Bi kịch không chỉ với Coco Lee, ở châu Á cũng có nhiều nghệ sĩ lựa chọn kết thúc cuộc đời khi đang trên đỉnh cao sự nghiệp, sau nhiều năm vật lộn với bệnh trầm cảm.
Coco Lee qua đời là mất mát lớn với nhiều người hâm mộ - Ảnh: Sina
Mới đây, thông tin nữ ca sĩ nổi tiếng Hong Kong Coco Lee tự tử ở nhà riêng và qua đời lúc 48 tuổi khiến người hâm mộ bàng hoàng.
Theo Yahoo!, những năm cuối đời, Coco Lee bị bệnh tật giày vò. Năm 2022, ngoài mắc ung thư vú, cô bị bệnh trầm cảm, bị tật ở chân, không thể đi lại.
Trước đó, biến cố hôn nhân khiến nữ ca sĩ suy sụp. Sau khi ly hôn chồng là doanh nhân Bruce Rockowitz, mối quan hệ giữa Coco Lee và con riêng của chồng cũng dần rạn nứt. Hai con riêng của Bruce tỏ ra lạnh nhạt với mẹ kế.
Có gì sau ánh hào quang?
Ngày 19.4, giới giải trí Hàn Quốc ngỡ ngàng khi hay tin nam ca sĩ Moonbin (ASTRO) được phát hiện đã qua đời tại nhà riêng ở quận Gangnam, Seoul.
Trước đó, nam thần tượng tiết lộ anh phải đối mặt với cuộc đấu tranh nội tâm và thừa nhận đã trải qua "thời kỳ khó khăn". Moonbin từng tạm ngừng hoạt động nghệ thuật từ năm 2019 vì vấn đề sức khỏe.
Sulli tự tử vì áp lực dư luận quá lớn - Ảnh: Soompi
Trong năm 2019, cả châu Á chấn động khi nữ thần tượng nổi tiếng Hàn Quốc Sulli treo cổ tự tử tại nhà riêng ở Seongnam, Gyeonggi.
Cái chết của cô được dự đoán đến từ áp lực quá lớn từ cộng đồng mạng.
Những tháng trước khi mất, cô liên tục bị khán giả chỉ trích vì diện mốt không nội y. Mối tình của cô và bạn trai cũ Choiza cũng bị phản đối do khoảng cách tuổi tác.
Tại Nhật Bản, cái chết của nam diễn viên Haruma Miura vào năm 2020 từng khiến cả làng giải trí cảm thấy sốc, bởi chỉ vài ngày trước đó, tài tử xác nhận tham gia dự án phim Okane no Krime ga Koi no Hajimari.
Giống như Coco Lee hay Sulli, nam diễn viên 30 tuổi đối mặt với chứng bệnh trầm cảm từ lâu. Hai năm trước ngày qua đời, anh bắt đầu uống rượu và xuất hiện trạng thái tinh thần bất ổn, thường tự chối bỏ chính mình.
Một trường hợp tự tử nổi tiếng vì trầm cảm khác là huyền thoại Hong Kong Trương Quốc Vinh. Năm 2003, nam diễn viên nhảy lầu tự tử khiến cả châu Á bàng hoàng.
Trong di thư Trương Quốc Vinh để lại có viết: "Depression (trầm cảm). Cảm ơn bạn bè, cảm ơn giáo sư Felice Lieh-Mak (bác sĩ tâm lý điều trị cho anh). Năm nay với tôi quá khó khăn, tôi đã chịu đựng hết sức rồi. Cả đời tôi chưa làm việc gì xấu, tại sao mọi thứ lại trở nên thế này?".
Trương Quốc Vinh đối diện căn bệnh trầm cảm nhiều năm trước khi nhảy lầu tự tử - Ảnh: Sina
Sự ra đi của những tên tuổi nổi tiếng kể trên cho thấy những mặt trái mà người nghệ sĩ phải chịu đựng đằng sau ánh hào quang sự nghiệp rực rỡ. Không phải ai cũng đủ can đảm, đủ may mắn và bản lĩnh để vượt qua nỗi ám ảnh luôn giày vò bên trong mình.
Nghệ sĩ càng nổi tiếng lại càng cô đơn
Chia sẻ về lý do những người nổi tiếng lại dễ mắc bệnh trầm cảm và dẫn đến kết thúc bi kịch, tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam (hiện công tác tại Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu ý kiến:
"Chúng ta thường có cái nhìn thiên kiến về những khía cạnh bề ngoài của những nghệ sĩ, đặc biệt là những nghệ sĩ nổi tiếng đang ở giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp.
Chúng ta cho rằng đó là cuộc sống đáng mơ ước vì chúng chỉ toàn màu hồng. Họ kiếm được rất nhiều tiền, được đi đến những nơi sang trọng, được ăn trên ngồi trước, được ứng xử đặc quyền đặc lợi. Nhưng chúng ta không nhìn thấy đằng sau sự nổi tiếng và thành công là áp lực công việc cực kỳ lớn".
Coco Lee có sự nghiệp rực rỡ nhưng cuộc sống thực tế lại nhuốm màu bi kịch - Ảnh: Sina
Những nghệ sĩ nổi tiếng có thể phải chịu đựng một lịch trình biểu diễn dày đặc, vắt kiệt cảm xúc và sự sáng tạo để làm hài lòng khán giả. Điều này dần bào mòn năng lực chịu đựng của nghệ sĩ, khiến họ bị mất ngủ, suy nhược, kiệt sức.
Nhưng dẫu có mệt mỏi kiệt sức như thế nào, bên ngoài họ vẫn phải đeo một cái mặt nạ xã hội với sự xinh đẹp, dễ thương và luôn tràn đầy năng lượng.
Càng nổi tiếng thì càng cô đơn. Mặc dù sự nổi tiếng dẫn đến sự quan tâm của người hâm mộ nhưng thường lại gây khó khăn trong việc thiết lập và duy trì những mối quan hệ tình cảm sâu sắc và chân thành. Đặc biệt trong các lĩnh vực có tính cạnh tranh cao như công nghiệp âm nhạc hay biểu diễn.
Tài tử Nhật Bản Haruma Miura tự kết thúc cuộc đời khi mới 30 tuổi - Ảnh: QQ
Còn theo nhà báo Thúy Nga (nhiều năm công tác tại Trung tâm Nghiên cứu và lưu trữ điện ảnh, thuộc Viện Phim Việt Nam), nghệ sĩ cũng là con người. Họ cũng có những vấn đề rắc rối, áp lực trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, những vấn đề của họ thường bị soi mói, làm quá lên, bị những antifan ác ý công kích.
"Nhiều nghệ sĩ không giữ được mình sẽ tìm đến những chất kích thích để giải tỏa căng thẳng. Tuy nhiên, nếu lạm dụng những chất kích thích này, chúng sẽ thúc đẩy vòng lặp kiệt sức và trầm cảm, khiến nghệ sĩ trở nên khủng hoảng hơn".
Theo Tuổi trẻ