Lâu nay, là một phụ huynh, tôi không thể tránh được sự so đo, tính toán mỗi đầu năm học mới về việc mua sách giáo khoa cho con.
Tuần qua, tin ông Nguyễn Đức Thái, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bị bắt không làm cho nhiều người bất ngờ, bởi đây chỉ là vấn đề thời gian.
Lâu nay, là một phụ huynh, tôi không thể tránh được sự so đo, tính toán mỗi đầu năm học mới về việc mua sách giáo khoa (SGK) cho con. Tuy không thể so sánh với những quyển SGK quý giá mà giá cả bình dân như thời chúng tôi còn cắp sách đến trường, nhưng thật phi lý khi giá SGK những năm vừa qua không ngừng tăng cao.
Ảnh minh họa
Ba năm qua, câu chuyện về giá SGK mới cao gấp nhiều lần sách cũ đã từng là vấn đề gây tranh luận gay gắt mỗi đầu năm học. Đầu năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính đã đề nghị các đơn vị tham gia biên soạn, in ấn, phát hành phải kiểm soát chặt chẽ chi phí, xác định giá SGK bảo đảm nguyên tắc cân đối giữa lợi ích kinh tế doanh nghiệp và mục đích phục vụ xã hội. Bộ Giáo dục và Đào tạo còn kiến nghị giá sách mới không vượt mức sách cũ đã bán ra thị trường trong năm học 2019-2020. Tuy nhiên, với nhiều lý do được đại diện các nhà xuất bản khi đó đưa ra, giá SGK mới đã không thể bằng hoặc thấp hơn sách cũ. Ngoài ra, do thực hiện theo phương thức xã hội hóa, không được trợ cấp một phần như sách cũ, nên chi phí cũng được tính thêm vào giá bán sách.
Không đến mức quá khó khăn khi mua SGK cho con, nhưng sự so đo của tôi là vì cảm thấy ấm ức, thấy bất công bởi “màu” lợi ích đã làm hoen ố tới cả những trang SGK. Như nhiều phụ huynh khác, tôi cũng đã dần nhận ra bóng ma về tiêu cực trong đấu thầu đã phủ bóng tới lĩnh vực sản xuất SGK - nơi đáng lẽ phải mẫu mực, trong sạch nhất.
Đúng vậy, cùng với bộ sậu, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao "làm xiếc" với ngân sách nhà nước. Với những vi phạm nghiêm trọng trong chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức thực hiện sản xuất, kinh doanh, biên soạn, in ấn, kê khai, phát hành SGK mới, từ vị trí lãnh đạo đơn vị, ông Thái đã tự biến mình thành "thủ lĩnh băng nhóm" đạo chích ngân sách. Bằng hình thức tinh vi thông qua đấu thầu, “băng nhóm” này đã ăn chặn, móc túi nhiều gia đình, gồm cả những gia đình, học trò khó khăn, bắt buộc giáo viên, học sinh phải học tập, giảng dạy bằng những quyển sách ám nặng mùi tiền...
Đáng buồn và càng đáng lên án vì đây là hành vi phản giáo dục của một người làm công việc liên quan đến lĩnh vực trồng người.
Tại phiên họp thứ 20 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 15.2, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng trước đây trên cả nước áp dụng một bộ SGK do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam in ấn, phát hành. Từ năm 2020 đến nay, thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, hiện cả nước có 7 nhà xuất bản đủ điều kiện tham gia tổ chức biên soạn SGK.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Sơn cũng lý giải thời gian qua có một số bộ SGK mới có giá cao hơn so với bộ sách theo chương trình cũ với nhiều lý do chính như khổ sách, số cuốn sách, số màu in các cuốn sách trong bộ sách mới đều cao hơn.
Do đó, giá mua SGK không phải một sớm một chiều lại có thể trở về như trước đây. Nhưng giống như bao phụ huynh khác, chúng tôi có thể chấp nhận tốn kém nhưng không thể thoả hiệp, chấp nhận bất công, phi lý do tham ô, nhũng nhiễu. Liệu còn nơi nào, vụ việc khuất tất nào như Việt Á, đăng kiểm... chưa được phanh phui; còn những lĩnh vực nào, địa hạt nào đang bị chi phối, thao túng, ăn chia như việc làm SGK?
LINH AN