Không thể chỉ đổ lỗi cho văn hoá giao thông kém dẫn đến tình trạng giao thông lộn xộn. Việc xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đang minh chứng cho bài học cưỡng chế để hình thành nên ý thức tốt.
Nhiều người than văn hóa giao thông ở ta kém. Cái gì hình thành nên văn hóa giao thông? Rất nhiều thứ nhưng quan trọng là ý thức chấp hành pháp luật của con người trong cộng đồng. Vậy tại sao cũng những con người ấy sang Singapore du lịch lại chấp hành luật giao thông rất tốt, rất nghiêm túc?
Câu chuyện thế này: Một nhóm người tôi quen có cả công chức, giáo viên, công nhân. Ở Hải Dương đôi lúc họ vi phạm Luật Giao thông đường bộ như đi xe quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, thậm chí uống rượu bia xong vẫn lái xe… Đôi lúc vi phạm của họ bị cảnh sát giao thông phát hiện, họ xin tha. Cũng có người không xin được phải nộp phạt. Nhưng nộp phạt xong rồi họ vẫn có thể tái phạm vào lần sau nếu không thấy cảnh sát giao thông trên đường. Cũng những con người ấy chỉ cần mấy giờ bay từ Nội Bài sang Singapore du lịch theo tour đã thay đổi hẳn. Họ đi bộ sang đường phải chờ đèn tín hiệu, tìm đúng chỗ có vạch kẻ lối sang đường để đi; không đi bộ dưới lòng đường; không hút thuốc lá trên tàu điện... Lý do rất đơn giản: Nước bạn phạt rất nặng và không có xin xỏ. Quan trọng nữa là họ quản lý xã hội bằng công nghệ, bằng hệ thống camera, hầu như không nhìn thấy công an nên không biết đâu mà lần.
Nếu bạn quan sát sẽ thấy những nhóm người như tôi kể trên rất dễ gặp. Con người có thể thay đổi trở nên nghiêm túc chấp hành pháp luật chỉ sau vài giờ khi anh đến một môi trường mới buộc phải thực hiện theo quy định chứ không có lựa chọn khác.
Thời gian gần đây, công an xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn, không xin xỏ. Những ngày đầu công an của Bộ Công an về Hải Dương làm, có cả người nhà nước, người ngoài nhà nước, cán bộ bị phạt vi phạm hành chính vì uống rượu bia vẫn lái xe. Trên các diễn đàn mọi người nhắc nhau, gia đình nhắc nhau “đã uống rượu bia không lái xe, không xin được đâu”. Bộ làm nghiêm khắc một thời gian rồi chỉ đạo công an các địa phương làm. Vẫn có người vi phạm bị phạt nhưng đã giảm hẳn tình trạng uống rượu bia vẫn lái xe trong mọi tầng lớp. Cán bộ cũng không dám vi phạm vì trước đây có thể xin được, còn bây giờ không thể. Hoá ra cái nhận thức uống rượu bia lái xe rất nguy hiểm, mất mạng mình và mạng người như chơi phải qua sự cưỡng chế nhiều người mới nhận ra. Đa số đã thay đổi, uống rượu bia xong không điều khiển phương tiện giao thông. Những người bị phạt thì rất ân hận và có lẽ sẽ chừa hẳn. 35 triệu là số tiền không nhỏ. Chưa hết, “treo bằng” hằng năm trời mới là nỗi lo lớn nhất của những người cần di chuyển để sinh kế hay ngao du.
Trong các biện pháp chống vi phạm về giao thông thì biện pháp cưỡng chế xem ra hiệu quả nhất. Nhìn ra bên ngoài, ở nhiều nước phát triển, cưỡng chế cũng đứng trên các giải pháp giáo dục, tuyên truyền, cải thiện kết cấu hạ tầng… Cưỡng chế giúp hình thành ý thức chấp hành pháp luật nhanh nhất.
Làm nghiêm việc chấp hành pháp luật giao thông sẽ giúp lan toả sang các lĩnh vực khác vì giao thông mọi người đều phải tham gia hằng ngày. Hình thành ý thức chấp hành pháp luật giao thông sẽ giúp chấp hành tốt các luật pháp khác.
Mọi người cần tôn trọng pháp luật và thực thi theo pháp luật để xã hội trật tự, phát triển.
THANH XUÂN