Trong khuôn khổ Khai mạc Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên và Lễ hội Hoa Ban năm 2024, ngày 16/3, UBND tỉnh Điện Biên đã khai mạc không gian văn hóa vùng cao, mang đậm nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Tại không gian văn hóa vùng cao, Bảo tàng tỉnh Điện Biên và các huyện, thị xã, thành phố đã tái hiện các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc của tỉnh Điện Biên thông qua mô hình các ngôi nhà của dân tộc mình, đồng thời trình diễn các làn điệu dân ca, dân vũ và giới thiệu văn hóa ẩm thực đặc sắc đến du khách.
Huyện Mường Nhé nằm ở cực Tây của tổ quốc, là địa phương cách xa trung tâm hành chính tỉnh Điện Biên, nơi được biết đến với ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Trung Quốc, là huyện duy nhất trong tỉnh có cộng đồng dân tộc Hà Nhì sinh sống. Đến với không gian văn hóa vùng cao, huyện Mường Nhé mang đến không gian nhà trình tường của người Hà Nhì với những bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu và những điệu múa đặc trưng của đồng bào Hà Nhì nơi biên giới Mường Nhé. Với sự độc đáo, riêng có trong trang phục, điệu múa, không gian văn hóa Hà Nhì của huyện Mường Nhé đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Ông Tạ Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết, Mường Nhé là địa phương có nhiều dân tộc sinh sống, trong đó có những dân tộc ít người như: Hà Nhì, Si La, Cống. Trong những năm qua, Đảng bộ huyện Mường Nhé luôn quan tâm đến công tác giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn, đặc biệt giữ gìn các điệu múa, trang phục, lễ hội của các dân tộc. Với không gian văn hóa vùng cao, đây cũng là cơ hội để huyện Mường Nhé quảng bá những nét văn hóa đặc trưng của địa phương, tạo ấn tượng cho du khách và có thể phát triển du lịch trong thời gian tới.
Với huyện Mường Ảng, địa phương này lại mang tới không gian văn hóa điệu múa truyền thống kết hợp tiếng chiêng của người Khơ Mú. Vì thể hiện cuộc sống lao động sản xuất nên các động tác múa của người Khơ Mú thường khỏe khoắn, dứt khoát, mang tính sôi động. Khi tiếng chiêng đánh càng khỏe, càng nhanh thì các đạo cụ cầm tay của người múa như ống tre gõ xuống đất càng mạnh, nhịp múa càng hối hả, tạo nên không khí sôi động, lôi cuốn mọi người hòa chung vào điệu múa.
Ông Quàng Văn Cá, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng cho biết, các điệu múa của người Khơ Mú gửi gắm tâm tư, tình cảm, ước mong về sức khỏe, mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa. Thông qua các động tác, âm nhạc, người Khơ Mú thúc giục, động viên nhau nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, gắn bó ruộng nương, yêu lao động sản xuất. Ðồng thời cũng thể hiện khát vọng tình yêu đôi lứa, tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng. Với tính nhân văn, giàu ý nghĩa, cùng sự khác biệt, nghệ thuật múa truyền thống của người Khơ Mú gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị trong cuộc sống hiện đại.
Với 10 huyện, thị xã, thành phố cùng 19 dân tộc cùng sinh sống, mỗi địa phương, mỗi dân tộc lại mang đến không gian văn hóa những nét đặc trưng riêng từ trang phục, điệu nhảy, điệu múa,… tạo nên ấn tượng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến xem cũng như hòa mình trải nghiệm.
Chị Nguyễn Vũ Hiển Anh, du khách tỉnh Hải Dương chia sẻ, lần đầu tiên chị đến Điện Biên vào đúng dịp Lễ hội Hoa Ban, được hòa mình vào không gian văn hóa vùng cao đặc sắc mà chưa bao giờ được tận mắt nhìn, chị cảm thấy vô cùng thích thú và phấn khởi. Những nét văn hóa từ trang phục, các điệu múa đều rất mới lạ và cuốn hút khiến cho chị phấn khích và muốn được nhảy theo tiếng trống, tiếng chiêng.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng, không gian văn hóa vùng cao và hoạt động trưng bày, giới thiệu, sản phẩm văn hóa, du lịch là điểm nhấn nổi bật của Lễ hội năm nay. Trong đó, không gian văn hóa vùng cao nhằm tái hiện không gian sắc màu văn hóa, các hoạt động sinh hoạt cộng đồng. Từ đó góp phần bảo tồn, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, các sản phẩm văn hóa, du lịch, những nét đặc trưng về thiên nhiên, con người, các giá trị văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên. Bên cạnh đó, tạo cơ hội cho các địa phương, các đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã giới thiệu sản phẩm, nghề thủ công truyền thống, các điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch; sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống, đặc sản địa phương…
Hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm văn hóa, du lịch trong Lễ hội Hoa Ban năm 2024 có sự phối hợp tham gia của 23 tỉnh, thành phố trên cả nước với trên 90 gian hàng. Qua đó, góp phần tăng cường liên kết, hợp tác trong xây dựng, phát triển cũng như xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch giữa các địa phương.
Trong khuôn khổ sự kiện Khai mạc Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên và Lễ hội Hoa Ban năm 2024, tỉnh Điện Biên còn tổ chức nhiều hoạt động như: Liên hoan Nghệ thuật Xòe Thái và Nghệ thuật Khèn Mông; hoạt động giao lưu, thi đấu thể thao; hoạt động trải nghiệm trò chơi dân gian; trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc; Cuộc thi ảnh “Lung linh miền Hoa Ban”; Show diễn thực cảnh “Huyền tích Uva”… Các hoạt động sẽ diễn ra từ ngày 16/3 đến hết ngày 18/3/2024, hứa hẹn sẽ mang đến nhiều trải nghiệm phong phú, hấp dẫn, mang vẻ đẹp đặc trưng của thiên nhiên, văn hóa và lịch sử của Điện Biên - Tây Bắc và một số địa phương trong nước.