Dàn lãnh đạo MobiFone ký khống, hợp thức hóa thủ tục mua cổ phần AVG như thế nào?

27/08/2019 17:12

Hàng loạt lãnh đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông cùng lãnh đạo MobiFone bị khởi tố do liên quan đến sai phạm khi mua AVG.

>> Vụ MobiFone mua AVG: Khởi tố thêm 5 bị can


Trụ sở MobiFone bị khám xét tối 26.8

Kết luận của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương cách đây hơn 1 năm đã chỉ rõ sai phạm của những cá nhân trong dàn lãnh đạo MobiFone là nghiêm trọng và đã ra các quyết định thi hành kỷ luật từ cảnh cáo đến khiển trách.

Mở rộng điều tra vụ án vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, nhận hối lộ, đưa hối lộ xảy ra tại MobiFone, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) và một số đơn vị liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú về tội Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 220 Bộ luật Hình sự năm 2015, với vai trò đồng phạm đối với 5 bị can.

Danh tính các bị can này gồm: Phan Thị Hoa Mai, Hồ Tuấn (cùng là thành viên Hội đồng thành viên MobiFone); Nguyễn Đăng Nguyên, Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Mạnh Hùng (đều là Phó Tổng Giám đốc MobiFone).

Cho đến nay, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 14 bị can để điều tra về các tội danh: Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, nhận hối lộ, đưa hối lộ.

Trong số này, có 8 bị can là lãnh đạo MobiFone tại thời kỳ mua cổ phần AVG, gồm Ban Tổng giám đốc và Hội đồng thành viên.

Các Phó Tổng Giám đốc MobiFone vừa bị bắt được xác định có hành vi ký khống văn bản nhằm hợp thức hóa các thủ tục chuyển nhượng cổ phần AVG, có vai trò đồng phạm trong vụ án.

Ông Nguyễn Đăng Nguyên, phụ trách chức danh Tổng Giám đốc MobiFone phải chịu trách nhiệm chính trong việc trực tiếp ký Quyển dự án đầu tư dịch vụ truyền hình; tham gia, trực tiếp đàm phán và chỉ đạo đàm phán với các cổ đông AVG; không thực hiện nhiệm vụ được giao tại văn bản 4463/MobiFone ngày 19.8.2015 của Tổng Giám đốc; ký khống biên bản họp Ban Tổng giám đốc để thống nhất trình Hội đồng thành viên (HĐTV) dự thảo thoả thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với các cổ đông AVG; thiếu chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền về những khuyết điểm, sai phạm trong quá trình lập dự án.

Do các sai phạm nêu trên, ông Nguyễn Đăng Nguyên bị Đảng uỷ Khối doanh nghiệp Trung ương thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách.

Cũng theo quyết định của Đảng uỷ Khối doanh nghiệp Trung ương, ông Nguyễn Bảo Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng uỷ, Phó Tổng Giám đốc MobiFone; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng uỷ, Phó Tổng Giám đốc MobiFone đều được xác định có vi phạm nghiêm trọng và phải thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

Cụ thể, ông Hùng phải chịu trách chính trong việc trực tiếp ký các báo cáo tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp AVG của Công ty AMAX, Quyển dự án đầu tư dịch vụ truyền hình; trực tiếp đàm phán và chỉ đạo đàm phán với các cổ đông AVG.

Ngoài ra, thiếu trách nhiệm trong việc tham mưu cho Bộ TTTT và MobiFone sử dụng kết quả thẩm định giá của Công ty AMAX; không kiểm tra tư cách pháp nhân của AVG, tính pháp lý của các cổ đông và cổ phần AVG; ký khống biên bản họp Ban Tổng giám đốc để thống nhất trình Hội đồng thành viên dự thảo thoả thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với các cổ đông AVG.

Ông Nguyễn Bảo Long cũng được xác định là người trực tiếp ký quyển dự án đầu tư dịch vụ truyền hình; trực tiếp đàm phán và chỉ đạo đàm phán với các cổ đông AVG; ký khống biên bản họp Ban Tổng giám đốc để thống nhất trình Hội đồng thành viên dự thảo thoả thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với các cổ đông AVG.

Thời điểm bấy giờ, một Phó Tổng Giám đốc MobiFone cũng đã bị Đảng uỷ Khối doanh nghiệp Trung ương ra quyết định kỷ luật cảnh cáo là bà Phạm Thị Phương Anh, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng uỷ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng uỷ MobiFone. Bà Phương Anh đã bị bắt tạm giam hồi tháng 11.2018.

Đầu năm 2016, vụ mua bán được công bố. MobiFone cho rằng việc này sẽ giúp doanh nghiệp đặt mục tiêu phát triển một triệu khách hàng đăng ký mới dịch vụ truyền hình trong năm 2016.

Thời điểm đó, Bộ TTTT đề nghị Bộ Công an đưa giao dịch này thuộc danh mục "mật" - trái với các quy định hiện hành. Số tiền 8.900 tỷ đồng cho giao dịch hơn 344 triệu cổ phần không được nhắc tới. 

Đầu tháng 3.2018, nội dung hợp đồng dần được biết đến khi Ban Bí thư thông báo có dấu hiệu sai phạm "nghiêm trọng, phức tạp" và đề nghị các đơn vị liên quan sớm làm rõ để công khai.

Ít lâu sau chỉ đạo này, MobiFone và AVG bất ngờ ra thông báo đã thống nhất hủy hợp đồng chuyển nhượng. Nhóm cổ đông AVG trả lại toàn bộ giá trị 95% cổ phần và 60 tỷ đồng cho các chi phí liên quan. Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ nói: "Sẽ cố gắng để cả hai không chịu thiệt hại từ việc này".

Trong tháng 3.2018, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra, nhận định đây là sai phạm kinh tế rất nghiêm trọng, kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an điều tra. Trách nhiệm đầu tiên bị xác định thuộc về Bộ TTTT, cơ quan chủ quản của MobiFone.

Theo đó, AVG luôn khó khăn từ khi thành lập, giá trị vốn chủ sở hữu chưa đến 2.000 tỷ đồng nhưng MobiFone lại sử dụng kết quả thẩm định giá "thiếu tin cậy" của Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và thẩm định giá AMAX (AMAX) khi xác định lên tới hơn 16.500 tỷ đồng. Số liệu này được MobiFone dùng làm căn cứ mua 95% cổ phần. Trong khi từ lúc thành lập đến thời điểm thẩm định giá, AVG liên tục lỗ, số lỗ luỹ kế đến 31.3.2015 là hơn 1.632 tỷ đồng (bằng 45% vốn điều lệ)...

Cơ quan thanh tra tính rằng với hợp đồng này sau khi trừ giá trị tài sản vô hình gần 13.500 tỷ đồng và loại trừ nợ phải trả hơn 1.100 tỷ đồng, "nguy cơ hiện hữu gây thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại MobiFone khoảng 7.000 tỷ đồng".

PL (t/h)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dàn lãnh đạo MobiFone ký khống, hợp thức hóa thủ tục mua cổ phần AVG như thế nào?