Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Tôi sẵn sàng bị các nhà Kiều học ném đá

07/10/2017 15:03

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh đang gấp rút chuẩn bị cho dự án phim truyền hình về Thúy Kiều. Đây là tâm nguyện lúc sinh thời của cha ông, nhà thơ Lưu Trọng Lư.

"Đừng bao giờ nghĩ tôi đại diện cho dân tộc nên tôi làm phim Kiều. Tôi chỉ là một cá nhân làm đề tài tôi yêu thích, có thể hay, có thể dở", đạo diễn Lưu Trọng Ninh chia sẻ về dự án mới của ông.

Lưu Trọng Ninh cho biết: "Nếu các nước có tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du, có lẽ đã có hàng chục đạo diễn làm phim về Kiều rồi.

Nền điện ảnh nước mình ‘âm tính’ nên đến tận bây giờ chưa có ai làm về Kiều. Nếu tôi làm cũng là bình thường. Tôi làm vì tôi thích, nghĩ vậy cho đơn giản".

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Tôi sẵn sàng bị các nhà Kiều học ném đá’ - Ảnh 1.

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh trong buổi ra mắt phim "Hoa cỏ may" tại Hà Nội - Ảnh: TVAd

* Anh nói anh đang cần người trẻ chung tay làm Kiều. Cụ thể là thế nào?

- Sức trẻ quan trọng lắm, cái gì cũng cần trẻ. Trẻ là sự sáng tạo, là cái mới, là thanh xuân, năng lượng. Tôi cần ê-kíp trẻ, vì dự định làm một phim truyền hình và một phim điện ảnh về Kiều.

Hai phim sẽ chỉ chung bối cảnh, nhưng câu chuyện và dàn diễn viên khác nhau. Vì vậy tôi cần 2 đạo diễn trẻ làm trợ lý.

* Tiến độ của bộ phim truyền hình tới đâu rồi, thưa ông?

- Kịch bản do tôi viết đã hoàn thành. Sẽ phải chuẩn bị mất 8 tháng từ bối cảnh, phục trang. Tôi đã tìm được nhà đầu tư, tháng 6.2018 sẽ quay, hi vọng đến cuối năm 2018 hoàn thành.

* Công chúng có thể kì vọng đây là một bom tấn truyền hình không?

- Khi làm tôi không nghĩ bom tấn hay không phải là bom tấn. Đây là ước mơ của cá nhân tôi, nên tôi đầu tư toàn bộ trí lực.

Lúc làm mình cũng phải cân đong đo đếm nhiều, sao cho khán giả vẫn cảm thấy thỏa mãn về mặt thị giác, nhưng vẫn bảo đảm tiết kiệt, giản dị. Làm nhiều tiền quá thì khó thu hồi vốn.

* Với một kịch bản cổ trang, lại là Kiều nữa, chắc sẽ khó lòng giản dị?

- Kiều chỉ là câu chuyện hàng thôn, hàng huyện, chứ đâu phải câu chuyện hàng tỉnh, chuyện kinh thành đâu. Chỉ cần bối cảnh làng quê, thị trấn, kể cả lầu xanh cũng đơn giản.

* Khâu chuẩn bị diễn viên của ông thì sao?

- Tôi chưa tìm thấy hình bóng Kiều trong một diễn viên nào tôi đã từng biết mặt. Sẽ rất khó tìm, sau khi tìm thấy cũng phải tập luyện nhiều.

Kể cả diễn viên đóng quần chúng, tôi quyết định không dùng dân thành phố, vì người thành phố mặt khôn quá.

Tôi đang cho người đi về các làng quê tìm những người có gương mặt người ngày xưa, có thần thái, năng lượng gần với trời đất.

* Có thể hình dung Kiều thuộc về không gian, thời gian nào?

- Bộ phim sẽ không thuộc vào một thời kì, một quốc gia nào cụ thể, để tránh đi những băn khoăn của khán giả câu chuyện thuộc về Trung Quốc hay Việt Nam.

Ban đầu tôi định làm phim này với VTV. Sau nhiều tranh luận, ban biên tập muốn tôi làm gần gũi với Đoạn trường tân thanh, để tránh bị các nhà Kiều học"ném đá". Cuối cùng do không thống nhất quan điểm, tôi đã tìm nhà đầu tư bên ngoài.

Tôi tự dự đoán trước khi bắt đầu câu chuyện này, tôi sẽ có "chiến tranh" với các nhà Kiều học. Nhưng nếu thỏa mãn các nhà Kiều học, bộ phim không nên ra mắt.

Cá nhân tôi tự thấy bộ phim không thể vươn tới tầm của những câu thơ đẹp của Nguyễn Du. Còn nếu đi theo Đoạn trường tân thanh thì cũng chỉ là một câu chuyện xảy ra ở Trung Quốc, nên tôi phải đi tìm lối thoát khác.

Nếu Kiều ra mắt sẽ là một sự kiện, vì ai cũng sẽ soi xem Kiều trên màn ảnh sẽ thế nào. Làm bộ phim này đúng là sự thách đố. Thế cũng hay.

* Có thể coi Kiều của ông là một cải biên Kiều của Nguyễn Du. Đã là cải biên, ông được mặc sức sáng tạo. Ông sẽ nhìn truyện cũ theo cách mới thế nào?

