đối của mỗi cá nhân, thực hiện theo hướng dẫn của địa phương, tránh về quê tự phát. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 2.10 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi người dân nên kiềm chế, không di chuyển tự phát tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Thủ tướng yêu cầu TP Hồ Chí Minh và các tỉnh tiếp tục vận động người dân ở lại để được tiêm vaccine đầy đủ, tiếp tục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội. Nếu người dân thực sự có mong muốn về quê vì các lý do khác nhau thì các địa phương phối hợp tổ chức đón, đưa người dân về quê bảo đảm an toàn dịch bệnh, đi lại thuận lợi, đảm bảo an toàn giao thông và tránh bức xúc cho người dân.
Với mọi nỗ lực để kiểm soát dịch bệnh, hiện nay tình hình dịch COVID-19 đã có những tín hiệu tích cực khi số ca mắc COVID-19 có xu hướng giảm dần. Các biện pháp phòng chống dịch đã thay đổi nhằm “thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả với dịch COVID-19. Nhiều hoạt động sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ dần được khôi phục nên sẽ cần nhiều lao động tại chỗ.
Con số mới đây từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh cho thấy, trong ba tháng cuối năm, nhu cầu nhân lực của thành phố cần khoảng 43.600-56.800 chỗ làm việc. Ở Bình Dương, số liệu từ Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội của tỉnh) cho thấy, nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động để khôi phục hoặc mở rộng sản xuất, có công ty cần tới vài nghìn lao động. Tại Đồng Nai, cuối tháng chín, sàn giao dịch trực tuyến cũng đã thông tin về nhu cầu tuyển dụng, có 15 doanh nghiệp đăng ký phỏng vấn trực tuyến tại sàn với tổng nhu cầu tuyển dụng gần 4.700 lao động, chủ yếu là lao động phổ thông ở các lĩnh vực may mặc, giày da, điện tử. Vì thế, người lao động cần cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định về quê vào thời điểm này.
Và trên hết, để có hành trình trở về an toàn, cần sự chủ động từ cả hai phía: người lao động và chính quyền địa phương. Người dân đăng ký với tổ dân phố, UBND phường, xã nơi đăng tạm trú về nguyện vọng trở về quê. Trên cơ sở số lượng đăng ký, chính quyền nơi người dân đang sinh sống sẽ phối hợp cùng các cơ quan chức năng và các địa phương (nơi về) để tổ chức đưa đón người dân. Chỉ có việc tổ chức, lên kế hoạch thật tốt mới có thể đưa đón, tiếp nhận chu đáo, an toàn, đảm bảo phòng chống dịch.
Ở một góc độ khác, cũng quan trọng không kém, đó là sự vào cuộc thật sự của chính quyền địa phương để chăm lo đời sống cho người lao động. Việc rà soát, nắm bắt tình hình, nhu cầu việc làm, thu nhập để thực hiện các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân cũng là một việc làm cấp thiết cho hành trình “hậu trở về”.
Theo Báo Tin tức