Hàng trăm nghìn trẻ em tại Gaza sẽ phải đối mặt với dịch bệnh bại liệt nguy cấp nếu như vaccine ngăn ngừa không đến kịp.
Sau khi 6 mẫu nước thải lấy ở Gaza vào cuối tháng 6 có kết quả xét nghiệm dương tính với virus bại liệt, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo “chỉ là vấn đề thời gian" trước khi căn bệnh này lây lan đến hàng nghìn trẻ em Palestine.
Cuối tháng 7, các trường hợp liệt mềm cấp, một triệu chứng do virus bại liệt gây ra, đã được ghi nhận tại khu vực lấy mẫu. Chỉ một tuần sau đó, ca bại liệt đầu tiên ở Gaza sau 25 năm đã được xác nhận ở một trẻ 10 tháng tuổi chưa được tiêm vaccine.
Hiện tại, hơn 1,2 triệu vaccine bại liệt dạng uống đã đến Dải Gaza, và dự kiến sẽ có thêm hàng triệu liều nữa trong những ngày tới. Mục tiêu là hoàn thành phân phối cho khoảng 640.000 trẻ em dưới 10 tuổi, với 2 liều cho một trẻ.
Một kế hoạch tiếp cận lãnh thổ và phân phối vaccine đã được triển khai, tuy nhiên, để duy trì nhiệt độ bảo quản thích hợp cho vaccine ở mức 2-8 độ C trong quá trình phân phối lại là một thách thức cực kỳ to lớn đối với đội ngũ y tế.
WHO đã cùng tham gia vào nỗ lực tiêm chủng với Cơ quan Y tế Palestine, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (LHQ), Cơ quan Cứu trợ dành cho Người tị nạn Palestine của LHQ và các đối tác khác. Mỗi tổ chức được giao một nhiệm vụ trong kế hoạch vi mô về để thực hiện chiến dịch tiêm vacicne.
Quan trọng hơn hết, các tổ chức đã nhấn mạnh rằng một lệnh ngừng bắn — đồng nghĩa với một “nút lặng của bệnh bại liệt” – là rất quan trọng. Nếu không có lệnh ngừng bắn kịp thời, trẻ em ở Gaza sẽ tiếp tục mắc căn bệnh chết người này và bại liệt sẽ lan rộng ra toàn khu vực và xa hơn nữa.
“Cơ quan Y tế Gaza kêu gọi các tổ chức quốc tế làm việc và gây sức ép với chính quyền chiếm đóng để chấm dứt hành động chiến tranh liên tục nhằm vào người dân của chúng tôi ở Dải Gaza, tạo điều kiện cho đội y tế có thể đưa vaccine tới trẻ em và ngăn chặn sự lây lan của virus”, một thông cáo của cơ quan này tại Ramallah cho biết ngày 25/8.
Trong một tuyên bố ngày 16/8, Hamas cho biết họ ủng hộ một lệnh ngừng bắn để phân phát vaccine bại liệt.
Điều phối viên các hoạt động của chính phủ Israel tại các vùng lãnh thổ, đơn vị quản lý dòng viện trợ vào Gaza, trước đó đã nói rằng trong những ngày tới, các đội y tế địa phương và quốc tế sẽ mang vaccine bại liệt cho trẻ em chưa tiêm vacicne ở Gaza và sẽ phối hợp với quân đội Israel để áp dụng các lệnh tạm ngừng bắn nhân đạo và cho phép người dân đến các trung tâm y tế uống vaccine.
Đến hiện tại, các cuộc thảo luận về lệnh tạm dừng giao tranh vẫn đang diễn ra. Ngày dự kiến bắt đầu uống/tiêm vaccine là ngày 31/8 nếu điều kiện cho phép.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán rộng hơn do Mỹ, Qatar và Ai Cập làm trung gian cũng đang được tiến hành, nhằm chấm dứt 10 tháng xung đột sau khi Israel phát động chiến tranh với Hamas sau cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của nhóm này. Nhưng tiến triển trong các cuộc đàm phán không đảm bảo một thỏa thuận cuối cùng sẽ sớm diễn ra.
Đầy rẫy những nguy cơ
Ngay cả khi có một lệnh tạm dừng nhân đạo, việc vận chuyển vaccine đến Gaza chỉ là khởi đầu của một chiến dịch đầy trở ngại.
Theo Jonathan Crickx, giám đốc truyền thông tại UNICEF Palestine, kế hoạch bắt đầu bằng việc giao cho mỗi tổ chức quốc tế một vai trò.
WHO chịu trách nhiệm phê duyệt vaccine, tiến hành giám sát và xét nghiệm tại chỗ các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bại liệt ở người và môi trường.
UNICEF nhận nhiệm vụ mua và cung cấp vaccine cùng vật ư làm lạnh và dẫn đầu một chiến dịch nâng cao nhận thức cho người dân. UNICEF sẽ chia sẻ thông tin về những người có thể được tiêm vaccine, ở đâu và tại sao phải tiêm loại vaccine này thông qua phương tiện truyền thông đại chúng và tờ rơi. Điều quan trọng là phải thuyết phục được các gia đình cảm thấy an tâm khi đi ra ngoài để tiêm vaccine.
Khi chiến dịch nâng cao nhận thức tiến triển, vaccine sẽ được phân phối đến 10 cơ sở y tế của UNRWA và tối đa 100 điểm y tế lưu động trên khắp Dải Gaza.
