Đánh giá các nền tảng số tại Việt Nam

06/05/2022 13:16

Với dân số khoảng 100 triệu người, trong đó trên 75 triệu người sử dụng internet, Việt Nam nằm trong nhóm 15 quốc gia “lớn nhất” trên không gian mạng.

Dưới đây là đánh giá về các nền tảng số của Việt Nam trong một số lĩnh vực.

Phục vụ liên lạc

Hằng tháng, Zalo có trung bình khoảng 74,7 triệu người sử dụng, Mocha có khoảng 4,6 triệu người sử dụng. Zalo hướng tới siêu ứng dụng phục vụ toàn dân, đẩy mạnh tham gia dịch vụ công trực tuyến. Mocha chủ yếu chỉ nhắm tới khách hàng giới trẻ, vừa dùng liên lạc vừa giải trí.

Thời gian mỗi người sử dụng Zalo trung bình hằng ngày tương đối cao (~28 phút) so với Messenger (~20 phút), Facebook (~30 phút). Đặc biệt, trong top 5 ứng dụng liên lạc, tổng lượng dữ liệu trung bình mỗi người dùng Việt Nam tạo ra, trao đổi hằng tháng với nhau trên Zalo và Mocha xấp xỉ 591 MB (~ 58,84% toàn thị trường), nhiều hơn 1,43 lần so với tổng lượng dữ liệu trao đổi trên 3 nền tảng nước ngoài phổ biến ở Việt Nam (tổng Messenger, Viber và Telegram là 413,3 MB, chiếm 41,16%).

Phục vụ đi lại

Ứng dụng gọi xe cá nhân Be có trung bình khoảng 3,65 triệu người sử dụng hằng tháng, ổn định vị trí thứ 2 trên thị trường ứng dụng gọi xe ở Việt Nam, chỉ xếp sau Grab.

Ứng dụng gọi xe khách An vui và Vé xe rẻ có lượng người sử dụng suy giảm mạnh do tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, thị trường ứng dụng vé xe khách hiện vẫn là thị trường dành riêng cho các nền tảng số Việt Nam, chưa có sự hiện diện của nền tảng số nước ngoài.

Phục vụ giao hàng

Viettel Post có trung bình 3,5 triệu người sử dụng hằng tháng, đứng đầu thị trường ứng dụng phục vụ giao hàng tại Việt Nam. My Vietnam Post có trung bình khoảng 2,6 triệu người sử dụng hằng tháng.

Phục vụ mua sắm

Hết quý I.2022, tổng số hộ sản xuất nông nghiệp đã được tạo tài khoản trên Postmart, Vỏ Sò đạt gần 5,4 triệu hộ, trong đó số tài khoản đủ điều kiện tham gia giao dịch trên sàn thương mại điện tử là 1,2 triệu tài khoản (chiếm 21,5%). Tổng số giao dịch trên 2 sàn trong quý I.2022 đạt 109.670 giao dịch, tổng giá trị ước đạt 7 tỷ đồng.

Phục vụ học tập

3 nền tảng số Việt Nam phục vụ các cơ sở giáo dục là VNEdu (VNPT), K12Online (Viettel) và MobiEdu (MobiFone) đều có số lượng người sử dụng hằng tháng nhỏ hơn 1 triệu. MobiEdu tuy số lượng người sử dụng ít nhất trong 3 nền tảng, nhưng lại có tổng thời gian sử dụng trung bình của mỗi người dùng trong một ngày cao nhất, khoảng 1 giờ 20 phút.

3 nền tảng số Việt Nam phục vụ học sinh có thể trực tiếp lên học trực tuyến các môn học hoặc làm bài tập lần lượt là Azota có số lượng truy cập hằng tháng vào khoảng 25,6 triệu lượt, Học mãi khoảng 2,9 triệu lượt và Ôn luyện khoảng 470.000 lượt.

Phục vụ thanh toán số

Số lượng người sử dụng hằng tháng ứng dụng tài chính số của Vietcombank là 12,2 triệu; MB là 7,82 triệu; BIDV là 7,62 triệu; VietinBank là 5,46 triệu và Agribank là 4,86 triệu.

Cuối tháng 11.2021, các doanh nghiệp viễn thông (Viettel, VNPT, MobiFone) đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money. Sau 3 tháng triển khai thí điểm đã có hơn 835.000 khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ.

SONG TƯỜNG (tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đánh giá các nền tảng số tại Việt Nam