Cho vay tiền là một giao dịch dân sự phổ biến trong xã hội. Thế nhưng, có nhiều trường hợp người vay cố tình không trả tiền và người cho vay phải dùng nhiều biện pháp khác nhau để đòi nợ, trong đó có cả những cách mà pháp luật cấm.
Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội cho biết, trong 13 năm hành nghề luật, đã gặp nhiều trường hợp nhờ tư vấn về việc con nợ có điều kiện trả nhưng không trả nợ, có lời lẽ thách thức, dẫn tới người cho vay không làm chủ được hành vi và cũng không nhận thức được hành vi của mình vi phạm pháp luật để rồi tiền không lấy được mà giờ lại vướng vào vòng lao lý: "Văn phòng Luật sư Đồng Đội đã từng tiếp nhận một vụ việc mà chủ nợ bị Cơ quan Điều tra truy tố tội “Cướp tài sản” khi đi đòi nợ. Bởi con nợ biết trong nhà có camera nên đã tỏ vẻ sợ sệt, giả ngất trong khi bị chủ nợ to tiếng dọa nạt, rồi còn chuyển khoản một số tiền rất nhỏ cho người đi cùng chủ nợ."
Từ vụ án trên, có thể thấy, ranh giới giữa thu hồi nợ hợp pháp và không hợp pháp là rất mong manh. Chỉ cần một hành vi “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực”, làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được là đã có dấu hiệu phạm tội hình sự.
Quan hệ vay tiền là quan hệ dân sự nên khi đòi nợ người cho vay nên thực hiện theo nguyên tắc không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, không uy hiếp tinh thần và không chiếm giữ tài sản, bắt giữ người vay trái pháp luật.
Nếu đến thời hạn vay mà người vay không trả thì người cho vay có thể khởi kiện ra Tòa án nơi bị đơn - tức người vay tiền cư trú để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Trong trường hợp có căn cứ chứng minh có yếu tố hình sự như người vay cố tình không trả mặc dù có điều kiện, người vay đã sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản, hay người vay bỏ trốn…, bên cho vay có thể làm đơn tố giác tội phạm về hành vi của người vay có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 hoặc có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự.
Trên thực tế có rất nhiều trường hợp để đảm bảo cho khả năng thu hồi nợ, nhiều người cho vay đã yêu cầu người vay dùng tài sản thế chấp. Theo luật sư Trần Xuân Tiền, người dân hoàn toàn có quyền nhận thế chấp tài sản của người khác để đảm bảo người thế chấp thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo đảm vi phạm nghĩa vụ trả nợ, nhưng phải có giấy tờ đầy đủ, hợp pháp: "Nếu hai bên đã thỏa thuận từ trước về việc thế chấp tài sản nhằm bảo đảm cho khoản vay của bên vay thì đây có thể xác định là biện pháp bảo đảm cho hợp đồng vay. Do đó, căn cứ theo quy định tại khoản 5, khoản 7 Điều 323 Bộ luật dân sự 2015, nếu bên vay tiền không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn và đầy đủ thì bên cho vay hoàn toàn có quyền yêu cầu bên vay tiền hoặc người thứ ba đang giữ tài sản thế chấp giao tài sản và xử lý tài sản thế chấp, có thể là chiếm giữ, sử dụng, hoặc bán tài sản để trừ vào khoản nợ."
"Việc đòi nợ sai cách có thể dẫn tới những hậu quả khó lường, tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả của mỗi hành vi mà người có hành vi trái quy định pháp luật có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư Trần Xuân Tiền lưu ý thêm.
Hành vi đưa hình ảnh con nợ lên mạng xã hội khi chưa có sự đồng ý nhằm ép buộc, gây áp lực cho người vay phải trả nợ là hành vi vi phạm pháp luật và xâm phạm trực tiếp đến quyền hình ảnh của người vay. Theo đó, trường hợp người bị đăng hình ảnh là người có vay tiền và có trốn tránh nghĩa vụ trả nợ thì hành vi của người đăng hình ảnh lên mạng sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về hành vi “thu thập, và sử dụng thông tin của cá nhân khác mà không được sự đồng ý”, mức phạt tiền trong trường hợp này là từ 10 triệu - 20 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm và 5 triệu - 10 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm. Thậm chí, người đăng tải có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017 với hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Khung hình phạt nhẹ nhất thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, nặng thì sẽ bị phạt từ từ 03 tháng đến 02 năm."
Đối với hành vi dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản của bên vay tiền khi họ không trả nợ, thì người cho vay có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cướp tài sản theo quy định tại Điều 168 Bộ luật hình sự. Theo đó, căn cứ vào giá trị tài sản chiếm đoạt, tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân, người có hành vi dùng vũ lực có thể phải đối diện với mức hình phạt thấp nhất là phạt tù từ 03 - 07 năm, cao nhất là bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng - 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trường hợp người cho vay chỉ đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người vay để chiếm đoạt tài sản thì tùy theo tính chất, mức độ mà người này có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người nào cưỡng đoạt tài sản của người khác mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và buộc phải trả lại tài sản đã cưỡng đoạt được của người khác. Trường hợp hành vi phạm tội của người cho vay đã đủ yếu tố cấu thành Tội cưỡng đoạt tài sản thì người này có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 20 năm, ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (căn cứ tại Điều 170 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo VOV