Tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, người lao động chỉ được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất trong khi chế độ về thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chỉ có ở BHXH bắt buộc.
Người lao động (NLĐ) tự do là đối tượng chính để phát triển BHXH tự nguyện nhưng do có sự phân biệt đối xử giữa BHXH bắt buộc và tự nguyện khiến nhiều người chưa mặn mà.
Phân biệt đối xử
Nghỉ việc sau 14 năm làm việc ở một công ty, anh Hoàng Văn Biểu (45 tuổi, ở huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) đã quyết định không "nhận một cục" mà tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện. Thời điểm nghỉ việc cũng là lúc gia đình anh Biểu gặp khó khăn về kinh tế. Nếu nhận một cục, anh sẽ có khoản tiền gần 35 triệu đồng. Thế nhưng, sau khi tìm hiểu, anh tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện và BHYT để phòng thân.
Chính sách BHXH tự nguyện còn bất cập khiến lao động tự do chưa mặn mà tham gia Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Anh Biểu cho biết với thu nhập hằng tháng khoảng 4 triệu đồng lại phải bỏ ra gần 800.000 đồng để tham gia bảo hiểm nên gia đình khá chật vật trong chi tiêu. "Tham gia BHXH tự nguyện, khi về già, tôi có thể tự lo cho cuộc sống vì sẽ có lương hưu. Chỉ còn khoảng 2 năm nữa, tôi có thể nhận lương hưu" - anh Biểu chia sẻ thêm. Thế nhưng, cũng như nhiều người tham gia BHXH tự nguyện khác, anh Biểu cho rằng việc phải đóng BHXH tự nguyện tới hàng chục năm mới được hưởng sẽ khiến nhiều người đắn đo với chính sách này.
Theo thống kê của BHXH tỉnh Lạng Sơn, tỉnh hiện có khoảng 3.500 người tham gia BHXH tự nguyện. Phần lớn những người tham gia đã từng đóng BHXH khi còn làm việc ở các cơ quan, doanh nghiệp. Khi nghỉ việc, họ tìm tới BHXH tự nguyện để sau này được hưởng các chế độ phúc lợi từ BHXH. Bà Hoàng Thị Bích Ngọc, Phòng Khai thác và Thu nợ BHXH tỉnh Lạng Sơn, cho biết BHXH tự nguyện giúp những đối tượng tham gia giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già, tuy nhiên, người dân vẫn chưa mặn mà với loại hình bảo hiểm này. Ngoài điều kiện kinh tế của địa phương khó khăn, còn có sự "phân biệt đối xử" giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. NLĐ tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng 2 chế độ hưu trí và tử tuất, trong khi các chế độ về thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp lại chỉ có ở BHXH bắt buộc. Cùng đó, chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn khi mà thời gian đóng kéo dài, ít nhất là 20 năm mới được hưởng, khiến nhiều người thấy "nản".
Số người tham gia tăng nhỏ giọt
Thống kê từ BHXH Việt Nam cho thấy trong tháng 2.2019, BHXH tự nguyện tăng thêm 15.000 người, nâng số người tham gia BHXH tự nguyện lên gần 300.000. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai thực hiện, đến nay số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn thấp, chỉ chiếm gần 1% trong tổng số khoảng 35 triệu lao động khu vực phi chính thức - đối tượng chính của BHXH tự nguyện. Theo đại diện BHXH Việt Nam, những năm gần đây, số người xin hưởng trợ cấp BHXH một lần tiếp tục gia tăng, bình quân mỗi năm hơn 600.000 người rời khỏi hệ thống BHXH.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết theo thống kê, cả nước có 55 triệu người trong độ tuổi lao động, khoảng 40 triệu người chưa tham gia BHXH. Đây là cơ hội tốt để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện nhưng thực tế, số người tham gia loại hình này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Thời gian qua, ngành BHXH đã kiến nghị sửa đổi chính sách để BHXH tự nguyện hấp dẫn và thu hút được NLĐ hơn. Đặc biệt, cần có chính sách, đa dạng loại hình và mức đóng bảo hiểm để phù hợp với mức thu nhập khác nhau của NLĐ, đặc biệt là người thu nhập thấp, người nghèo khu vực phi chính thức. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho NLĐ tự do thấy được các lợi ích khi tham gia lưới an sinh xã hội để hưởng lương hưu và trợ cấp an sinh xã hội khi về già.
Mức đóng của người tham gia BHXH tự nguyện
Theo quy định, người tham gia BHXH tự nguyện hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do NLĐ lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở. NLĐ chọn một trong những phương thức đóng: đóng hằng tháng; 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng một lần và một lần cho nhiều năm về sau với mức thấp hơn mức đóng hằng tháng hoặc một lần cho những năm còn thiếu với mức cao hơn mức đóng hằng tháng.
Cũng từ năm 2018, người tham gia BHXH sẽ được nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỉ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn: 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo; 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo; 10% đối với các đối tượng khác.
NGỌC DUNG (Người lao động)