Đối với WHO và UNICEF, một trong những trách nhiệm quan trọng nhất là bảo vệ vaccine trong nhiệt độ chuẩn. Vaccine bại liệt phải được bảo quản trong phạm vi nhiệt độ nhất định, nếu không chúng sẽ bị hỏng. Điều này đòi hỏi phải có hộp đá, tủ lạnh di động, máy phát điện, tấm pin mặt trời và nhiên liệu. Theo Cơ quan Y tế Gaza, các thiết bị cần thiết để giữ lạnh vaccine đã được chuyển đến Gaza vào tuần trước.
Theo các nhà khí tượng học của CNN, nhiệt độ ở Negba, cách Gaza vài kilomet về phái Bắc, đã đạt lên 39,4 độ C trong hè này.
Dự kiến chiến dịch tiêm chủng sẽ đi vào một khu vực đang phải đối mặt với tình trạng thiếu năng lượng dai dẳng kể từ tháng 10, khi chính quyền Israel cắt nguồn cung cấp đường ống dẫn và đóng cửa nhà máy điện địa phương.
"Đây là một thách thức lớn. Khi chứng kiến cơ sở vật chất ở kho Deir al-Balah và các cơ sở y tế của UNRWA, chúng ta phải nhận ra rằng thiết bị duy trì độ lạnh không nhiều. Nó chỉ bằng 25% công suất chuỗi bảo quản lạnh trước chiến tranh. Dải Gaza đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung cấp điện rất nghiêm trọng", ông Crickx chia sẻ.
Các tổ chức viện trợ đã cố gắng bổ sung nguồn cung đang cạn kiệt bằng cách đưa nhiên liệu vào. Tuy nhiên, một báo cáo của Oxfam International vào tháng 7 cho biết, trung bình chỉ có 1/5 nhiên liệu cần thiết cho hoạt động của các dịch vụ quan trọng trên khắp Gaza được phép vượt qua biên giới.
Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ, trung bình chỉ có 76 xe tải nhân đạo vào Dải Gaza mỗi ngày từ ngày 1-12/8, giảm 85% so với mức trung bình là 500 xe tải trước xung đột.
Hiện thực tàn khốc
Ngay cả khi có những kế hoạch bảo đảm, các lọ vaccine cũng trở thành "tâm chấn" của dịch bệnh.
Touma, giám đốc truyền thông của UNRWA, chỉ ra sự sụp đổ của hệ thống nước, nước thải và chăm sóc sức khỏe kết hợp với tình trạng thiếu hụt viện trợ, thực phẩm và vật tư vệ sinh, tình trạng quá tải, lũ lụt và tỷ lệ tiêm chủng giảm mạnh đã biến khu vực này thành "tâm chấn của nhiều loại bệnh".
Bại liệt là một bệnh truyền nhiễm do virus cực kỳ dễ lây lan chủ yếu qua nước hoặc thực phẩm bị ô nhiễm. Virus này tấn công hệ thần kinh và có thể gây ra tình trạng tê liệt, các vấn đề về hô hấp và thậm chí tử vong. Rõ ràng điều kiện ở Gaza đang cực kỳ thích hợp cho virus này lây lan.
Ngoài bệnh bại liệt, điều kiện sống tại Gaza đã góp phần làm gia tăng các trường hợp viêm gan, vàng da, bệnh tiêu chảy và phát ban da cực kỳ dễ lây lan, cùng với các bệnh truyền nhiễm và đường tiêu hóa khác.
"Toàn bộ Gaza đã trở thành một trại tị nạn khổng lồ. Hàng chục nghìn người chen chúc nhau. Hệ thống thoát nước quá tải. Nó không hề sạch sẽ”, ông Touma miêu tả.
Báo cáo của Oxfam cho biết do không còn nhà máy xử lý nước thải nào còn hoạt động và chỉ có 88% giếng nước hoạt động, nước thải tràn ra đường phố và người Palestine không thể tránh khỏi nguồn nước bị ô nhiễm.
Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo, tính đến ngày 28/8, 1,9 triệu người – 90% dân số Gaza - đã phải di dời. Tình trạng di dời trong nước là do lệnh sơ tán hàng loạt và điều kiện sống không thể sống được buộc người dân tháo chạy. Để đạt được mục tiêu tiêm chủng 90% là một mục tiêu xa vời.
Theo UNRWA, vùng lãnh thổ phía Bắc Gaza là không thể tiếp cận. Đây cũng là một thách thức lớn trong bối cảnh nhiệm vụ tiếp cận các gia đình tại Gaza vốn đã khó khăn.
“Không thể đi từ Deir al-Balah đến phía Bắc. Quá nguy hiểm. IDF sẽ không cho phép. Nơi đây đầy bom mìn chưa nổ và đầy rẫy cướp bóc. Hàng hóa và con người thường không được vận chuyển giữa khu vực phía Bắc và khu vực trung tâm. Hầu hết các cơ quan cứu trợ đều có sự hiện diện rất hạn chế ở đó”, Touma cho biết.
Bất chấp mọi khó khăn, các tổ chức quốc tế đều hy vọng sẽ triển khai chiến dịch tiêm chủng sớm nhất và nhanh nhất có thể.
“Bệnh bại liệt rất nguy hiểm. Nó có thể lây lan rất nhanh. Nó không biết đến bất kỳ biên giới hay tiền tuyến nào. Nếu chúng ta không thể đạt được tỷ lệ tiêm chủng từ 90% đến 95% ở Gaza, thì đợt bùng phát này sẽ tiếp tục. Sẽ có nhiều trẻ em bị liệt hơn. Đợt bùng phát này sẽ lan sang Israel và các quốc gia lân cận”, Tiến sĩ Hamid Jafari, Giám đốc phòng chống bại liệt của WHO tại khu vực Đông Địa Trung Hải, cảnh báo.