Góc nhìn

Bịt kẽ hở trong kê khai tài sản

TRUNG SƠN/Báo Tin tức 06/01/2024 15:31

Dư luận một lần nữa đặt dấu hỏi về tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người có chức, có quyền, xung quanh vụ án Hạc Thành Tower.

Chú thích ảnh
Ông Trịnh Văn Chiến, cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa

Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, sau khi bị khởi tố liên quan đến sai phạm tại dự án Hạc Thành Tower, cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng đã nộp 45 tỷ đồng (mỗi người 22,5 tỷ đồng) để khắc phục hậu quả sai phạm.

Việc hai cựu lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa nhanh chóng “khắc phục hậu quả” khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn trên các diễn đàn: “Tiền ở đâu mà nhiều thế?”, “Khi kê khai tài sản thì khiêm tốn, đụng chuyện thì nộp mấy chục tỷ khắc phục hậu quả”, “Lương công chức lấy đâu hàng chục tỷ để nộp? Tiền này có nguồn gốc từ đâu, đã được kê khai tài sản, thu nhập hàng năm chưa?”...

Đây không phải là những trường hợp cá biệt. Các vụ án lớn về tham nhũng, tiêu cực thời gian qua cũng đã làm “phát lộ” khối tài sản lớn của nhiều cán bộ lãnh đạo.

Trong vụ án chuyến bay giải cứu, nhiều bị cáo đã nộp hàng chục tỷ đồng để khắc phục hậu quả: Phạm Trung Kiên nộp 42 tỷ đồng, Vũ Anh Tuấn nộp hơn 20 tỷ đồng, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng nộp 16 tỷ đồng...

Mới đây nhất, cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng cũng nộp toàn bộ số tiền chiếm đoạt 18,8 tỷ đồng sau một thời gian dài quanh co chối tội.

Hay trong vụ án Công ty Việt Á, cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã khắc phục phần lớn số tiền nhận hối lộ hơn 51 tỷ đồng...

Do vậy, việc dư luận bức xúc và đặt dấu hỏi về nguồn gốc tài sản và sự không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập của một bộ phận người có chức, có quyền là điều có thể hiểu được.

Nói cách khác, công tác kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên vẫn còn những kẽ hở, đôi khi còn nặng về hình thức, cần thiết phải “chỉnh lại thước ngắm” để phát huy hiệu quả là một trong những biện pháp phát hiện, ngăn chặn và phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Trên thực tế, việc kê khai tài sản, thu nhập đã được quy định rõ trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 130/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Trong Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm cũng nêu “kê khai tài sản, thu nhập không trung thực” (Điều 9)...

Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ tại hội nghị về công tác kiểm soát tài sản, thu nhập cuối tháng 12/2023, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế theo dõi tình hình tại địa phương và Trung ương cho thấy công tác kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình kê khai hay quá trình kiểm tra, xác minh tài sản, thu nhập đối với các đối tượng kê khai.

Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, trong năm 2022, có 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.

Điển hình gần đây, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kết luận trường hợp ông Lê Đức Thọ (từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre nhiệm kỳ 2020 - 2025) “đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đúng quy định.

Vi phạm của ông Lê Đức Thọ mang tính hệ thống, kéo dài trong nhiều năm, đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận xấu, bức xúc, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, mất uy tín cá nhân”. Sau đó, tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định cách tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Đức Thọ - cùng mức chịu xử lý kỷ luật như ông Trịnh Văn Chiến.

“Dân giàu, nước mạnh” vốn là giá trị và mục tiêu phát triển của đất nước ta, do vậy, ở góc độ kinh tế, bất cứ ai cũng được quyền làm giàu chính đáng và tuân thủ các quy định của pháp luật. Như vậy, nếu giàu lên chính đáng thì tại sao phải mập mờ, né tránh, gian dối khi kê khai tài sản, thu nhập?

Kê khai tài sản, thu nhập ngoài mục đích là kiểm soát tài sản, thu nhập, đây còn được xem như là “cái gương” để người có chức vụ, quyền hạn tự soi, tự trung thực với chính bản thân mình, trung thực với tập thể đơn vị và rộng ra là trung thực với nhân dân

Kê khai tài sản, thu nhập đề cao tính tự giác của cá nhân, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, với những mặt còn hạn chế như vừa qua, công tác này cần thiết phải được thực hiện nghiêm túc hơn, gắn chặt với giám sát, kiểm tra và trách nhiệm giải trình.

Trách nhiệm ở đây không chỉ là trách nhiệm của người kê khai, mà còn là trách nhiệm của tổ chức, đơn vị tiếp nhận, giám sát, kiểm tra và công khai bản kê khai. Cần phải làm thực chất, tránh tình trạng qua loa, hình thức, hoặc nể nang, né tránh trong đánh giá, giám sát, kiểm tra và đối soát biến động thu nhập, nhất là những khoản thu nhập lớn. Những tài sản bất minh cần phải được làm rõ chân tướng.

Đặc biệt, cần xử lý nghiêm minh, đủ tính răn đe đối với những trường hợp không trung thực khi kê khai tài sản, thu nhập. Nếu đánh giá thấp mức độ vi phạm mà “giơ cao đánh khẽ” thì ắt tình trạng “trốn tránh” kê khai tài sản, thu nhập, che giấu tài sản bất minh sẽ còn tái diễn.

Không trung thực, che giấu tài sản, thu nhập chính là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nếu không ngăn chặn kịp thời thì dễ dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, biến chất, đổi màu.

Vì vậy, một mặt đề cao tính tự giác, trung thực của người kê khai, mặt khác cần tiếp tục hoàn thiện các quy định nhằm bịt những kẽ hở trong công tác kê khai tài sản, thu nhập chính là những biện pháp mấu chốt để đưa kê khai tài sản, thu nhập vào nề nếp và minh bạch, từ đó giúp củng cố niềm tin của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao uy tín của Đảng và cả hệ thống chính trị.

TRUNG SƠN/Báo Tin tức
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bịt kẽ hở trong kê khai tài sản