Mỗi trang viết là sản phẩm của trí tuệ, sức lao động, lòng yêu nghề của người làm báo (nhà báo và cộng tác viên) được kết tinh lại.
Đằng sau mỗi trang viết chứa đựng sự đam mê, miệt mài bền bỉ của người cầm bút với cả sự dấn thân, hy sinh thầm lặng mà nghề báo đòi hỏi. Đặc trưng của báo là tính thời sự, thông tin nhanh, kịp thời, chính xác, chân thực được thể hiện thông qua trang viết. Khác với văn học, những điều được phản ánh lên báo không được hư cấu, tưởng tượng bịa ra. Để phản ánh đúng sự thật, không gì khác, người viết phải đi sâu, đi sát cơ sở, lăn lộn với cơ sở với một thái độ thật sự cầu thị, trước hết là để học hỏi nhân dân, hiểu nhân dân, nắm bắt được tâm tư, tình cảm, hoạt động của nhân dân thông qua các phong trào thi đua lao động sản xuất, công tác, học tập...
Để có được những trang viết, ngoài lòng yêu nghề, nhiệt tình với công việc, người viết phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện cùng với phong trào, với cuộc sống, dấn thân vào những môi trường khó khăn, thử thách, qua đó tôi luyện cho ngòi bút có chất "thép" ở trong. Đằng sau trang viết ấy là niềm vinh quang, sự trăn trở nghĩ suy, khổ luyện, đòi hỏi cái tâm, cái tầm, cách nhìn nhận, lựa chọn sự việc.
Thông tin báo chí truyền thông hiện nay phát triển mạnh, đa dạng. Bên cạnh mặt tích cực của báo chí, mảng tiêu cực, nhất là mạng xã hội cũng xuất hiện những bài viết, tin xấu, phản cảm đi ngược lại xu hướng tiến bộ của báo chí.
Báo chí ngoài việc phản ánh còn mang tính phát hiện, định hướng. Để có được một bài báo có chất lượng đòi hỏi người cầm bút phải lao động miệt mài từ khi lập đề cương bài viết đến việc đi cơ sở nắm tình hình, lấy tư liệu, gặp gỡ nhân vật... Trong giờ hành chính bận tác nghiệp ở cơ sở; tối về, sau những việc lặt vặt ở gia đình, quãng 9 giờ tối mới ngồi vào bàn cặm cụi viết. Hiện thực, sự việc, con người ở những nơi đến cứ hiện dần lên theo từng con chữ. Viết, đọc đi đọc lại, xóa rồi lại viết, đến khi cho là được mới tạm yên tâm thì đã quá nửa đêm. Nằm ngủ, nhưng những con chữ vừa viết xong vẫn chập chờn trong đầu, lại nghĩ ngợi, cân nhắc... Rồi bản thảo cũng được gửi đến tòa soạn. Lại hồi hộp, chờ đợi đến khi báo ra, xem bài mình viết có được đăng không? Tòa soạn có sửa chữa gì? Sửa chữa ý gì, câu chữ nào để còn so với bản thảo gốc, kịp thời rút kinh nghiệm cho những bài viết sau. Bài phê bình, thậm chí cả khen cũng hồi hộp chờ phản ứng từ cơ sở...
Mỗi ngày báo ra là một sự đợi chờ, là niềm vui của những người làm báo, cộng tác viên, bạn đọc đón nhận những thông tin mới nhất đăng tải trên báo với niềm tin yêu trọn vẹn gửi vào báo Hải Dương đằng sau mỗi trang viết.
VŨ HOÀNG LUYẾN
(Nguyên phóng viên Báo Hải Dương)