Tác giả - Tác phẩm

Hồi ký của nhà báo Trần Mai Hưởng: Sứ mệnh tự hào của người làm báo

Theo báo Tin tức 04/12/2023 14:37

Nhà báo Trần Mai Hưởng - nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam vừa ra mắt Hồi ký “Phóng viên chiến trường - Trên những nẻo đường chiến tranh và hòa bình”.

Cuốn hồi ký không chỉ kể về cuộc đời làm báo của ông mà còn là tư liệu báo chí, tư liệu về lịch sử; góp phần làm nên sứ mệnh tự hào của người làm báo.

Chú thích ảnh

Nhà báo Trần Mai Hưởng đã dành cả cuộc đời gắn bó với sự nghiệp làm báo ở Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). Ông cũng là người yêu văn thơ, có duyên với văn thơ nên đã xuất bản nhiều cuốn sách gồm cả truyện ngắn, thơ, truyện ký, bút ký.

Kể từ cuốn sách đầu tiên xuất bản năm 1978 là tập truyện ngắn in chung “Chị tham mưu trưởng” (Nxb Phụ nữ); các cuốn sách tiếp theo lần lượt ra mắt bạn đọc như: Phụ nữ Campuchia (Tập truyện ngắn, in chung, Nxb Phụ nữ 1983); Quê Nam (Truyện ký, Nxb Phụ nữ, 1986); Năm tháng xa xanh (Bút ký, Nxb Thông tấn, 2013), Lời người bán rong (Tập thơ, Nxb Hội Nhà văn, 2017); Tuổi heo may (Tập thơ, Nxb Hội Nhà văn, 2019).

Đặc biệt, trong năm 2023, sau khi xuất bản tập thơ “Trên đỉnh Ngọa Vân” (Nxb Hội Nhà văn), ông tiếp tục ra mắt Hồi ký “Phóng viên chiến trường - Trên những nẻo đường chiến tranh và hòa bình” (Nhà xuất bản Thông tấn). Bằng những gì chắt lọc nhất, nhà báo Trần Mai Hưởng đã thể hiện trong cuốn sách trên 450 trang chặng đường dài cuộc đời mình, nhất là sự nghiệp làm báo trong cả những năm tháng chiến tranh và khi đất nước đã hòa bình, tạo thành “một cuốn phim quay chậm qua những tháng năm, với nhiều sự kiện, nhiều gương mặt và hoàn cảnh đã sống”. Ở đó, ông đã có nhiều trải nghiệm, được chứng kiến nhiều sự kiện lớn trong lịch sử đất nước.

Trong lời giới thiệu cuốn sách, nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng khẳng định: “Nhà báo Trần Mai Hưởng đã cùng đông đảo các đồng nghiệp thuộc thế hệ mình ở TTXVN - Thông tấn xã giải phóng (TTXGP) đi qua những giai đoạn khó khăn ác liệt nhất của chiến tranh, trên khắp các chiến trường, thực hiện thiên chức của những người “chép sử bằng máu mình trong lửa đạn”… “Hồi ký - tự truyện là một thể loại khó, và dường như chỉ dành cho những cuộc đời giàu trải nghiệm”…

Chú thích ảnh
Nhà báo Xuân Lâm (phải) và nhà báo Trần Mai Hưởng trên đường hành quân trong chiến dịch Quảng Trị, năm 1972

Cuộc đời nhà báo Trần Mai Hưởng là một cuộc đời giàu trải nghiệm. Hoàn cảnh lịch sử buộc người chiến sĩ cầm bút - nhà báo - phải lên đường ra trận, trở thành phóng viên chiến trường. Cũng người phóng viên ấy, khi đất nước hòa bình, vẫn tiếp tục gắn bó mật thiết với nghề báo, bằng sự nỗ lực của bản thân, ông đã trở thành người lãnh đạo cao nhất của TTXVN - Tổng giám đốc của cơ quan thông tấn quốc gia. Và khi đã trọn vẹn với nghề, lúc về hưu, ông lại cùng với những đồng nghiệp lên đường tới mọi miền của Tổ quốc, để thêm những lần thấy đất nước rộng dài, tuyệt đẹp. Hơn cả, là được gặp gỡ với những con người từng là nhân chứng lịch sử hoặc là thân nhân của họ, viết tiếp câu chuyện về sau.

Đó là những trải nghiệm tuyệt vời mà không phải nhà báo nào cũng có được. Nếu bạn đọc bắt đầu với cuốn hồi ký, sẽ thấy trải nghiệm đầu tiên, bắt đầu từ hình ảnh cậu bé Trần Mai Hưởng mới 13 tuổi rời thị xã ở Hải Dương đi sơ tán cùng em gái khi máy bay Mỹ ném bom ra miền Bắc. Khi ấy, ông đã sớm dự cảm “một sự thay đổi lớn” về “những ngày thanh bình sẽ không còn”. Sau đó, là bước ngoặt, cơ duyên đưa chàng trai 16 tuổi Trần Mai Hưởng đến với nghề báo ở TTXVN với những trải nghiệm thực sự trên chiến trường.

