Làm tốt công tác quản lý, xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên sẽ góp phần quan trọng để phòng ngừa, xử lý vi phạm; không để lọt những cán bộ gian dối, bất minh có cơ hội giữ các chức vụ cao hơn.
Vừa qua, chủ trì phiên họp đầu tiên của Tiểu ban nhân sự Đại hội XIV của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định công tác chuẩn bị nhân sự là “vô cùng quan trọng”. Đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ rõ nhiều yêu cầu đối với nhân sự của Đảng, trong đó có nhấn mạnh không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV “những người kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, đất, tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính”.
Gần đây, không ít cán bộ giữ chức vụ cao khi bị xử lý kỷ luật, khởi tố mới lộ rõ hành vi gian dối và những khối tài sản lớn của bản thân, gia đình. Điển hình, trước khi bị bắt tạm giam cuối năm 2023 để điều tra về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi", đầu tháng 10/2023, ông Lê Đức Thọ khi đó là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre đã bị cách tất cả chức vụ trong Đảng do giải trình nguồn gốc tài sản không trung thực. Trong vụ án cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng Đỗ Hữu Ca bị bắt về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", trong quá trình khám xét nơi ở của bị can Đỗ Hữu Ca, cơ quan chức năng phát hiện trên 40 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng lượng lớn tiền, vàng, ngoại tệ, trang sức, sổ tiết kiệm... đứng tên vợ ông Ca và các cá nhân khác. Những vụ việc trên phần nào cho thấy các quy định trong quản lý, kiểm soát, xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ vẫn còn có những “lổ hổng” để những người không trung thực “luồn lách”.
Thực tế cũng chỉ ra công tác xác minh tài sản, thu nhập còn có những hạn chế nhất định. Công tác này thời gian qua chưa thực sự được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm nên qua xác minh vẫn nhiều trường hợp không nắm kỹ quy định, kê khai không đúng yêu cầu. Việc tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kê khai tài sản, thu nhập khó khăn do số lượng người phải thực hiện lớn. Hiện nay, thông tin về tài sản, thu nhập của cán bộ phụ thuộc chủ yếu vào ý thức tự giác của người kê khai. Việc xác minh chủ yếu mới dừng lại ở việc kê khai có đúng, có trung thực hay không, trong khi vấn đề lại ở chỗ xác minh nguồn gốc tài sản của cán bộ, nguồn gốc tài sản của những người thân trong gia đình…
Ở một địa phương trong tỉnh đã có trường hợp cán bộ kê khai tài sản là bất động sản giá trị lớn do mẹ đẻ cho. Tuy nhiên, thực tế mẹ của cán bộ này đã cao tuổi, chưa từng tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh hay có nguồn thu nhập ổn định.
Hiện nay, các cấp ủy, chính quyền đang triển khai thực hiện xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, người có nghĩa vụ kê khai. Cùng với việc đề xuất, kiến nghị hoàn thiện những quy định để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này, việc xác minh, kiểm soát, xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ rất cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của các cơ quan liên quan. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện kê khai và kiểm soát việc kê khai, công khai tài sản, thu nhập, đồng thời xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm...
Một trong những giải pháp quan trọng là cần phát huy vai trò đồng hành giám sát của các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội, cơ quan báo chí và người dân đối với việc kê khai tài sản và kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, nhất là những người đứng đầu, cán bộ chủ chốt.
HOÀNG LONG