Những động tác dân vũ đơn giản nhưng hiệu quả đối với sức khỏe đã được chị em nhiều vùng quê ở huyện Nam Sách hưởng ứng và say mê luyện tập.
Câu lạc bộ dân vũ ở thôn Đầu, xã Hợp Tiến (Nam Sách) hiện thu hút hơn 50 hội viên phụ nữ tham gia luyện tập thường xuyên
Sân nhà văn hóa thành... sàn nhảy
Hơn 20 giờ, chúng tôi có mặt tại sân nhà văn hóa thôn Đầu, xã Hợp Tiến (Nam Sách). Hơn 50 hội viên phụ nữ đang cùng nhau nhún nhảy theo điệu cha cha cha đầy sôi động. Từng động tác lắc hông, bước chân lên xuống nhịp nhàng. Thỉnh thoảng lại có người tập sai động tác, nhưng chẳng sao vì ở đây ai cũng khởi đầu bài tập bằng những động tác còn có phần vụng về như thế. Giữa từng bài tập, chị em lại tranh thủ chỉ dẫn cho nhau cách bước chân sao cho đúng nhịp, lắc hông, giơ tay cho đẹp và mềm mại. Những người phụ nữ này đã có thêm niềm vui mới sau một ngày lao động vất vả ngoài đồng ruộng.
Dù mới được thành lập vào dịp 8.3 vừa qua, nhưng Câu lạc bộ (CLB) Dân vũ của phụ nữ thôn Đầu đã thu hút đông chị em luyện tập. Nhớ lại những ngày đầu tiên vận động các chị em tham gia, chị Lê Thị Liên, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn cho biết: "Trước khi thành lập CLB tôi phải tới từng nhà, gặp từng chị em để vận động, tuyên truyền về hiệu quả nhảy dân vũ, vừa giúp chị em thư giãn, vừa rèn luyện sức khỏe. Thay vì tối đến đi bộ, chị em ra sân nhà văn hóa nhảy dân vũ". Lúc đầu thành lập, CLB chỉ có 20 thành viên tham gia. Để chị em được học nhảy dân vũ một cách bài bản, chi hội phải nhờ người về dạy cho chị em từ những động tác đơn giản đến phức tạp. Chỉ sau vài buổi, các thành viên nòng cốt đã tiếp thu bài học một cách nhanh chóng. Đến nay, CLB đã có hơn 50 thành viên tham gia, người biết dạy người chưa biết, hướng dẫn nhau từng bước chân, từng động tác tay sao cho đẹp. Năm nay đã 60 tuổi nhưng bà Ngô Thị Gái vẫn là một trong những thành viên rất tích cực của CLB. "Hôm đầu tiên tôi tham gia, có nhiều người nói nhảy dân vũ chỉ dành cho người trẻ tuổi, mình già rồi thì phải tham gia các hoạt động của người cao tuổi nhưng tôi vẫn đi. Ngay hôm ấy tôi thấy rất vui, tinh thần phấn chấn hẳn lên. Khi về nhà tôi đã khuyên con gái và con dâu cùng tham gia luyện tập. Giờ thì tối nào ba mẹ con cũng ra đây tập luyện", bà Gái cho biết.
Khi tham gia vào CLB, mỗi thành viên đóng góp 100.000 đồng để xây dựng quỹ. Toàn bộ số quỹ này cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay với mức lãi suất thấp. Thôn hỗ trợ tiền điện dùng các thiết bị phục vụ chị em nhảy dân vũ như loa máy, điện chiếu sáng nên chị em không phải đóng góp thêm bất cứ khoản tiền nào khác. "Thấy vợ khỏe ra, luôn vui vẻ, phấn khởi nên tôi động viên và phụ giúp việc nhà buổi tối để cô ấy tham gia đầy đủ các buổi tập dân vũ", anh Lê Văn Thành ở thôn Đầu cho biết.
Nhiều lợi ích
Hiện nay, tất cả các xã, thị trấn của huyện Nam Sách đã thành lập được CLB dân vũ, thu hút đông đảo chị em tham gia. Đầu tiên phong trào này cũng chỉ manh nha ở một số địa phương và có ít người tham gia. Sau khi thấy hiệu quả đối với sức khỏe và tinh thần, nhiều chị em đã vận động người thân cùng tập luyện. Thậm chí, nhiều chị em làm công nhân thường xuyên tăng ca về muộn nhưng cũng cố gắng tham gia luyện tập. Thế mới thấy sức hút của môn dân vũ này đối với các chị em ở vùng nông thôn. Cả ngày bận rộn với công việc, rồi lại nặng gánh công việc nhà, khoảng thời gian nhảy dân vũ thể thao chính là lúc chị em được thư giãn.
Tuy nhiên ở một số nơi, các tổ chức Hội Phụ nữ chưa thật sự quan tâm đưa môn dân vũ thể thao tới với hội viên của mình. Vì thế số lượng chị em biết và tham gia nhảy dân vũ chưa nhiều hoặc mới chỉ rải rác, chưa tạo thành một phong trào mới. Khác với khiêu vũ thể thao đòi hỏi người nhảy phải được đào tạo căn bản, mỗi thể loại nhạc lại có điệu nhảy khác nhau; bài nhảy cũng đòi hỏi phải đầu tư công phu từ quần áo, giày dép cho tới kỹ thuật nhảy nên khó có thể nhân rộng, dân vũ thể thao là bộ môn không quá cầu kỳ, bước nhảy đơn giản, trang phục thoải mái, điệu nhảy sôi động nên rất dễ thu hút được đông đảo chị em tham gia luyện tập. Nhảy dân vũ thể thao không chỉ giúp chị em cải thiện sức khỏe, giữ vóc dáng, tinh thần luôn sảng khoái, phấn khởi, mà còn góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho chị em ở vùng nông thôn. Vì thế, các cấp Hội Phụ nữ cần nhân rộng mô hình này trong hội viên.
Với các đơn vị đã thành lập được CLB dân vũ thể thao cũng cần đa dạng hóa các bài tập, điệu nhảy cho phù hợp để không nhàm chán. Ngoài việc luyện tập dân vũ, CLB cũng cần có thêm các hoạt động khác như thiện nguyện, giúp đỡ hội viên khó khăn như cách làm ở thôn Đầu, xã Hợp Tiến để tạo thêm sự gắn kết giữa các hội viên cũng như giữa hội viên với tổ chức hội.
THANH HOA