Có hôm trong giờ dạy, vợ tôi giật mình khi nhận được cuộc gọi của một phụ huynh: 'Sao cô phạt con tôi? Cháu chỉ nói chuyện riêng thôi mà?'.
Gắn camera trong lớp của con, phụ huynh học sinh lớp 2/11 Trường tiểu học Phan Chu Trinh (Q.Tân Phú, TP.HCM) phát hiện con bị đánh, làm dấy lên cuộc tranh luận: có nên gắn camera trong lớp?
Mấy hôm nay dư luận xôn xao câu chuyện có nên lắp camera trong trường để ngăn bạo hành. Lắp camera theo nhiều người là văn minh nhưng "thần thánh" hóa chiếc camera lại là con dao hai lưỡi trong giáo dục.
Tôi nghĩ cái gì cũng có hai mặt, nếu một đứa trẻ hư mà không bị phạt, không biết mình sai ở đâu, giáo dục phỏng có ích gì?
Vợ tôi cũng là giáo viên lớp 1. Mỗi ngày đi dạy về, vợ tôi đều căng thẳng. Cô ấy chia sẻ có lúc rất bối rối, thậm chí hoảng sợ vì không biết phạt học sinh thế nào để làm vừa lòng phụ huynh.
Trong lớp, có không ít em đeo đồng hồ thông minh với các chức năng như nghe, gọi, định vị và nghe lén. Có hôm trong giờ dạy, vợ tôi giật mình khi nhận được cuộc gọi của một phụ huynh: "Sao cô lại phạt con tôi? Cháu chỉ nói chuyện riêng thôi mà? Cháu đứng lâu như vậy sao chịu nổi? Nó phải đứng thế sẽ xấu hổ với bạn bè, tổn thương tinh thần thì ai đền bù cho con tôi? Ở nhà, chúng tôi còn chưa bao giờ phạt con như thế". Tiết học ấy thất bại!
Một vết xước trên người học sinh cũng khiến phụ huynh nổi giận. Vì sợ phụ huynh làm tới, thậm chí kiện với hiệu trưởng nên vợ tôi và nhiều giáo viên khác không dám phạt học sinh. Được cha mẹ "chống lưng", nhiều đứa trẻ đến lớp như chỗ không người, tha hồ thể hiện, nghịch ngợm, quấy phá trong giờ học và không sợ giáo viên.
Có phụ huynh tìm mọi cách để con không bị cô la, cô phạt như thường xuyên nhắn tin cho giáo viên để "điều chỉnh" phải học thế nọ, phải dạy thế kia, thậm chí còn nói: "Cháu nó rất sợ bị mắng nên cô đừng phạt".
Vợ tôi còn kể: "Anh chị em giáo viên rỉ tai nhau kinh nghiệm học sinh hư cứ mặc kệ, ngó lơ cho yên thân". Và rồi, vì để làm vừa lòng phụ huynh, để phụ huynh không "lên đồng" nếu lỡ con bị phạt, giáo viên chấp nhận cách giáo dục… mặc kệ!
Một trường hợp khác, khi con về kể bị phạt quay mặt vào tường chỉ vì dùng bút chì chọc vào mặt bạn, phụ huynh đùng đùng lên lớp và lớn tiếng với cô: "Nó chỉ là một đứa trẻ, sao cô nỡ lòng phạt? Cả lớp được ra chơi còn con tôi phải úp mặt trên bảng thử hỏi sao chịu được? Nếu lỡ sau này cháu nó trở nên tự ti với bạn bè, cô có gánh nổi trách nhiệm không?".
Mặc dù vợ tôi đã giải thích lý do bị phạt vẫn không làm vừa lòng phụ huynh. Lâu dần, cô ấy tự dặn lòng, nếu học sinh ngỗ ngược thì cứ né, né càng nhiều càng tốt, hoặc ra khỏi lớp hít thở 5 phút để giải tỏa căng thẳng thay vì phạt để thiệt thân và đe dọa đến "cần câu cơm".
