Dạy văn hoá cho học sinh trong các cơ sở đào tạo nghề còn nhiều bất cập

28/10/2022 16:40

Nêu ý kiến trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng việc dạy văn hoá cho học sinh trong các cơ sở đào tạo nghề vẫn còn nhiều bất cập.


Bà Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương (ảnh do đại biểu cung cấp)

Qua nghiên cứu báo cáo của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhận thấy nhu cầu về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) ngày càng tăng. Số cơ sở GDNN tự chủ hoàn toàn ít, đa số tự chủ một phần kinh phí chi thường xuyên, phần còn lại do nguồn kinh phí từ ngân sách trung ương cấp. 

"Bên cạnh đó, quan điểm tiếp cận của nhiều cơ quan quản lý Nhà nước về tự chủ đối với cơ sở GDNN chưa đầy đủ, thống nhất, chủ yếu dựa trên năng lực tự bảo đảm kinh phí mà chưa tính đến chuyên môn đào tạo, tổ chức, nhân sự. Nhiều cơ sở GDNN lúng túng trong tự chủ khi cơ chế chưa rõ ràng và việc thu hút các nguồn lực của xã hội để đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo còn nhiều vướng mắc, bất cập. Trong khi đó, tình trạng tuyển sinh khó khăn dẫn đến quy mô đào tạo nhỏ, mức học phí học nghề thấp, kinh phí cấp từ ngân sách Nhà nước bị cắt giảm", đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa nêu vấn đề.  

Vẫn theo đại biểu Mai Thoa, về dạy văn hoá trong các trường nghề, các cơ sở GDNN đều áp dụng mô hình vừa dạy nghề, vừa dạy văn hoá để thu hút người học. Thực tiễn, việc dạy văn hoá cho học sinh trong các cơ sở đào tạo nghề vẫn còn nhiều bất cập. Đến nay, sau 8 năm Luật GDNN được ban hành nhưng quy định cụ thể về khối lượng kiến thức văn hoá THPT dành cho học sinh trong các cơ sở GDNN chưa được ban hành. Các cơ sở GDNN đang tạm áp dụng Thông tư số 16 được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2010 nhưng văn bản này đã hết hiệu lực từ năm 2019. Mô hình dạy văn hoá trong các cơ sở GDNN chưa thống nhất giữa các địa phương gây khó khăn cho người học. 

Ngoài các Trung tâm GDNN, giáo dục thường xuyên ở cấp huyện được sáp nhập theo hướng dẫn và theo chủ trương về tinh giản bộ máy thì các hoạt động liên kết đào tạo giữa các trường cao đẳng, trung cấp nghề với các Trung tâm GDNN, giáo dục thường xuyên được phản ánh là rất bất cập, dẫn đến tình trạng liên kết hình thức. Bên cạnh đó, sự phối hợp trong quản lý hệ thống còn chưa chặt chẽ, chồng chéo về thẩm quyền giữa cơ quan quản lý nhà nước về GDNN, nhất là đối với ngành nghề, lĩnh vực đặc thù và các Trung tâm GDNN, giáo dục thường xuyên cấp huyện.

Trước thực trạng trên, đại biểu Mai Thoa kiến nghị sớm tổng kết việc thí điểm tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDNN, từng bước rút kinh nghiệm để điều chỉnh chính sách phù hợp và mở rộng trong toàn hệ thống. Quyền tự chủ đi đôi với trách nhiệm giải trình, đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở GDNN công lập. Sớm ban hành quy định về khối lượng kiến thức văn hoá THPT dành cho học sinh trong các cơ sở GDNN; kiện toàn, sắp xếp lại hệ thống quản lý nhà nước về GDNN từ Trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả, thống nhất.  

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dạy văn hoá cho học sinh trong các cơ sở đào tạo nghề còn nhiều bất cập
    ss