TP Hải Dương là địa phương đầu tiên của tỉnh triển khai bốc thăm ngẫu nhiên để xác minh tài sản của cán bộ, công chức trong năm 2022.
Thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Bộ Tài chính đã tổ chức bốc thăm chọn cán bộ để xác minh tài sản, thu nhập năm 2022. Tiếp đến là Tổng cục Thuế, Đà Nẵng, Thanh tra Chính phủ...
Ở tỉnh nhà, TP Hải Dương là địa phương đầu tiên triển khai bốc thăm ngẫu nhiên để xác minh tài sản của cán bộ, công chức trong năm 2022. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hải Dương đã xác minh tài sản, thu nhập đối với 8 cán bộ ở 8 đơn vị. 7 người đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập cơ bản bảo đảm quy định; 1 trường hợp, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy quyết định chuyển sang kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và đã thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng năm 2022, Chính phủ cho biết cả nước có hơn 540.000 người kê khai tài sản, thu nhập được xác minh theo hướng dẫn bốc thăm chọn ngẫu nhiên. Năm 2022, có 19 người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Trong đó 10 người bị xử lý hình sự, cách chức 1 người, cảnh cáo 5 người, khiển trách 3 người, 7 trường hợp nộp lại quà cho đơn vị.
Tình hình trên cho thấy việc xác minh kê khai tài sản, thu nhập đối với cán bộ có chức quyền, nhất là những người đứng đầu phải được thực hiện nghiêm minh, nhằm ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực và cũng kịp thời xử lý những trường hợp tham nhũng mà do kê khai, xác minh tài sản phát hiện ra. Song, quá trình thực hiện nhiệm vụ này, có câu hỏi đặt ra: Sao cán bộ không tự nguyện kê khai để được xác minh mà cứ phải bốc thăm? Với tinh thần đảng viên, cán bộ chủ chốt có thể gương mẫu, tự nguyện kiểm tra, xem như xác tín sự trung thực, chứ đâu cần thụ động ngồi chờ bốc thăm may rủi gọi đến tên mình!
Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định phê duyệt và thực hiện kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm tối thiểu bằng 20% số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát của tỉnh, thành phố. Người cần xác minh được lựa chọn ngẫu nhiên và công khai bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính. Số người được lựa chọn ngẫu nhiên phải bảo đảm tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hằng năm tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đó có ít nhất 1 người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP, trước ngày 31.1 hằng năm, người đứng đầu cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phê duyệt nội dung về ban hành kế hoạch xác minh; Chánh Thanh tra tỉnh ban hành việc thực hiện xác minh hằng năm sau khi trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt nội dung. Kế hoạch phải bảo đảm 20% số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát. Riêng đối với các Bộ Công an, Quốc phòng, Ngoại giao phải bảo đảm tối thiểu 10%.
Như vậy, thời gian để lên kế hoạch, phê duyệt kế hoạch kê khai tài sản, thu nhập của các đối tượng được kê khai là rất gấp. Công việc cuối năm vừa tổng kết công tác năm cũ, triển khai công tác năm mới nhiều, gấp gáp. Song với tinh thần trách nhiệm cao, vượt khó vươn lên, kiểm điểm việc thực hiện Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ để từ đó đề ra những nhiệm vụ thời gian tới cần có kế hoạch, biện pháp cụ thể nhằm làm tốt việc kê khai, xác minh tài sản của cán bộ, góp phần tích cực vào việc đấu tranh phòng chống tham nhũng đạt kết quả cao.
HOÀNG VŨ (TP Hải Dương)