Đào tạo nghề - trao "cần câu" cho người nghèo

16/05/2022 14:30

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mong muốn thoát nghèo của nhiều hộ trở nên khó khăn. Để giảm nghèo bền vững thì đào tạo nghề, tạo sinh kế mới là việc làm cần thiết giúp người nghèo vươn lên.


Người nghèo cần được đào tạo những nghề mới, phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất hiện nay (ảnh minh họa)

Hơn 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 công tác giảm nghèo của Hải Dương gặp không ít khó khăn, thách thức. Để giảm nghèo bền vững thì đào tạo nghề, tạo sinh kế mới là việc làm cần thiết giúp người nghèo vươn lên. 

Có nghề, giảm nghèo mới bền

Nhớ lại quãng thời gian chật vật với 5 sào ruộng mà đói nghèo vẫn đeo bám, chị Phạm Thị Vân ở xã Hồng Phong (Ninh Giang) không nghĩ nhờ học nghề mới mà gia đình chị đã từ biệt được "danh hiệu" hộ nghèo và cuộc sống hôm nay khấm khá hơn. Chị Vân cho biết: "Nhờ được tham gia lớp học nghề may công nghiệp do huyện tổ chức cho người nghèo mà tôi đã xin được vào làm tại xưởng may của chị Nguyễn Thị Hái cùng quê. Chị Hái cũng nhờ được học nghề này mà đã mở được xưởng may, tạo việc làm cho người nghèo như chúng tôi. Muốn thoát nghèo thì phải có một cái nghề trong tay. Hiện nay mỗi tháng tôi có thu nhập ổn định từ 7 - 8 triệu đồng”. 

Chị Phạm Thị Vân và chị Nguyễn Thị Hái là những lao động ở nông thôn được hưởng lợi từ Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Hải Dương đến năm 2020” được thực hiện từ năm 2010-2020. Từ đề án này nhiều lao động khu vực nông thôn, trong đó có nhiều người nghèo tìm được nguồn sinh kế mới, thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, từ năm 2011-2020, toàn tỉnh có hơn 57.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề, trong đó có hơn 4.000 người thuộc hộ nghèo. Sau khi học nghề, hơn 88% số lao động đã có việc làm ổn định.

Theo ông Nguyễn Đức Thái, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), tăng năng lực sản xuất cho người nghèo là gốc rễ để giảm nghèo bền vững. Muốn vậy cần coi trọng phương châm "cho cần câu hơn cho con cá". Bên cạnh việc đầu tư hạ tầng, hỗ trợ vốn, kỹ thuật sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thì người nghèo cần được quan tâm nâng cao trình độ, chuyên môn kỹ thuật và tay nghề để họ có cơ hội tìm việc làm, tham gia vào quá trình tăng trưởng kinh tế và hưởng lợi trực tiếp từ nghề được đào tạo. 

Kết quả điều ra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 của tỉnh cho thấy một trong những nguyên nhân dẫn tới các hộ khó thoát nghèo là do thiếu kiến thức và không có kỹ năng lao động sản xuất. Năm 2021, toàn tỉnh có hơn 1.700 người không có kiến thức về sản xuất và gần 2.000 người không có kỹ năng năng lao động sản xuất dẫn tới không thể thoát nghèo. Do đó, việc đào tạo, nâng cao tay nghề để người lao động có việc làm, thu nhập ổn định từ đó thoát nghèo rất quan trọng. 


Người nghèo ở nông thôn cần được quan tâm hướng dẫn, đào tạo các kỹ thuật sản xuất liên quan đến nông nghiệp công nghệ cao (ảnh minh họa)

Cần thay đổi

Dịch Covid-19 đã tạo ra những thách thức không nhỏ đối với công tác giảm nghèo của tỉnh. Trong khi đó, Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Hải Dương đến năm 2020” đã kết thúc và đến nay chưa có đề án mới để các địa phương triển khai tiếp. Sau dịch bệnh, việc cần làm ngay hiện nay là mở các lớp đào tạo nghề cho người lao động, trong đó cần quan tâm đến dạy nghề cho người nghèo. “Sức khỏe” của các doanh nghiệp trong tỉnh đang dần phục hồi, nhu cầu tuyển dụng lao động tương đối lớn. Nếu người nghèo có nghề sẽ dễ dàng tìm được công việc ổn định, thu nhập tốt, từ đó giúp công tác giảm nghèo của các địa phương thực hiện dễ dàng hơn.

Theo ông Nguyễn Đức Thái, để chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho người nghèo thực sự hiệu quả trong giai đoạn hiện nay cần phải thay đổi để phù hợp với thực tế, không thể đem nội dung đào tạo cũ áp dụng cho người học mới trong khi nhu cầu việc làm hiện nay đã khác rất nhiều so với trước. Có thể thấy chủ trương của tỉnh là tập trung thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao vào đầu tư thì thời gian tới việc đào tạo lao động cũng phải gắn với sự thay đổi này. Các cơ sở dạy nghề hay chương trình hỗ trợ đào tạo lao động không thể cứ chăm chăm vào việc đào tạo nghề cũ mà cần hướng vào ngành nghề tỉnh đang có xu hướng thu hút… "Đào tạo nghề lĩnh vực nông nghiệp cũng cần phải gắn với nông nghiệp công nghệ cao như kỹ thuật canh tác trong nhà màng, nhà lưới, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP. Có như vậy người lao động, nhất là người nghèo mới có cơ hội việc làm tốt, phù hợp với yêu cầu thực tế”, ông Thái nói. 

Chỉ thị 05-CT/TW ngày 23.6.2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030 đã nêu rõ các địa phương, bộ, ban ngành liên quan cần có chính sách động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Thực hiện chỉ đạo này, Hải Dương đang triển khai nhiều chính sách giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu, tăng dần khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân. Cùng với đó, tỉnh cũng đang đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo trong đó có sự quan tâm đặc biệt về công tác đào tạo nghề cho người nghèo.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2021-2030”. Trong đó đặt mục đào tạo nghề cho hơn 40.000 lao động nông thôn, ưu tiên đào tạo nghề cho hơn 900 người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, người bị thu hồi đất canh tác…

HẢI MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đào tạo nghề - trao "cần câu" cho người nghèo