Để không phải vận động người dân dùng hàng Việt

19/06/2019 08:26

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai từ năm 2009, đến nay đã tròn 10 năm.


 Sản phẩm túi, cốc, thìa... tự hủy thương hiệu Aneco của Công ty CP An Phát xanh được tiêu thụ tốt ở thị trường nội địa

Mục đích của cuộc vận động nhằm đề cao tinh thần dân tộc trong mua sắm hàng hóa, thông qua đó ủng hộ và nâng đỡ cho doanh nghiệp trong nước trưởng thành và phát triển. 

Nhờ được triển khai sâu rộng và liên tục trong một thời gian dài nên từ chỗ lép vế so với nhiều loại hàng hóa giá rẻ khác, nhất là hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc thì nay hàng Việt đã chiếm một tỷ lệ lớn trong các siêu thị, cửa hàng. Tại các siêu thị lớn trong tỉnh như Big C, Intimex (TPHải Dương), Vinmart+ (Chí Linh), tỷ lệ hàng Việt được bày bán đã lên đến 80-90%. Những thương hiệu hàng Việt uy tín xuất hiện ngày càng nhiều từ hàng tiêu dùng cho đến thiết bị công nghệ hiện đại. Vài năm trước, người Việt tự hào khi nhắc đến điện thoại Bphone, một sản phẩm điện thoại thông minh của người Việt, thì nay Tập đoàn VinGroup lần lượt cho ra đời điện thoại, xe máy điện rồi đến ô tô do chính người Việt sản xuất. Nhiều hàng hóa nước ngoài (chủ yếu là hàng Trung Quốc) nay phải đội lốt hàng Việt trên thị trường.

Tại Hải Dương, các doanh nghiệp trong tỉnh cũng không ngừng nỗ lực xây dựng thương hiệu, nâng cao uy tín để sản phẩm của mình được người tiêu dùng trong nước đón nhận và đánh giá cao. Chẳng hạn như sản phẩm của Công ty CP Chế tạo bơm Hải Dương, Công ty CP Đá mài Hải Dương, hàng may mặc thời trang thương hiệu YODY đã lần lượt được bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao, được tin dùng khắp các vùng miền trong cả nước… Những thương hiệu này không chỉ nỗ lực đổi mới chất lượng, mẫu mã sản phẩm để đáp ứng tiêu chuẩn của người dùng trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu. 

Đến nay, cái được lớn nhất của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là đã khiến nhiều người tiêu dùng chủ động lựa chọn sản phẩm do các doanh nghiệp trong nước sản xuất chứ không còn phải vận động, khuyến khích như những năm đầu mới triển khai. Thương hiệu hàng Việt không chỉ được vinh danh tại thị trường trong nước mà còn được khẳng định ở nước ngoài.

Sau 10 năm, người tiêu dùng Việt đã có niềm tin nhất định vào hàng Việt nhưng không có nghĩa các doanh nghiệp trong nước được tự bằng lòng với chính mình. Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước hội nhập sâu rộng như hiện nay, nhất là khi Việt Nam tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do thì hàng Việt lại phải đối diện với một cuộc cạnh tranh rộng lớn và gay gắt hơn bao giờ hết.

Vậy làm sao để hàng Việt luôn được tin dùng? Câu trả lời trước hết phải xuất phát từ các doanh nghiệp. Người dân có lựa chọn sử dụng hàng Việt hay không trước hết bắt đầu từ chất lượng, mẫu mã, giá cả sản phẩm cho đến các chính sách hậu mãi, chăm sóc khách hàng mà doanh nghiệp đó thực hiện. Các doanh nghiệp trong nước phải nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chính sản phẩm mà mình tạo ra. Cùng một sản phẩm nhưng nếu hàng trong nước có giá ngang bằng, chất lượng tương tự hàng nhập khẩu thì chắc chắn hàng Việt sẽ được lựa chọn. Công tác đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái cần được thực hiện nghiêm túc để bảo vệ uy tín của hàng hóa trong nước. Hàng Việt chất lượng kém cần được loại bỏ ra khỏi thị trường… Có như vậy thì người tiêu dùng luôn sẵn lòng ủng hộ hàng hóa do chính doanh nghiệp Việt sản xuất và phân phối. Khi đó, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chỉ có ý nghĩa khích lệ thêm, làm tăng niềm tự hào, tự tôn của người Việt.

HẢI MINH(TP Hải Dương)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để không phải vận động người dân dùng hàng Việt