Những ngày hè đỏ lửa ở mặt trận Quảng Trị năm 1972 đã để lại ấn tượng đặc biệt trong ông: “Mặt sông loang loáng ánh chiều tà, in hình cây cầu Hiền Lương xiêu vẹo và chơ vơ giữa dòng. Trong lòng cây cầu ấy có một vết sơn trắng hằn ngang. Đấy là ranh giới mỏng manh phân chia hai miền đất nước chúng ta, mà để xóa đi lằn ranh ấy, máu hàng triệu người đã đổ”. Bài báo đầu tiên viết trên đất Quảng Trị là “Lá thư từ một khu tập trung” mang tên ông với tư cách là một phóng viên TTXGP đã để lại “một cảm giác khó tả tràn ngập”.

Chú thích ảnh

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, nhà báo Trần Mai Hưởng đã có mặt tại Dinh Độc Lập ở những giây phút lịch sử trưa ngày 30/4/1975. Ông đã chụp được bức ảnh để đời “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập”, được rất nhiều cơ quan báo chí thời điểm đó và cho đến bây giờ sử dụng.

Những năm tháng chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1979 cũng được ông khắc họa đậm nét: “Tôi hình dung được sự phức tạp của tình hình. Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đang là nỗi ám ảnh, băn khoăn của nhiều người”… “12 giờ 30 phút ngày 7/1/1979, từ phía đông, chiếc xe tăng đầu tiên của các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đã tiến qua cầu Monivong, vào giải phóng thành phố. Tôi không tin vào mắt mình khi thấy một Phnom Penh hoang tàn và trống vắng, không có sự sống… Một Thành Phố Chết theo đúng nghĩa đen của nó. Cỏ mọc đầy các vườn hoa. Không một bóng người, thậm chí cả súc vật cũng không có. Chỉ những bụi hoa Khơ-đa mọc chờm ra các bờ tường hoang cứ loang lổ một màu đỏ nhờ nhờ như máu loãng!”…

Chú thích ảnh
Các phóng viên đang hành quân cùng các chiến sĩ tình nguyện Quân đoàn 3 trên đường từ Công Pông Chàm tiến về giải phóng thị xã Siêm Riệp, 1/1979. Từ trái sang: Võ Văn Lục, Phát thanh quân đội, đài TNVN; và các phóng viên TTXVN: Trần Mai Hưởng, Lê Trọng Thư, Phạm Nhật Nam và Phạm Thanh Hải. Người chụp là phóng viên TTXVN Bùi Tiến Lợi. Bức ảnh này hiện được trưng bày trong bảo tàng Báo chí Việt Nam

Trên hết, hồi ký không dừng ở việc khắc họa về cuộc đời mình, mà còn là câu chuyện về những đồng nghiệp, những người cùng chung chặng đường cầm máy, cầm bút ở TTXVN. “Sau này, khi nhớ về những năm tháng ấy, trong ký ức của tôi lại hiện lên hình ảnh những người đồng nghiệp của một thời lửa đạn, một thế hệ những người làm báo tay bút, tay máy “xẻ dọc Trường Sơn” trong hành trình cùng toàn dân tộc vì độc lập tự do. Hàng ngàn người làm báo từ nhiều cơ quan báo chí khác nhau đã lên đường ra mặt trận, dâng hiến tuổi thanh xuân của mình, làm tròn sứ mệnh thiêng liêng của người làm báo chiến sĩ… Trong số hơn 400 nhà báo liệt sĩ của cả nước, có hơn 260 người là cán bộ, phóng viên VNTTX - TTXGP. Hàng trăm người chịu thương tật trên các chiến trường. Trong số đó có những người tôi đã có dịp gặp và cùng làm việc trong thời gian khác nhau. Những hình ảnh về họ vẫn luôn sống mãi trong tôi và các đồng nghiệp”. Ông đã viết về những đồng nghiệp, khắc họa hình ảnh họ trong hồi ký của mình bằng một niềm tự hào theo cách riêng; từ đó làm nổi bật bức tranh chung về TTXVN.

Chú thích ảnh
Khi đã trọn vẹn với nghề, lúc nghỉ hưu, nhà báo Trần Mai Hưởng lại cùng với những đồng nghiệp lên đường tới mọi miền của Tổ quốc, để thêm những lần thấy đất nước rộng dài, tuyệt đẹp

Như thế, cuốn hồi ký không chỉ là tư liệu về cuộc đời làm báo của ông, mà mang giá trị tư liệu không nhỏ của ngành thông tấn, là nguồn tài liệu phong phú cả về tư liệu báo chí lẫn tư liệu lịch sử. Đặc biệt, cuốn hồi ký rất có ý nghĩa với những người làm báo khi có thể nhìn nhận rõ hơn về nghề: “Nghề làm báo, làm Thông tấn, đặc biệt là phóng viên chiến trường, là một thử thách rất khắc nghiệt… Khói lửa chiến tranh đã hun đúc, rèn luyện nên bản lĩnh, tinh thần kiên định, vượt qua mọi thách thức, khó khăn. Bằng công việc của mình, qua những bài báo, bức ảnh, những cuốn phim - với tư cách là những nhân chứng tin cậy - người phóng viên góp phần động viên, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ, người dân trong sự nghiệp chung. Đấy là một vinh dự nghề nghiệp đáng tự hào!”.

Theo báo Tin tức
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hồi ký của nhà báo Trần Mai Hưởng: Sứ mệnh tự hào của người làm báo