Từ một cô giáo hăm hở, nhiệt huyết, yêu nghề, dần dần tôi thấy vợ trở nên chai lì cảm xúc, ngoài việc đầu tư chuyên môn dạy trẻ, còn các kỹ năng uốn nắn trẻ trở nên vô tác dụng vì phụ huynh "không cho phép".
Nhất là hồi đầu năm nhận lớp, một phụ huynh đến trước mặt vợ tôi nói: "Cô phải cam kết là không được to tiếng, đánh mắng con tôi. Con tôi là con một đấy, ở nhà cháu được cưng như trứng mỏng".
Bao cảm xúc hứng khởi ngày đầu năm mới bị giội một gáo nước lạnh, thử hỏi những giáo viên sẽ lấy nhiệt huyết ở đâu để dạy trẻ? Lâu nay, người ta nói nhiều đến việc giáo dục kỹ năng, đạo đức cho trẻ nhưng mấy ai hiểu, đứa trẻ liệu có thể vào nếp nếu như không bị phạt khi phạm nội quy?
Giáo viên cũng là con người, đâu thể lúc nào cũng kiềm chế được cảm xúc? Nhưng cũng không nhiều giáo viên lựa chọn cách dùng bạo lực để giáo dục học sinh. Tuy nhiên, nhiều người đánh đồng, can thiệp quá sâu vào việc học của con ở trường, phải chăng phụ huynh đang góp phần làm hỏng môi trường giáo dục của các con mà không hề hay biết?
Phụ huynh cứ nghĩ, thời nay với can thiệp của mình, các con sẽ an toàn, sẽ có môi trường giáo dục tốt nhất, trong lành nhất. Nhưng "nước trong sẽ không có cá", rõ ràng những đứa trẻ đang bị đẩy ra ngoài lề và trở thành nạn nhân của phong cách giáo dục yêu thương "quá trớn" của chính cha mẹ mình.
"Em không biết trụ được với nghề được bao lâu. Trách nhiệm của một nhà giáo không cho phép em thờ ơ với những đứa trẻ hư. Em không sợ mất việc, chỉ sợ những đứa trẻ không biết mình sai ở đâu, nhưng phụ huynh đâu có hiểu cho giáo viên, cứ hở ra là quy tội giáo viên thiếu bản lĩnh sư phạm, không biết dạy con họ", vợ tôi rưng rưng.
Tôi cứ nghĩ mãi câu nói ấy. Sẽ ra sao khi những nhiệt huyết, lòng yêu nghề của một giáo viên trở nên bị vắt kiệt, chai sạn từng ngày? Sẽ ra sao khi một giáo viên thấy trẻ hư mà chẳng dám phạt? Sẽ ra sao khi các cô cứ rón rén mỗi giờ đến lớp?
Chính sự không hợp tác của phụ huynh đã tiếp tay cho sự bất trị của một đứa trẻ, ai dám chắc đứa trẻ ấy sẽ không phát triển lệch lạc khi được cha mẹ bao che? Rõ ràng xu hướng giáo dục thời nay là "không đòn roi", "giáo dục không phạt" nhưng nếu không cẩn thận, rất có thể cách giáo dục ấy sẽ đi chệch hướng, chệch đường ray.
Làm ngơ khi trò hư thì quá dễ, nhưng phạt để uốn nắn các em, để các em ngoan hơn mới khó. Tương lai của một đứa trẻ sẽ ra sao, kỹ năng và nhân cách của đứa trẻ sẽ thế nào khi ở nhà được cha mẹ chiều chuộng, đến lớp cô giáo không dám phạt, không dám uốn nắn?
Có khi nào phụ huynh nghĩ, chính sự can thiệp quá sâu vào chuyện giáo dục con ở trường, chính việc tạo áp lực để giáo viên "nói không với phạt trò" là đang quay lưng với trẻ?
Theo Tuổi trẻ