Day dứt những dấu chân trở về

31/10/2021 14:53

Thời gian vừa qua, trên báo chí và các mạng xã hội đưa nhiều hình ảnh những đoàn người từ miền Nam về quê để tránh dịch Covid-19.

Dấu chân người tha hương

(Gửi những người đi bộ về quê)

Đêm qua gió tự chân trời
Mang theo tiếng khóc bời bời cố hương
Bước chân đau mọi ngả đường
Tha hương rồi lại tha hương kiếp người

Đêm qua mộng mị khóc cười
Nhân gian gặt một vụ Mười buồn đau
Người đi bóng đổ nát nhàu
Cơn mưa vùi xuống dưới màu cỏ quê

Đêm qua tiếng trẻ trong mê
Gọi tên cha mẹ đã về... cổ xưa
Bỗng trời đổ một cơn mưa
Con đò Tây Trúc cũng vừa sang sông

Và tôi thức đến rạng đông
Lòng như trẻ lạc mênh mông con đường
Dấu chân cầu thực tha hương
In trên cả bốn bức tường phòng tôi

Hà Đông, rạng sáng 9.10.2021

NGUYỄN QUANG THIỀU

Thời gian vừa qua, trên báo chí và các mạng xã hội đưa nhiều hình ảnh những đoàn người từ miền Nam về quê để tránh dịch Covid-19. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là người nhạy cảm và rất đồng cảm với thân phận con người. Mong muốn xoa dịu nỗi đau không chỉ bằng những hành động thiện nguyện mà với Nguyễn Quang Thiều, thơ cũng chính là động lực góp thêm năng lượng yêu thương giúp họ vượt qua những thử thách đời mình.

Với Dấu chân người tha hương, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chọn thể lục bát cân đối hài hòa với những chia sẻ ân tình đầy rung động. Ông chọn một tứ thơ giản dị mà ấn tượng đó là dấu chân của những người đi bộ về quê. Dấu chân choãi ra bấm xuống quãng đường dài trước mặt như bấm vào số phận của mình để trở về cố hương - một cuộc trở về bất đắc dĩ không ai mong muốn nhưng đành nuốt nước mắt ra đi với bao hoàn cảnh thương tâm.

Ta chú ý đến thời điểm nhà thơ viết bài thơ này là rạng sáng 9.10.2021, khoảng thời gian mà tác giả day dứt không ngủ được với những trăn trở của người cầm bút. Bắt đầu từ những cái trở mình qua các nhịp thơ mở đầu cho các khổ thơ: “Đêm qua gió tự chân trời” đến “Đêm qua mộng mị khóc cười” và “Đêm qua tiếng trẻ trong mê”. Từ xa đến gần, từ thực đến ảo mà ám ảnh nhất là tiếng khóc: “Mang theo tiếng khóc bời bời cố hương” của gió từ chân trời thổi lại. Có gì xô dạt nghiêng ngả của: “Bước chân đau mọi ngả đường/ Tha hương rồi lại tha hương kiếp người”. Hai chữ “tha hương” được láy lại như một trùng điệp vây bọc kéo dài ra mãi hình ảnh đoàn người trở về quê. Tôi thật ấn tượng xúc động với một nếm trải đau buồn: “Nhân gian gặt một vụ Mười buồn đau”. "Mười" đây cũng có nghĩa là tháng mười mà cũng là con số nhiều. Vụ "Mười" là vụ gặt nhiều ấm no để trang trải nhưng đây là vụ gặt buồn đau bởi: “Người đi bóng đổ nát nhàu/ Cơn mưa vùi xuống dưới màu cỏ quê”. Một nỗi buồn thấm đẫm với những “nhàu”, “vùi” và chính màu cỏ quê xanh êm mượt đó đã nhận lấy và nâng đỡ bước chân hành trình lao lực. Buồn, nhưng lại có gì ấm áp ân tình chở che. Đặc biệt nhói lòng khi tiếng trẻ trong đêm: “Gọi tên cha mẹ đã về… cổ xưa”, bởi đại dịch Covid-19 đã cướp bao sinh mạng và bao đứa trẻ bơ vơ mồ côi cha mẹ. Thiên nhiên cũng bất ngờ trĩu xuống: “Bỗng trời đổ một cơn mưa”. Trong màn mưa nặng hạt đó bỗng xuất hiện hình ảnh con đò Tây Trúc chở đạo hành hương qua chặng đường dài thiên lý vừa có gì cầu nguyện bình an vừa ước vọng mong muốn những điều tốt đẹp nhân ái xua đi những ám ảnh nghiệt ngã.

Khổ thơ cuối như một lời tự vấn, tự thú, tự thức: “Và tôi thức đến rạng đông/ Lòng như trẻ lại mênh mông con đường”, có chút bơ vơ nhưng lại sáng trong định vị từ cốt lõi cái tâm hướng thiện. Nhà thơ thật có lý khi tại thời điểm đó, hoàn cảnh đó, ông không chọn viết về đoàn người trở về quê tránh dịch bằng các phương tiện cơ giới hiện đại hơn như xe máy, tàu hỏa, máy bay mà chọn hành trình đi bộ, hành trình chậm từ từ trở lại mình. Nhịp thơ lục bát cuối khép lại nhưng đầy ám ảnh vây bủa bởi nhà thơ cũng là họa sĩ nên mới có 2 câu thơ xuất thần thảng thốt mà day dứt khôn nguôi: “Dấu chân cầu thực tha hương/ In trên cả bốn bức tường phòng tôi”. Hành trình đi bộ về quê không chỉ theo con đường rộng dài mà còn có chiều thứ ba dựng đứng trong tâm tưởng. Bức tường như tấm toan mà nhà thơ - họa sĩ Nguyễn Quang Thiều đã chấm phá lên đó những dấu chân, những câu hỏi nhân thế với mong muốn day dứt làm sao để không còn những Dấu chân tha hương như thế.  

NGUYỄN NGỌC PHÚ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Day dứt những dấu chân trở về