- Quan trọng là mình làm vẫn có Nguyễn Du trong đó. Ông Nguyễn Du thời phong kiến phải lấy câu chuyện xứ khác để nói chuyện xứ mình. Mình ngày hôm nay cũng lấy xưa để nói nay. Tác phẩm điện ảnh không nói về ngày nay thì vô nghĩa.

Vì thế tôi cũng phải thay đổi quan niệm toàn bộ các nhân vật. Sở Khanh, Mã Giám Sinh phải rất đẹp thì Kiều mới yêu. Chỉ có điều đến lúc quan trọng, họ bỏ chạy. Kiều tài sắc như thế mà để Sở Khanh lừa vì lý do đơn giản thì đâu có gì hay ho.

Thúc Sinh thực ra là mối tình đẹp của Kiều. "Vầng trăng ai xẻ làm đôi, nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường". Nhưng vì hắn muốn vươn lên trong xã hội, đành phải lấy Hoạn Thư, nhưng cuối cùng phải đầu hàng, hắn là một trí thức kiểu mới.

Còn Kiều phải là Scarlett (Cuốn theo chiều gió - PV), khi Rhett Butler bỏ đi, nàng cầm hòn đất trên tay nói có đất là có tất cả. Chứ cứ suốt ngày "đau đớn thay phận đàn bà" thì chán lắm.

Nên trong câu chuyện của tôi mở đầu là cuộc thách đố của Đạm Tiên và Kiều. Kiều đến nấm mộ vô chủ thắp nhang, Đạm Tiên hiện lên nói "Đau đớn thay phận đàn bà". Kiều bảo cô ấy không tin như vậy.

Mỗi lần Kiều chiến thắng số phận thì Đạm Tiên lại bị lún xuống, và cuối cùng người ta biết Kiều sẽ chiến thắng. Cách nhìn như vậy mới thú vị, chứ cứ trần xì ra như Đoạn trường tân thanh thì chẳng nghĩa lý gì, không bõ công làm.

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Tôi sẵn sàng bị các nhà Kiều học ném đá’ - Ảnh 2.

Lưu Trọng Ninh muốn tìm một lối đi khác cho bộ phim về nàng Thúy Kiều - Ảnh: TVad

* Nguyễn Du có xuất hiện trong bộ phim không thưa ông?

- Có thể xuất hiện bằng một cái phông ảo nào đó. Mỗi tập đều gắn với một câu thơ rất hay, có hồn vía nguyễn Du.

Câu chuyện Kiều tôi làm là câu chuyện của lầu xanh, số phận của các kĩ nữ. Để Việt hóa được câu chuyện Kiều, phải đi ra ngoài nhân vật Kiều, nhìn qua các nhân vật khác.

* Ông sẽ giữ lại những gì từ văn bản của Nguyễn Du?

- Là hồn của Nguyễn Du, là tấm lòng yêu thương con người, thấm nỗi đau nhân gian của ông. Nhưng bộ phim sẽ mạnh mẽ, không dựa vào nước mắt mấy đâu, và có cả yếu tố hài hước.

* Có thể hình dung bối cảnh và phục trang của phim thế nào?

- Bối cảnh tôi chọn là từ trong Hà Tiên trở ra. Trang phục giản dị. Tôi không thích những trang phục kim tuyến.

* Ông còn làm trưởng thôn ở làng Vượt không? Ông có thể chia sẻ thêm về ngôi làng này không?

- Làng quê Việt Nam đã mất hoàn toàn, nên tôi muốn làm lại làng cả về hình thức lẫn cốt cách.

Đó là một nơi cách Hà Nội 70km, đất rộng 20ha, có hồ rộng 80ha, có núi. Tôi đã dựng ở đây được khoảng 20 nóc nhà.

Suốt 3 năm nay, tôi xây dựng thành một làng mô phỏng làng quê Việt Nam truyền thống.

Tôi đang tuyển người đến ở với điều kiện họ sống không hóa chất, đánh răng bằng kem thực dưỡng, không dùng nilon, không chửi bậy, đánh nhau…

Tôi đã tuyển được và cũng đã đuổi một số. Khó tìm người lắm. Hiện tôi sống với một vài nông dân và một số người thiền, muốn trốn tránh cuộc sống hiện đại.

* Vì sao ông lập làng?

- Bởi vì tôi tính đường rút cho mình mà. Sau này tôi sẽ về đây sống với mọi người.

Tôi thấy xã hội bây giờ, sự vươn lên kém quá, nên tôi muốn truyền sự chiến thắng hoàn cảnh. Tôi không đóng góp gì nhiều cho điện ảnh thì tìm cách đóng góp khác.

* Ngôi làng này có điện ảnh không thưa ông?

- Nếu cho chụp ảnh cưới sẽ kiếm được nhiều tiền, nhưng tôi không muốn. Trên đường làng tôi là âm nhạc. Ở đây không có truyền hình. Bây giờ mới xây dựng được một nửa.

* Bao giờ Lưu Trọng Ninh rút khỏi điện ảnh và truyền hình?

- Chết!

NGỌC DIỆP (Tuổi trẻ)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Tôi sẵn sàng bị các nhà Kiều học ném đá