Trường hợp chủ nợ tự ý lấy ảnh người vay đăng lên Facebook, Zalo... nhằm gây áp lực, ép buộc trả nợ là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự.
Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều bài đăng với nội dung đòi nợ kèm hình ảnh của người vay, nhằm gây sức ép, “khủng bố” tinh thần người vay nợ.
Một số trường hợp còn sử dụng hình thức “chạy quảng cáo” để những thông tin này được lan truyền rộng rãi. Nhiều nạn nhân trong trường hợp này thậm chí không phải người vay, họ có thể là người thân, bạn bè, đồng nghiệp... của người vay. Bởi khi vay tiền qua app hoặc qua công ty tài chính, nhiều người vay phải cung cấp số điện thoại, thông tin của người thân, bạn bè... để tham chiếu.
Đến khi người vay không trả được nợ, các app hoặc công ty tài chính sẽ đòi nợ từ người thân của những người vay. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều người không vay nhưng liên tục bị gọi điện đòi nợ, thậm chí là đăng ảnh, chế ảnh... đăng lên mạng xã hội để ép trả nợ thay cho người vay.
Cơ quan công an khuyến cáo người dân khi gặp phải những trường hợp này, có thể thực hiện các biện pháp tố cáo với cơ quan công an hoặc gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân nơi người tự ý đăng ảnh cư trú, làm việc.
Nạn nhân bị đăng ảnh lên mạng xã hội cần ghi nhận lại bằng cách chụp ảnh màn hình, quay video những bài viết đó để lưu lại bằng chứng, ngăn ngừa các đối tượng chỉnh sửa, gỡ bài, xóa bài và cũng để cơ quan có thẩm quyền có căn cứ giải quyết vụ việc.
Đề cập về vấn đề pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng VPLS Tinh Thông Luật cho biết: “Việc vay tiền người khác đã trở thành thứ yếu, diễn ra với rất nhiều hình thức như: Vay tiền mặt, qua app...
Nhưng đến hạn không trả, có không ít chủ nợ đã đăng ảnh người vay hay người thân của họ lên mạng để đe dọa, ép buộc trả. Không chỉ có vậy, có chủ nợ xúc phạm tới danh dự, nhân phẩm, uy tín người vay và gây ra hậu quả nghiêm trọng”.
Từ những thông tin nêu trên, luật sư Diệp Năng Bình phân tích: “Ở khoản 1 điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh thì việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Trong khoản 1 điều 20 Hiến pháp và khoản 1 điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín thì mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm về danh dự, nhân phẩm, uy tín và được pháp luật bảo vệ.
Do đó, việc đăng tải hình ảnh người khác lên mạng xã hội để đòi nợ mà không có sự đồng ý hay xâm phạm tới danh dự, nhân phẩm, uy tín của họ được xem là hành vi vi phạm pháp luật và đáng bị lên án.
Nên tùy theo tính chất và mức độ, người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự. Người vi phạm còn có trách nhiệm xóa, gỡ bỏ thông tin tiêu cực, buộc xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật về dân sự.
Ngoài ra, nếu người nào sửa chữa, ghép ảnh làm sai lệch nội dung của hình ảnh nhằm xâm phạm uy tín, nhân phẩm của cá nhân thì có thể bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng, tại điểm g khoản 3 điều 102 Nghị định số 08/VBHN/BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2022.
Nếu hành vi trên có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, có thể xử lý theo điều 155 và 156 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cụ thể: Điều 155 của Bộ luật này quy định về tội làm nhục người khác có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 10 triệu và cao nhất là 5 năm tù giam.
Điều 156 quy định về tội vu khống (không áp dụng với pháp nhân thương mại) thì người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 10 triệu đồng và cao nhất là 7 năm tù giam.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Theo luật sư Bình, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người bị đăng ảnh trái phép lên mạng xã hội cần trình báo ngay tới cơ quan chức năng giải quyết.
Theo Vietnamnet