Đầu tư cho khoa học-công nghệ sao cho hiệu quả, tránh lãng phí

07/06/2023 18:30

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) cho biết nhiều địa phương đang lãng phí trong đầu tư phát triển cho khoa học-công nghệ.


Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) chất vấn sáng 7.6 (Ảnh Cổng thông tin điện tử Quốc hội) 

Ngày 7.6, chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) cho biết qua giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã chỉ ra sự lãng phí trong đầu tư phát triển cho khoa học-công nghệ tại bộ, ngành, nhất là các địa phương.

"Bên cạnh đó, do không có số liệu chi đầu tư phát triển nên không đánh giá được đạt hay không đạt số vốn ngân sách nhà nước phân bổ hằng năm có đúng quy định mức tối thiểu 2% theo Nghị quyết 20 và Luật Khoa học và công nghệ hay không? Đề nghị Bộ trưởng làm rõ hơn vấn đề này", đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn chất vấn.

Trả lời nội dung này về việc dành kinh phí cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã lấy ví dụ tổng chi thường xuyên cho khoa học và công nghệ năm 2023 là 12.000 tỷ. Trong đó, ngân sách Trung ương chiếm 8.800 tỷ, địa phương chiếm khoảng 3.200 tỷ. Trong số tiền 8.800 tỷ ngân sách Trung ương, chi hỗ trợ cho lương và hoạt động bộ máy khoảng 900 tỷ. Như vậy, tỷ lệ cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ chiếm 89%... 

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thì cho rằng có địa phương không bố trí vốn hoặc bố trí tỷ lệ rất thấp cho khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo. Giải trình về chi cho đầu tư khoa học- công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết trách niệm của Trung ương đã chi theo đúng quy định theo Nghị quyết của Quốc hội và Luật Đầu tư công, bố trí có trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến năm 2023, tỷ lệ chi giảm dần, chỉ đạt 1,1-1,18%, riêng năm 2023 là 0,83%. Trong khi đó, Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị quy định bảo đảm từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách cho khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng dần lên theo các năm. Điều này cho thấy, các bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa có đề án bảo đảm đúng nguyên tắc, tiêu chí bố trí vốn, có địa phương không bố trí vốn hoặc bố trí tỷ lệ rất thấp cho hoạt động này.

Trả lời tại nghị trường, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thời gian tới, Bộ Khoa học Công nghệ sẽ chủ trì, Bộ Tài chính sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành khác để sửa Nghị định 95, Thông tư 27 để phù hợp hơn, trên cơ sở lấy ý kiến của nhà khoa học, nhân dân để sửa các quy định của pháp luật để bảo đảm thông thoáng chủ động, căn cứ vào kết quả đầu ra của công việc để thực hiện chi hiệu quả. 

Về cơ chế quản lý khoa học công nghệ, Bộ trưởng cho rằng cần thiết kế hoàn thiện lại để phù hợp hơn, cụ thể là đối với nhà nước nên đặt hàng và thanh toán theo sản phẩm đặt hàng. Việc đặt hàng có thể thực hiện đấu thầu, định thầu. Qua đó, lập dự toán, căn cứ chọn những tổ chức nghiên cứu bảo đảm được sản phẩm đầu ra, giúp việc thanh toán được thuận lợi hơn. Cùng với đó, cần quy định việc chuyển giao, ứng dụng đề tài nghiên cứu vào thực tiễn để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

PHONG TUYẾT

(0) Bình luận
Đầu tư cho khoa học-công nghệ sao cho hiệu quả, tránh lãng phí