Những người vô gia cư ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ đang phải vật lộn để sinh tồn trong đợt nắng nóng kéo dài.
Cô Naseema, 30 tuổi, sống cùng chồng trên những con phố gần Jangpura ở Delhi, chia sẻ: “Mặt trời thiêu đốt chúng tôi như lửa, chúng tôi không thể sống trên đường phố. Nơi trú ẩn duy nhất của chúng tôi là màn chống muỗi, giúp chúng tôi tránh được côn trùng nhưng không tránh được cái nóng”.
Naseema tuyệt vọng cho biết cô phải dùng quạt làm bằng bìa carton để làm mát cho cậu con trai 1 tuổi ngủ qua đêm.
“Cậu bé liên tục thức giấc vì nóng, tôi cũng không thể ngủ được vì sợ chuột. Tôi rất sợ chuột, sợ chúng có thể cắn con trai tôi”, cô nói.
Với nhiệt độ hàng ngày tăng vọt lên hơn 47 độ C, những người vô gia cư ở Delhi như Naseema khó có thể ngủ đủ giấc.
Theo một số ước tính, có khoảng 200.000 đến 250.000 người không có nơi trú ẩn tại thủ đô Ấn Độ, bao gồm phụ nữ, trẻ em và các nhóm thiểu số.
Trong khi đó, Hội đồng cải thiện nơi trú ẩn đô thị Delhi quản lý 195 nơi trú ẩn với tổng sức chứa chỉ 16.675 giường, thấp hơn nhiều so với số người vô gia cư ước tính.
Mặc dù nhu cầu về nơi trú ẩn rất cấp thiết, nhưng việc hội đồng phá dỡ 8 ngôi nhà trú ẩn vào tháng 3 năm ngoái đã khiến nhiều người không có nơi ở. Một số người cho rằng cuộc khủng hoảng này còn trầm trọng hơn do tình trạng trục xuất, cưỡng chế phá dỡ các khu ổ chuột và nhà ở đang diễn ra.
Anh Afzal Khan, người cha vô gia cư của đứa con 6 tuổi, đã chứng kiến ngôi nhà tồi tàn của mình bị san phẳng hồi năm 2014. Việc liên tục bị cưỡng chế rời khỏi những nơi trú ẩn tạm bợ trên vỉa hè đã khiến hoàn cảnh của gia đình anh trở nên tồi tệ hơn.
“Vợ và con tôi phụ thuộc vào tôi, nhưng tôi dường như không đủ trang trải chi phí, tôi nên đưa họ đi đâu để tránh cái nóng kéo dài này? Chúng tôi đã bị bỏ rơi, trở nên dễ bị tổn thương và không có nơi nào để sinh sống”, anh Khan nói.
Chính quyền Delhi đã đặt các bệnh viện trong tình trạng báo động cao để sẵn sàng ứng phó với sự gia tăng các ca bệnh liên quan đến nhiệt độ cao.
Ông Shiv Dhayal, thợ sửa ống nước 45 tuổi, được đưa vào khoa sốc nhiệt của Bệnh viện Ram Manohar Lohia sau khi ngã gục khi đang làm việc ngoài trời. Dhayal cho biết ông đột nhiên cảm thấy run rẩy tay chân và rơi vào bất tỉnh.
“Tôi không còn chút sức lực nào trong cơ thể”, ông chia sẻ.
Bác sĩ Seema Balakrishna Wasnik, trưởng khoa Cấp cứu tại Bệnh viện Ram Manohar Lohia, cho biết bệnh viện thường ghi nhận các trường hợp bệnh nhân sốt cao, say nắng, mất nước và sốc.
“Bệnh viện đã hướng dẫn những bệnh nhân này đến 'khu vực đỏ' được chỉ định để ổn định, trước khi chuyển họ đến khoa sốc nhiệt để theo dõi thêm”, bà nói.
Tình cảnh cùng cực của những người vô gia cư ở Delhi trong đợt nắng nóng hiện nay là lời nhắc nhở rõ ràng về nguy cơ dễ tổn thương của các cộng đồng thiểu số. Những nỗ lực cung cấp nơi trú ẩn và chăm sóc sức khỏe vẫn chưa đủ, khiến nhiều người phải chịu ảnh hưởng của các yếu tố thời tiết.
Trong khi đó, các dự báo cho thấy nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng lên. Theo báo cáo năm 2021 của Liên hợp quốc, Ấn Độ là một trong những quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu.
Các bệnh liên quan đến sốc nhiệt đã tăng lên trong những tuần gần đây. Các khoa cấp cứu và ngoại trú của bệnh viện Delhi báo cáo số bệnh nhân tăng từ 10 – 15% và thủ đô của Ấn Độ đã ghi nhận 1 ca tử vong do sốc nhiệt.
Khi cường độ và tần suất của các đợt nắng nóng tăng lên, chính quyền đã phải chịu áp lực ưu tiên bảo vệ những người dễ bị tổn thương.
Các quy định về nơi trú ẩn cho người vô gia cư do chính phủ điều hành đã được đưa vào Kế hoạch hành động chống nóng mùa hè của chính quyền Delhi, vừa được công bố hồi tháng 4. Tuy nhiên, các nhà hoạt động xã hội cho rằng những nơi trú ẩn này quá đông đúc và gần như không thể sinh sống.
Bà Sunil Akledia - nhà hoạt động vì quyền của người vô gia cư, Giám đốc điều hành tại Trung tâm Phát triển Toàn diện - cho biết: “Những người vô gia cư sống trong các nơi trú ẩn của chính phủ thích ngủ ngoài trời bởi những nơi trú ẩn này thiếu các tiện nghi cơ bản, các công trình xuống cấp và vệ sinh kém. Nhiều người thậm chí không cảm thấy an toàn khi ở trong đó và trong thời tiết nắng nóng, việc ngủ ở những nơi trú ẩn này là điều không thể chịu đựng nổi”.
Ông Vicky Sharma, Tổng thư ký của Công đoàn Công nhân Nhà tạm trú Delhi, chỉ trích việc phá dỡ các khu nhà ổ chuột. Ông Sharma, người từng trải qua tình trạng vô gia cư, đã chỉ ra sự chênh lệch tại khu trú ẩn Geeta Colony, nơi có sức chứa 500 người nhưng dự kiến sẽ chứa tới 65.000 người.
“Hầu hết những người vô gia cư này đều chết trên đường, nhiều trẻ em và phụ nữ bị quấy rối tình dục và hầu hết trong số họ trở thành nạn nhân của nạn buôn người”, ông Sharma cho biết.
Câu chuyện của Muhammad Akhlaq là lời nhắc nhở rõ ràng về những thách thức mà nhiều người nghèo nhất Ấn Độ phải đối mặt trong những tháng mùa hè khắc nghiệt.
Người đàn ông 30 tuổi này đã rời quê hương Bijnor ở Uttar Pradesh khi mới 13 tuổi và đến Delhi để làm họa sĩ. Akhlaq, vợ và con trai nhỏ của anh thấy mình đang phải sống trên một lối đi bộ trên đường Mathura sau khi ngôi nhà của họ bị phá hủy.
“Tất cả các khu ổ chuột của chúng tôi đã bị chính quyền phá dỡ thành đống đổ nát. 50 gia đình khác cũng không có nơi ở. Giờ đây chúng tôi là những người vô gia cư, không có nhà cửa hay thậm chí là quạt. Nơi trú ẩn duy nhất của chúng tôi là một cái cây. Đây cũng là nơi chúng tôi ngủ vào ban đêm”, anh Akhlaq nói.